Nhìn và cảm nhận: Nhân quả!
Đã là kẻ xấu đương nhiên bị mọi người căm ghét. Bị căm ghét chưa đủ, mà phải bị ai đó, lực lượng nào đó trừng trị. Nhưng ai, cái gì đủ sức trừng trị những kẻ xấu đó, tôi vẫn không hình dung được.

"Người thiện dù phúc chưa đến, nhưng họa đã bắt đầu rời xa. Người ác, họa dù chưa đến, nhưng phúc đã dần không còn". Ảnh minh hoạ: AI
Ngày còn nhỏ, gần nhà tôi có một người đàn ông bị mọi người căm ghét. Nhiều người khi gặp ông ta trên đường thì nhổ nước bọt. Lý do rất đơn giản: ông ta đi làm về đến nhà là ngất nghễu uống rượu rồi đánh vợ chửi con như một thú vui. Coi vợ như một cái máy đẻ, ông ta bắt vợ tù tì 7 năm đẻ 5 đứa con lít nhít. Đói ăn, không được chăm sóc, 5 đứa bé như những củ sắn, củ khoai lăn lóc, mũi dãi thò lò.
Bà cụ hàng xóm thương lũ trẻ, đem mấy củ khoai luộc sang cho, buột miệng nói: "Đẻ con ra mà vứt xó xỉnh như con chó con mèo thì đẻ làm gì cho nó đau cái…đồ". Ông ta nghe thấy, hùng hổ sang nhà bà cụ chửi cho cả xóm nghe: "Mụ đẻ hay sao mà kêu đau, hả? Già rồi, đừng xía vào việc nhà người khác". Có ông cán bộ xóm nghe bà con phản ánh, đến khuyên giải thì bị chửi: "Ông tòm tem với con vợ tôi hay sao mà đến đến đây khuyên với chả giải. Cút!". Ông cán bộ sợ quá, không dám đến nữa. Hàng xóm ngại va chạm, cán bộ thôn cũng vậy. Pháp luật thì xa vời. Không ai trừng trị ông ấy. Cái xấu, cái ác cứ nghễu nghện!

Hồi tôi học cấp 3, bố bốc thăm được một tấm vải và cho may quần. Đứa bạn giới thiệu kèm lời ca ngợi như hát về một người thợ may có tay nghề giỏi, đông khách. Tôi đạp xe đến nhà ông ta vào một buổi chiều, lúc đó khoảng 18h.
Đập vào mắt tôi là cảnh tượng ông thợ may ngồi chễm chệ trên giường với bát chân giò lợn nấu giả cầy béo ngậy và chai rượu nút là chuối. Ông ta gắp miếng thịt cho vào mồm nhai, tợp một ngụm rượu với vẻ mặt của một ông vua!
Ngay mép giường dưới đất là mẹ già, người vợ và 4 đứa con nhỏ đang ăn cơm với rau luộc và ít tép rang. Mẹ và vợ ông ta có vẻ mặt nhẫn nhục, nhưng 4 đứa trẻ không giấu được ánh mắt thèm khát đến tội nghiệp mỗi lần nhìn lên ông ta. Ông thợ may lạnh nhạt nhìn tôi không nói gì, chỉ hất đầu bảo tôi ngồi chờ. Ngồi chờ, tôi thấy càng nhức nhối khi chứng kiến ông thợ may mắng đứa con nhỏ đòi ăn thịt: "Không làm ra xu nào thì ăn thế là may, còn đòi ăn ngon à?". Lúc đó vẻ mặt mẹ và vợ ông ta càng nhẫn nhục, hiểu là ông ta đang rỉa rói mình. Sao lại có kẻ khốn nạn như vậy! Tôi đứng phắt dậy ra về mà không nói lời nào. Phía sau lưng, tiếng ông ta đuổi theo: "Ơ, không may quần à?".
Kẻ xấu thì đương nhiên bị căm ghét, nhưng trừng trị thế nào?
Ngày đó tôi coi những người như trên là kẻ xấu. Mà kẻ xấu đương nhiên bị mọi người căm ghét. Bị căm ghét chưa đủ, mà phải bị ai đó, lực lượng nào đó trừng trị. Nhưng ai, cái gì đủ sức trừng trị những kẻ xấu đó, tôi vẫn không hình dung được.
Sau này trên đường đời tôi gặp nhiều kẻ xấu khác nữa: Từ mấy kẻ lừa đảo tem phiếu, lừa đảo bán vé giả xe khách liên tỉnh, mấy kẻ rạch túi, thậm chí cướp bóc, đến những người mang danh là bạn bè, đồng nghiệp, mang danh trí thức giết người không dao khiến cho đồng nghiệp không biết chết vì cái gì…
Một người đàn ông kiếm được chút tiền thì cho mình có quyền đánh vợ chửi con, một người đàn ông khác có tay nghề may, kiếm được tí tiền thì cho rằng mình có quyền được ăn ngon, và coi mẹ đẻ, vợ con như nô lệ…Ban đầu đó là bản năng sinh tồn (phải làm việc kiếm cơm), nhưng khi thấy cha mẹ, vợ con phụ thuộc vào đồng tiền họ kiếm được mà nuông chiều, nể nang, trọng vọng, cái tâm chấp trước của họ nổi lên. Thế là sinh ra cửa quyền, tinh tướng, từ đó nảy nòi thói công thần, đòi được hưởng thụ…
Cái xấu đó, con người xấu đó chỉ bó hẹp trong một gia đình. Những kẻ lừa đảo, cướp giật thì gây hệ lụy cho nhiều người. Nhưng những trí thức lưu manh thì lại làm hại đồng nghiệp, đồng đội, thậm chí làm hại cả một thế hệ. Hệ luỵ của những kẻ xấu có thể khác nhau về tính chất, mức độ, nhưng đáng lo ngại nhất là hệ lụy gây ra do những người "trở cờ" về quan niệm, tư tưởng, sẽ lâu dài hơn. Bởi, sự đánh tráo khái niệm nhiều khi lừa được cả một quốc gia. Hitle và Đức quốc xã là một trường hợp điển hình!

Kinh tế phát triển, công nghệ phát triển, người ta dùng chất hóa học nhiều hơn ở mọi lĩnh vực sản xuất và đời sống, và bệnh tật tăng lên. Những tên lang băm, những nhà sản xuất dược phẩm lưu manh móc ngoặc với bệnh viên, bắt tay với những quan chức nắm quyền trong dây chuyền vận hành nhà nước để nuốt hàng triệu hàng trăm triệu đô la của bệnh nhân.
Một tay giám đốc còi chuyên làm hàng giả như Phan Quốc Việt (chủ Công ty Việt Á) mà sai khiến cả một chuỗi cán bộ cao cấp là bộ trưởng, thứ trưởng, là giáo sự, tiến sĩ, tướng lĩnh quyền cao chức trọng, kinh nghiệm đầy mình! Đơn giản: chất dẫn để sai khiến ở đây có sức mạnh hơn điện rất nhiều - đó là tiền, rất nhiều tiền!
Thời nào cũng không đánh hết những kẻ bất nhân đó. Có những kẻ bị nhà nước trừng trị, nhưng không ít kẻ vẫn nhởn nhơ, quần là áo lượt, lung linh ở các hội trường, ở ti vi…Kẻ xấu không bị trừng phạt. Như vậy thì thật bất công.
Cuộc sống vốn luôn tồn tại những điều phi lý trong sự vận hành hợp lý. Về lý lẽ thông thường cũng như về cảm xúc của con người thì người tốt phải được tưởng thưởng, kẻ xấu phải bị trừng phạt. Song, thực tế thời nào dân chúng cũng bức xúc khi thấy nhiều kẻ xấu, kẻ ác không bị trừng phạt – dù ở góc độ nào, hình thức nào.
Ngay từ nhỏ thế hệ chúng tôi luôn được dạy rằng: mọi cái đều có nhân có quả. Ở góc độ biện chứng hay tâm linh đều thấy rõ sự thật đó. Trong tình cảm và tư duy chúng ta được truyền thụ thấm đẫm chân lý rằng: làm điều tốt thì được mọi người yêu mến, làm điều xấu thì sẽ bị pháp luật trừng trị, bị người đời phỉ nhổ - đó là chưa nói đến bị Thượng đế phong sát. Nhưng thực tế rất nhiều người làm điều xấu, thậm chí rất xấu mà không thấy bị trừng trị. Tại sao lại có thể như thế?
Chân lý: "Kẻ xấu sẽ bị trừng trị, người tốt sẽ được hưởng hạnh phúc"
Câu hỏi lớn đó hết năm này qua năm khác, hết giai đoạn lịch sử này qua lịch sử khác của loài người vẫn tồn tại, dù những nhà tư tưởng hay các sử gia, nhà văn hóa lớn đã cố gắng lý giải vẫn không làm hài lòng người hỏi, nhất là những người trẻ tuổi luôn sục sôi đòi sự công bằng. Kết thúc có hậu dù trải qua hành trình với những hành vi rất nhẫn tâm của cả Tấm và Cám đối với kẻ thù cùng dòng máu, thì chỉ có trong văn chương. Chân lý "kẻ xấu sẽ bị trừng trị, người tốt sẽ được hưởng hạnh phúc", thực ra đó chính là mong ước chính đáng của con người để giáo dục thế hệ sau.
Con người rút ra được gì là do cách nhìn của chúng ta ở các góc độ và tâm thế khác nhau. Sự sống vận hành ở nhiều thời không khác nhau. Có những thứ mà tư duy bình thường của lăng kính từ mắt của con người có thể thấy được, có những thứ con người không thấy được, không suy luận cụ thể được. Cho nên có những người bị trừng trị vì làm việc xấu mà người khác không biết, và bản bản thân người bị trừng trị cũng không cảm nhận được.
Có một câu chuyện liên quan đến người quen của tôi. Cậu ấy có điểm xuất phát dưới "không", do nhà nghèo nên rất chịu khó học lái xe, được bạn tôi là ông chủ một công ty cưu mang nhận về làm lái xe riêng.
Sau mấy năm gắn bó như anh em trong nhà, cậu ta được chứng kiến hầu hết các cuộc gặp mặt bàn chuyện làm ăn, rồi được chia, tặng cổ phần, được cho đi học đại học tại chức.
Đến một ngày, cái tâm chấp trước của cậu ta nổi lên: Tại sao mình cứ phải làm thuê cho ông ta mãi thế? Mình tài năng, mình có vốn liếng cơ mà? Thế là cậu ta lật mặt, bắt đầu từ việc phê phán cách quản lý của ông chủ, đến việc đòi chia thêm cổ phần, công khai kéo khách hàng truyền thống mà ông chủ gây dựng nhiều năm, công khai lôi kéo nhân lực của công ty.
Cấp độ lật mặt tăng nhanh đến mức cậu ta đòi tách ra khỏi công ty, lập công ty mới có ngành hàng tương tự để cạnh tranh với công ty cũ. Với các mối quan hệ làm ăn của ân nhân cũ, cậu ta tăng chi phí bôi trơn nhiều hơn nên cũng được một số vị quan chức tạo điều kiện. Cậu ta lấy danh nghĩa của một cơ quan lớn của nhà nước để họp báo, mời bạn tôi đến dự.

Trong cuộc họp báo, cậu ta xuất hiện như một doanh nhân trẻ thời mở cửa. Tôi vừa buồn cho nhân tình thế thái vừa lo cho cậu ấy - thứ gì có được từ hành vi cướp giật lòng tin, có được từ sự lật mặt, ăn xổi ở thì và bất nhẫn thì sẽ không bền. Người bạn của tôi vẫn đến dự cuộc họp báo. Khi tôi hỏi nhận định về tương lai của công ty này, anh chỉ nói: Có gốc rễ ăn sâu dưới đất thì cây mới khỏe và vươn cao được… Chỉ 2 năm sau, công ty mới đó chìm nghỉm. Bây giờ vợ cậu ta bán hàng ăn nhỏ ở vỉa hè còn cậu ta chạy ô tô dịch vụ biển số màu vàng.
Cậu đó có phải là kẻ xấu không? Có khát vọng lập nghiệp, mơ ước làm giàu thì là tốt. Nhưng lập nghiệp, làm giàu bằng sự lật mặt, đâm dao vào lưng ân nhân thì cậu ta đã trở thành kẻ xấu rồi.
Môt chuyện khác cũng liên quan đến bạn tôi. Bạn tôi làm tổng giám đốc một công ty, anh trai cậu ấy làm chủ tịch. Nhà chỉ có 2 anh em nên suốt nhiều năm mọi thứ trong công ty là một. Ông anh thì hiền lành, năng lực vừa phải nếu không nói là quá bình thường, nên chủ yếu nghe em trai. Nghe theo em trai và công ty phát đạt nên ông anh ngồi ghế chủ tịch mà không phải lao tâm khổ tứ gì.
Những bữa ăn nhậu, vui chơi của công ty đều do ông anh chủ trì, chủ chi; còn việc đi vùng sâu vùng xa, sang tận bên Lào tìm dự án thì dành cho ông em. Đang yên đang lành, một ngày nào đó ông anh tuyên bố bỏ vợ để cưới một cô nhân viên dưới quyền vừa trẻ, vừa thông minh với lý do vô cùng chính đáng: Đây mới là tình yêu đích thực của đời mình, đây mới là chất lượng sống.
Không ai cản được ông anh. Cưới vợ trẻ xong, ông anh yêu cầu chia tách công ty theo tỉ lệ 50/50. Đúng là động đất ở nơi xưa nay không ai có thể nghĩ tới. Sau nhiều ngày to nhỏ, cáu gắt với nhau, ông anh tuyên bố không nhìn mặt ông em nữa. Ông em đành phải chia tách công ty, cài đặt lại rất nhiều thứ trong tâm trạng đau đớn không bao giờ tưởng tượng được rằng việc này lại đến với mình…Không biết ông anh có bị trừng phạt không, nhưng bây giờ cô vợ trẻ làm chủ mọi việc, còn chồng thì biến thành một ông "mannequin" trong nhà, được chiều chuộng cung phụng hết cỡ. Chỉ có điều công ty do cô vợ trẻ điều hành ngày càng bết bát. Đây có thể coi là sự "trừng trị" đối với người anh?
Cư xử giữa con người với con người vẫn luôn luôn là vấn đề thời sự của mọi giai đoạn lịch sử loài người. Dù là tôn giáo hay hệ tư tưởng khác nhau, dù ở phương Đông hay phương Tây, ở kỷ nguyên này hay ở kỷ nguyên xa xưa, thực chất vẫn chỉ xoay quanh mối quan hệ, cách cư xử giữa con người với con người. Và dù công nghệ mới có được phát minh, dù thay đổi tư duy như thế nào thì đều có chung mục tiêu: để con người được hưởng hạnh phúc và mối quan hệ giữa con người với con người luôn được coi trọng nhất.

Giàu – nghèo, sang – hèn,… chưa phải là những cặp phạm trù chỉ bản chất cách biệt giữa con người với nhau. Mọi thứ đều có thể thay đổi, đẩy con người từ vị trí này sang vị trí ngược lại. Thời kim tiền có sức mạnh nên một tay chăn vịt hoặc một tay ma cô có tí tiền từ ăn chặn của người làm thuê khiêng linh cữu trong đám tang cũng có thể sai khiến được ông này bà nọ đại diện cho quyền lực nhà nước ở tỉnh thành, bộ ngành, thậm chí ở tít trên cao.
Mấy năm gần đây vị thế "em nuôi", "cháu nuôi", "con nuôi" uy lực hơn cháu xịn, con xịn rất nhiều, bởi nó bôi trơn các mối quan hệ một cách hiệu quả bằng thứ mà ai cũng biết: Lấy tiền của nhà nước (tức là tiền thuế của dân, của doanh nghiệp) qua cửa dự án đem cho con nuôi, cháu nuôi, rồi con nuôi, cháu nuôi lại lấy tiền nhà nước ở dự án đó đem đi lại quả.
Ràng buộc bằng tiền là thứ ràng buộc vừa hấp dẫn - hấp dẫn hơn nhiều lần các mối quan hệ khác - vừa nguy hiểm. Mà đã đi tranh cướp, dùng tiền nhà nước bôi trơn thì mấy ai chịu chết một mình - cá chết lưới rách mới là bản chất của mối quan hệ này! Bởi thế, đã kín thì kín cả nhà cả tổng, đã bóc thì bóc cả dây!
Tôi có một người em thuở hàn vi đẹp trai, dẻo miệng. Số phận cậu ấy được gặp những người tốt và được họ giúp đỡ. Cậu ấy làm con nuôi ông A vì được ông B giới thiệu, rồi cậu ấy lấy quyền lực của ông A ra dọa những ông C, bà E bạt vía. Cứ thế đi đến đâu cậu ấy đều được đón tiếp như VIP vậy.
Người có quyền lực thường sợ quyền lực mạnh hơn. Cậu ấy tận dụng nỗi sợ vô hình đó để dẫn dắt nhiều quan chức trở thành mạnh thường quân dọn đường cho mình. Họ cho cậu ấy tài sản, dự án này kia của nhà nước, lại còn hứa gả con gái cho. Khi chưa nắm đằng cán dự án trị giá vài ba trăm tỉ, có khi cả ngàn tỉ, cậu ấy đi lại nhà vị quan chức đó như con rể đến nhà bố vợ. Con gái nhà quan chức không phải ai cũng xinh đẹp, và thường lấy chồng muộn. Nhiều chàng trai bình thường sẽ "không có phước" như các cô ấy nói. Nhưng người em thưở hàn vi của tôi lại đẹp trai, phong quang, tương lai rộng mở, thế là các cô thích. Suốt những ngày "đi lấy" dự án, cô con gái của vị quan chức có thẩm quyền luôn đi cùng với danh nghĩa "vợ chưa cưới" của cậu ấy, nhiều khi lại đại diện cho bố truyền "ý chỉ".
Mạnh thường quân khi về hưu là hết quyền, thế là cậu ấy "bỏ cô gái, chỉ lấy dự án rồi chạy". Hận thấu xương nhưng xấu hổ và sợ phía sau cậu ta có những vị quan chức khác quyền lực hơn nên vị quan chức kia và cô con gái không dám làm ầm ĩ. Tôi biết rằng, có đến 4-5 đôi bố - con gái đã thề: "Thù này ắt hẳn còn lâu/trồng tre thành gậy gặp đâu đánh què". Hiện tại, tôi chưa thấy màn "trả thù" nào diễn ra với cậu ấy, nhưng sau này thì chưa biết chắc được.
Có những người trở thành kẻ xấu vì…may mắn! Có người may mắn vừa có quyền hành trong tay đã ăn nói tỏ vẻ coi thường người khác, coi họ như người hạ đẳng. Ngụp lặn trong vinh quang, cái tâm chấp trước của con người sẽ cố trồi lên. Quyền lực, danh vọng, tiền tài là thứ ve vuốt tốt nhất, hiệu lực nhất lòng tự mãn vốn là bản năng của những người nhiều tham vọng. Ở vị trí mới và đi kèm đó là nhiều thứ mang lợi ích cho người khác, người ta có những mối quan hệ mới, bạn bè mới, lợi ích mới, và có những cuộc chuyện trò ở tầm mức mới... Thay đổi không ngừng là tính chất, là quy luật vận động của sự sống. Tình cảm, tư duy và các mối quan hệ với bên ngoài đều phải thay đổi khi người ta ngồi ở vị trí cao hơn. Có những thứ chúng ta nhìn thấy không hề thay đổi nhưng thực sự đã thay đổi từ bên trong. Đó là chuyển hóa.
Nắng hôm nay khác nắng của sáng hôm qua. Cũng là mặt trời nhô lên từ ngọn núi ấy nhưng mặt trời sáng nay đã khác hôm qua. Khi bình yên, tiếng chim hót ở cây vườn nhà đã khác tiếng chim hôm qua. Đến một độ tuổi nào đó, cảm nhận bằng sự nhạy cảm và vốn sống, tôi mới có cách ứng xử cho là hợp lý: Lặng lẽ rời xa những người bạn, người quen thân khi họ ngồi ở chức tước cao. Để làm gì? Để không làm phiền họ, và không tự làm phiền chính mình. Và thêm nữa: để tránh cho bạn bè bị dồn vào chỗ biến thành… người xấu khi phải khó xử với người quen cũ!
Người xấu nếu đứng bên kia chiến tuyến thì dễ phân biệt bằng ranh giới và ý thức hệ, hoặc phân biệt bằng tính chất dân tộc, quốc gia. Nhưng trong nhà mình, đơn vị mình, trend của mình thì lại khó phân biệt. Xấu hay tốt chỉ là một ranh giới mỏng manh và khó có thể phân định rạch ròi.
Có những thứ ở ngay trước mắt mà ta không nhìn thấy được vì người ta che dấu, cố tình không cho ai biết. Lại có những thứ tưởng như không thấy được nhưng đập ngay vào mắt vì người ta cố tình tạo ra...sự vô tình. Thế nên họ nói vậy mà ko phải vậy. Khi thật giả lẫn lộn, con người ta dễ mất phương hướng. Trời quang mây tạnh nhưng mưa xuống bất cứ lúc nào. Vận mệnh của những người thiếu hiểu biết nằm trong tay kẻ có tiền, có năng lực che giấu cái xấu và có năng lực thao túng người khác. Con người ấy mới thật sự xấu xa và nguy hiểm.
Người xấu còn là những người lên mạng xã hội hô hào, nói toàn những chuyện to tát, vĩ đại như quốc gia, dân tộc, đánh bóng tên tuổi như vị anh hùng cứu nhân độ thế. Thế nhưng trong công việc hàng ngày ở cơ quan, đơn vị thì người đó "làm như mèo nửa". Đáng khinh hơn là anh ta đối xử không ra gì với bố mẹ, anh chị em ruột, vợ con. Tôi hoàn toàn không tin một người đối xử tàn tệ với bố mẹ, anh em ruột thịt, vợ con, lại có tình yêu đất nước bao la. Nếu có, thì đó là thứ tình yêu giả.
Pháp luật không có điều khoản nào để trừng phạt một số người nếu họ xấu nhưng không phạm vào điều luật hình sự nào. Nhưng ở phương diện nào đó, hình thức, phương thức nào đó họ sẽ bị trừng phạt.
Trên mạng có câu chuyện thế này.
Một cô bé gửi thư cho ông Syracuse Custer (người phụ trách chuyên mục dành cho nhi đồng của tờ báo Chicagotribune) với câu hỏi khó: "Tại sao luôn có những đứa trẻ tốt bị Thượng đế lãng quên?". Rồi nhiều năm sau ông cũng nhận được nhiều thư của trẻ em với câu hỏi (đại ý): "Tại sao Thượng đế không khen thưởng người tốt, và trừng phạt người xấu ?". Ông Syracuse Custer cố gắng làm nhà hiền triết cho trẻ em nhưng không tìm ra câu trả lời thỏa đáng.
Đến một ngày chứng kiến câu nói của một vị mục sư "chữa cháy" cho cô dâu chú rể vì trao nhẫn nhầm vào tay phải của nhau, ông đã tìm ra câu trả lời: "Tay phải hai con đã được Thượng đế sáng tạo hoàn mỹ rồi, ta nghĩ hai con tốt nhất là nên đeo chiếc nhẫn kia vào bàn tay trái". Đã hoàn mỹ rồi, không cần thiết phải thêm trang sức vào sự hoàn mỹ đó nữa. Thượng đế để người lương thiện được gọi là người tốt, thì đối với người lương thiện đây chính là khen thưởng cao nhất rồi.

Trong số nhiều người bình luận câu chuyện này có một người đưa ra cách lập luận rất minh triết cho vế sau câu hỏi của loài người: Người xấu/kẻ ác sẽ bị trừng phạt không lúc này thì lúc khác, không ở thời không này thì ở thời không khác; không bị trừng phạt bằng cách này thì bằng cách khác; hiện tại chưa thấy bị trừng phạt cụ thể nào nhưng họ trở thành người xấu/kẻ ác trong mắt mọi người thì đó là một cách trừng phạt của Thượng đế đối với họ.
Xin trích nguyên văn đoạn cuối câu chuyện mà người kể đã đưa lên mạng: "Người thiện dù phúc chưa đến, nhưng họa đã bắt đầu rời xa. Người ác, họa dù chưa đến, nhưng phúc đã dần không còn. Tất cả chỉ là vấn đề "thời gian", thời gian mà thiện báo đến với người tốt và ác báo đến với người ác. Đó cũng chính là cái mà người ta gọi là "may mắn" với mọi người, và "vận rủi" với nhiều người khác". Thế giới luôn công bằng, vũ trụ luôn công bằng, không có điều gì là "bất công" trong trật tự tự nhiên này cả, chỉ là do con người có hiểu được cái nguyên lý này hay không mà thôi !"
Những câu chuyện được dẫn ở trên là tôi muốn khẳng định một điều: Cuộc sống luôn công bằng theo cách riêng. Có thể những kẻ xấu không lập tức bị pháp luật trừng trị, nhưng họ đang phải sống trong sự khinh bỉ, cô lập từ những người xung quanh, nhất là sự khinh bỉ, xa lánh của người thân. Sự trừng phạt đôi khi rất rõ ràng, nhưng có lúc lại vô hình, lặng lẽ đến mức chính kẻ xấu cũng không nhận ra.
Một ngày chúng ta có 24 giờ với nhiều mối quan hệ, nhiều va chạm, xung đột đời thường không như ý, nếu không nghiêm khắc với chính mình sẽ tự đưa đẩy mình thành người xấu. Chúng ta – cứ cho là được mọi người coi là người thiện lương- hãy giữ cho sự thiện lương ấy trong vắt như trước đây, không cần ai tưởng thưởng. Như thế mới thực sự là thiện lương đúng nghĩa, và như thế đã là phần thưởng rồi!
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google