Sau hơn 50 năm, tôi vẫn nợ một lời xin lỗi!
Ít ngày nữa sẽ diễn ra Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày đất nước hoàn toàn giải phóng... Tôi chợt nhớ lại một kỷ niệm buồn thời thơ ấu...
Một kỷ niệm buồn hơn 50 năm trước...
Chỉ còn gần 20 ngày nữa cả nước ta sẽ tổ chức ngày hội lớn: Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, 50 năm Ngày đất nước hoàn toàn giải phóng... Lúc này tôi chợt nhớ đến kỷ niệm buồn thời thơ ấu cách đây hơn 50 năm.
Năm ấy, năm 1968, gia đình tôi đang sống những ngày sơ tán ở Xóm 9, xã Vĩnh Minh, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
Đó là thời kỳ chiến tranh, khi mỗi ngày trôi qua đều mang theo nỗi lo lắng dù luôn hy vọng. Đó là thời kỳ mà có những ngày đất trời như ngừng thở vì máy bay Mỹ quần đảo liên tục trên bầu trời, rồi những trận bom Mỹ ném xuống phía cầu Hàm Rồng, phía Núi Nưa, trút xuống công trường làm vôi đá Bông Hang nơi mẹ tôi làm việc…Máy bay địch vẫn quần đảo ngày đêm, nhưng cũng đêm đêm xóm làng vang lên tiếng bước chân hành quân của những đoàn bộ đội hướng về phía Nam, nơi nhiều năm rồi không ngừng tiếng súng.
Gia đình tôi cũng như nhiều gia đình người dân khác ở Xóm 9, sống giữa ranh giới của bình an và chiến tranh, nơi mỗi ngày trôi qua như là một món quà quý giá nhưng lại rất mong manh vì có thể mất đi bất cứ lúc nào vì bom Mỹ.
Tuổi thơ của tôi thời đó về cơ bản chỉ giản dị, trong veo như ánh nắng ban mai sau kẽ lá, với những ước mơ ngờ nghệch và trong sáng. Nhưng rồi đến một ngày sự bình yên trong tâm hồn tôi bị xé toang vì loạt đạn AK mà chính tôi là thủ phạm. Loạt đạn AK tạo nên vết thủng to lớn ân hận trong tâm hồn mà tôi khó có thể quên đi, dù năm tháng đã xóa nhòa nhiều ký ức.

Ngày đó, cứ vài tháng một lần, dân làng lại đón một đoàn bộ đội trên đường vào Nam đánh Mỹ. Bộ đội ở lại vài tuần hoặc đôi khi là một tháng để luyện tập trước khi tiếp tục hành quân về phía chiến trường. Những người lính ấy, mới chỉ mười tám, mười chín tuổi, đẹp trai và hào hùng. Tôi không biết lúc đó các chú bộ đội suy nghĩ gì. Sau này lớn lên tôi mới hiểu rằng họ mang trong mình lòng nhiệt huyết và khát vọng về lý tưởng cao cả là ra chiến trường giết giặc để giải phóng đất nước.
Ngày đó, với tôi, họ không chỉ là những chú bộ đội đẹp trai bằng da bằng thịt mà còn là những người anh hùng – những người mà tôi mơ ước sẽ trở thành vào một ngày nào đó.
Mỗi buổi chiều đi học về, tôi và đám bạn thường chạy thật nhanh ra bãi đất trống của làng, nơi các chú bộ đội tập bắn không đạn. Chúng tôi đứng từ xa, mắt sáng lên nhìn các chú thao tác: lên đạn, mở chốt an toàn, tì vai, áp má, nín thở, ngắm mục tiêu, bóp cò…
Những thao tác đó, với một cậu bé nghịch ngợm và tò mò như tôi, đẹp như một màn trình diễn đầy cuốn hút của những người anh hùng. Tôi thuộc trong đầu từng động tác, không phải vì được dạy, mà vì "học lỏm" với tất cả sự đam mê. Trong mắt tôi, khẩu súng AK trên vai các chú không chỉ là vũ khí, mà còn là biểu tượng của sự mạnh mẽ, biểu tượng của người anh hùng.

Nhưng đã có một buổi trưa định mệnh.
Buổi trưa ấy, trời trong xanh, nắng vàng rực rỡ. Tôi đi học về, ném túi xách vào góc nhà, rồi kéo đám bạn chạy sang nhà hàng xóm – nơi có các chú bộ đội đang đóng quân. Tại đó, hai khẩu súng AK bóng loáng được dựng vào góc tường, yên tĩnh nhưng đầy sức hút một cách ma mị. Các chú bộ đội (chủ nhân của hai khẩu súng kia), đang ăn cơm trưa ở nhà ăn cách đó không xa. Tôi tò mò muốn vô cùng được chạm, được cầm khẩu súng trong tay. Với bản tính hiếu kỳ và nghịch ngợm của một đứa trẻ, tôi không cưỡng lại được khát khao đó. Hai bàn tay của tôi đã chạm vào khẩu súng.
Tôi cầm khẩu AK lên, cảm nhận được sự mát lạnh của kim loại. Lúc đó tôi như mê mị đi, và tôi bỗng biến thành chú bộ đội giải phóng, những đứa trẻ đứng sau lưng tôi biến thành bọn Mỹ ngụy. Tôi mở chốt an toàn, lên đạn. Tiếng "rốp rốp" vang lên lên đầy phấn khích. Tôi quay lại chĩa súng về phía đám trẻ, hét lớn: "Bọn Mỹ ngụy kia, giơ tay lên!".
Đám trẻ diễn theo, giơ tay "đầu hàng" rồi cười ré lên. Lúc đó, tôi thấy mình là một người anh hùng thực sự. Khẩu súng trong tay là niềm tự hào lớn lao của một cậu bé 7 tuổi.
Nhưng rồi, mọi thứ thay đổi như số phận phải thế. Những lần trước, khi cầm trộm súng, tôi thường áp má, tì vai, "lên đạn", chĩa súng về phía trước và nín thở bóp cò để được nghe những tiếng "cách cách" vui tai (súng không có đạn).
Lần này, không hiểu sao, như có một bàn tay vô hình trên đầu dẫn lối, kéo nòng súng trong tay tôi hướng lên mái nhà trước khi ngón tay tôi bóp cò. Một loạt tiếng nổ kinh hoàng vang lên làm rung chuyển cả không gian. Mọi thứ xung quanh như tối sầm và đặc quánh.
Khi tôi mở mắt, khẩu súng đã nằm dưới nền nhà, nắng đã tràn qua một cái lỗ lớn bằng miệng thúng trên mái nhà, chiếu xuống nền gạch đầy ngói vỡ và bụi vữa tường. Đám trẻ đứng đó, mặt mũi lem luốc bụi tường, trân người sợ hãi. Còn tôi đứng như trời trồng, hoảng loạn. Sau này, tôi mới hiểu rằng, dòng họ, tổ tiên đã cứu tôi và nhóm trẻ ấy!
Tiếng người chạy tới rầm rập. Căn phòng kín đặc bộ đội. Xung quanh tôi là những gương mặt bội đội vừa giận dữ vừa lo lắng. Tôi lập tức bị giữ lại, bị hỏi dồn dập. Trong những giây phút ấy, tôi nghĩ rằng mình sẽ bị bắt, bị xử bắn, và sẽ không còn cơ hội nhìn thấy mẹ, thấy chị và các em cũng như bạn bè nữa. Tôi tưởng tượng ra cảnh mình bị bắt, may ra còn sống thì sẽ bị cả làng xa lánh. Nỗi sợ hãi khiến tôi khóc nức nở.
Nhưng rồi, giọng nói của một bác bộ đội trung tuổi (chắc là chỉ huy) vang lên, nghiêm khắc nhưng đầy bao dung: "May mắn, không ai bị thương. Thả cháu bé về đi. Lỗi này là của người quản lý súng. Súng sau khi tập phải tháo đạn ra, cất đi. Vi phạm kỷ luật như thế này thì không thể được. Phải ngồi viết kiểm điểm gửi tôi. Chiều mai sẽ họp xử lý kỷ luật. Mọi người giải tán!".
Tôi được tha, nhưng đôi chân tôi bỗng trở nên nặng nề, như không muốn bước di. Dù không bị phạt, nhưng tôi biết mình đã gây ra tội lớn không thể tha thứ.
Chiều hôm đó, mẹ tôi phải sang nhà bác hàng xóm để đền tiền sửa mái ngói. Mỗi bước chân mẹ đi, tôi thấy nặng trịch. Mẹ không mắng, chỉ nói "đại hồng phúc nhà mình, không ai bị sao cả", nhưng ánh mắt mẹ vừa xót xa, vừa bất lực vì hậu quả của đứa con nghịch dóc trời rơi xuống gây ra. Tôi biết mẹ phải dành những đồng tiền ít ỏi để khắc phục những lỗi lầm của tôi. Điều đó làm tôi càng day dứt.
Sáng hôm sau, khi đi học ngang qua ngôi nhà bác hàng xóm, tôi thấy chú bộ đội – người chịu trách nhiệm quản lý súng – ngồi viết kiểm điểm. Khuôn mặt chú buồn bã, ánh mắt thăm thẳm nỗi niềm mà một thằng bé như tôi không thể hiểu hết. Tôi muốn chạy đến xin lỗi chú ấy, muốn nói rằng tôi không cố ý, rằng tôi chỉ muốn giống chú là trở thành người chiến sĩ anh hùng. Nhưng tôi không đủ dũng cảm để làm điều đó. Tôi chỉ biết cúi đầu, bước đi mang theo sự ân hận, day dứt.
Vào một đêm, đơn vị bộ đội ấy rời làng, tiếp tục hành trình vào Nam, nơi khói lửa chiến tranh đang chờ đợi. Những đoàn quân khác lại đến, rồi lại đi, mang theo giấc mơ thống nhất đất nước. Mỗi lần nghe tiếng bước của đoàn quân xa dần trong đêm, tôi lại bâng khuâng, tự hỏi có bao nhiêu người trong số họ sẽ trở về, và bao nhiêu người sẽ mãi mãi ở lại nơi chiến trường xa xôi…?
Đã hơn 50 năm trôi qua, tôi vẫn nợ một lời xin lỗi...
Nhiều năm sau, khi đã là một người đàn ông 50 tuổi, có dịp đi công tác, tôi tìm trở lại Xóm 9, xã Vĩnh Minh, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa - nơi những kỷ niệm tuổi thơ vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức. Tôi hỏi thăm tìm đến nhà bác hàng xóm, nơi tôi đã gây nên sự vụ kinh hãi thời nhỏ - một lỗi lầm không thể quên trong cuộc đời.
Bác chủ nhà, giờ tóc đã bạc, ngơ ngác khi tôi nhắc lại chuyện xưa. Mãi đến khi tôi nói "Cháu là Phán, con mẹ Dinh năm 1968 sơ tán ở nhà bên cạnh nhà bác. Cháu là thằng bé năm xưa đã bắn thủng mái ngói nhà bác! Mẹ cháu phải sang nhà bác đền tiền lợp ngói đấy ạ", bác ấy mới kêu lên: "Ôi trời, anh Phán đây hử! Ngày đó răng mà mi nghịch rứa!". Bác ấy nắm tay tôi, sở đầu, sờ vai như không tin người đàn ông chững chạc đang đứng trước mặt lại là cậu bé tội đồ năm xưa làm cả làng sợ hãi.
Hai bác cháu chuyện trò như những người thân lâu ngày gặp lại.Tôi hỏi thăm những đứa bạn cùng lứa đã đứng bên tôi hôm đó. Nay người còn, người mất, có người xuôi về miền Nam sinh sống, có người ngược lên núi cao lập nghiệp…

Tác giả và bác chủ nhà sau mấy chục năm gặp lại...(Ảnh: Tô Nam)
Thời gian đã làm mờ đi tất cả, vật đổi sao dời, chỉ để lại những ký ức như những dấu lặng trong bản nhạc lòng người. Tôi đứng giữa xóm làng giờ đã thay đổi mà ngơ ngác. Với tôi, ở đây mọi thứ đã thay đổi, chỉ còn bác chủ nhà và ngôi nhà là chứng tích của một thời. Đó không phải chỉ là chứng tích tuổi thơ dại dột của tôi, mà còn là chứng tích của một thời kỳ gian khổ chiến tranh tất cả chúng ta phải chịu đựng và vượt qua.
Cậu em trai út của tôi chứng kiến cuộc gặp gỡ của tôi và bác chủ nhà. Cậu ấy chụp cho 2 bác cháu một kiểu ảnh đứng ở sân trước ngôi nhà. Nghe chúng tôi nói chuyện ngày trước, cậu ấy tỏ ra rất ngạc nhiên. Đúng thôi, 4 năm sau cái ngày định mệnh đó, cậu ấy mới được mẹ tôi sinh ra...
… Giờ đây, đất nước đã hòa bình, chiến tranh chỉ còn sót lại trong những trang sử và ký ức. Khi nghĩ về thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, thú thật, tôi lại thấy gợn lên trong lòng nỗi day dứt năm xưa.
Tôi nghĩ về chú bộ đội trẻ tuổi năm đó, người phải kiểm điểm, bị kỷ luật vì lỗi lầm của tôi. Chú ấy giờ ở đâu? Chú có trở về sau chiến tranh, có cưới vợ, sinh con, sống một cuộc đời bình yên? Những người lính từng dừng chân ở Xóm 9, từng cười nói với lũ trẻ chúng tôi, từng mang trong tim giấc mơ hòa bình, họ bây giờ ra sao? Những ai trong số họ đã mãi mãi ở lại vùng đất chiến trường, linh hồn hòa vào đất trời?
Sắp tới, cả nước sẽ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 50 năm – một chặng đường dài, đủ để những vết thương chiến tranh dần lành sẹo, nhưng không thể xóa đi ký ức về những hy sinh mất mát đau thương. Thế hệ đi sau hãy nghĩ về những người lính trẻ năm xưa, những người đã ra đi để đất nước được hòa bình; Hãy nghĩ về những giấc mơ mà các thế hệ thanh niên đã mang theo khi hành quân; Hãy nghĩ về những nụ cười họ để lại, và cả những nỗi khao khát họ cố giấu đi khi chia tay gia đình, chia tay người yêu để đến chiến trường, nơi cái chết nhiều hơn sự sống!
Tiếc rằng, ngày đó tôi không biết tên chú bộ đội bị kỷ luật vì lỗi lầm của tôi. Trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, có biết bao chiến sĩ vô danh hành quân qua những xóm làng, biết bao chiến sĩ vô danh hy sinh nơi rừng thẳm. Họ vô danh nhưng đã làm nên danh xưng rất đáng tự hào: Tổ quốc Việt Nam!
Với tôi, những người lính ấy mãi mãi là những người anh hùng. Dù còn sống hay đã hy sinh, họ vẫn hiện diện đâu đó trên bầu trời Việt Nam, tay cầm khẩu súng, bảo vệ an yên cho những thế hệ hôm nay.
Tôi, một người từng gây ra "tiền sự" trẻ thơ, vẫn còn nợ một lời xin lỗi chú bộ đội năm nào. Cầu mong, nếu còn sống, chú và đồng đội của chú luôn bình an, hạnh phúc bên con cháu như từng mơ ước. Nếu như chú ấy đã đã hy sinh để chúng ta có được ngày hôm nay, mong chú hiển linh trên bầu trời Việt Nam, tay vẫn chắc súng để bảo vệ sự bình yên cho gia đình chú và cho mọi người!
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google