Sau đại dịch, việc làm cho thanh niên trở thành vấn đề nóng
Sáng 5/5/2023, Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam phối hợp với Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội, Bộ Lao động thương binh và xã hội, Trung ương Đoàn tổ chức Diễn đàn Chính sách về việc làm cho thanh niên năm 2023.
Vấn đề chính sách việc làm đặc biệt nóng sau giai đoạn dịch bệnh
Diễn đàn được tổ chức tạo ra cơ hội để các đại biểu chia sẻ, trao đổi về chính sách nghề nghiệp, việc làm cho thanh niên hiện nay.
Diễn đàn nhằm đánh giá thực trạng, cơ hội, thách thức và giải pháp đặt ra đối với công tác đào tạo nghề cho thanh niên trong giai đoạn hiện nay; cung cấp cơ sở thực tiễn cho ủy ban và các cơ quan của Quốc hội kiến nghị Quốc hội, Chính phủ những chính sách đào tạo nghề cho thanh niên phù hợp với tình hình mới.
Tại diễn đàn, các đại biểu tại Hà Nội và 67 điểm cầu tại trụ sở các Tỉnh, Thành Đoàn, Đoàn trực thuộc đã cùng trao đổi và kiến nghị về chính sách nghề nghiệp, việc làm cho thanh niên. Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều thanh niên đã bị giảm việc, mất việc, ngừng việc ở một số ngành nghề chịu sự tác động của đại dịch COVID-19.
Trong đó, các đại biểu đã đưa ra các giải pháp, đề xuất, nghiên cứu về chính sách tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên nông thôn, đặc biệt là thanh niên có hoàn cảnh khó khăn để sản xuất, kinh doanh, lập nghiệp, khởi nghiệp; những chính sách thu hút thanh niên tham gia vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn…
Theo thông tin từ ban tổ chức, đã có 38 tham luận của các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, các tỉnh, thành đoàn, các trung tâm giới thiệu việc làm, trung tâm dạy nghề của ngành lao động - thương binh và xã hội, đoàn thanh niên quản lý, các chuyên gia, nhà quản lý, cùng gần 1.000 câu hỏi của đoàn viên thanh niên cả nước tham gia gửi về diễn đàn.
Hàng ngàn doanh nghiệp rút khỏi thị trường, thách thức việc làm không nhỏ
Có thể nói, lao động thanh niên là một trong những lực lượng lao động chính hiện nay của đất nước. Tuy nhiên, vấn đề việc làm cho thanh niên nói riêng và thị trường lao động trong nước còn là một thách thức lớn.
Theo báo cáo tháng 4/2023 của Tổng cục Thống kê, chỉ tính riêng trong tháng 4/2023 đã có 5.837 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 69,1% và tăng 55,2%; có 1.509 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 6,9% và tăng 23%.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 77 nghìn doanh nghiệp, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 19,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Điều này đồng nghĩa với rất nhiều lao động rơi vào tình trạng mất việc làm.
Tại diễn đàn, nhiều đại biểu, chuyên gia cho biết, việc tạo quỹ việc làm cho thanh niên sau thời kỳ đại dịch đang phải đối mặt với những thách thức, khó khăn như: Hệ thống chính sách việc làm còn thiếu các quy định riêng cho thanh niên, nhất là các nhóm đặc thù, yếu thế trong khi nguồn lực cho các chương trình, dự án hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên còn hạn chế.
Trong khi đó, tình trạng thất nghiệp của thanh niên, nhất là nhóm tuổi 15-24 đang có xu hướng tăng lên, bởi vốn ít ỏi về kinh nghiệm, số có khả năng và tay nghề không cao, con số này được nhận định khó cạnh tranh được với các lứa tuổi lớn hơn.
Một khó khăn chung là khả năng kết nối cung - cầu lao động thanh niên chưa thực sự hiệu quả. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá, thị trường lao động quý I/2023 cũng đã tạo được đà phục hồi.
Lực lượng lao động, số người có việc làm quý I/2023 tiếp tục tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động giảm so với quý trước và giảm so với cùng kỳ năm trước. Đây là những tín hiệu khả quan, tạo đà tiếp tục phục hồi cho thị trường lao động và việc làm, đặc biệt là việc làm cho đối tượng thanh niên trong các quý tiếp theo.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google