Sao chổi sắp bay qua Trái đất sau 50.000 năm

HN
06:24 - 09/01/2023
Công dân & Khuyến học trên

Một sao chổi có thể sẽ bay qua Trái đất và Mặt trời trong vài tuần tới và chúng ta có thể ngắm sao chổi này qua ống nhòm hoặc bằng mắt thường.

Theo The Space, sao chổi có tên gọi là C/2022 E3 (ZTF) được phát hiện bởi camera khảo sát trường rộng ở cơ sở Zwicky Transient Facility đầu tháng 3/2022 khi nó bay bên trong quỹ đạo sao Mộc.

Dự báo sao chổi này sẽ bay gần Mặt trời nhất vào ngày 12/1/2023 và bay qua Trái đất vào cuối tháng 1, đầu tháng 2/2023. Dùng ống nhòm có thể giúp nhìn thấy sao chổi ZTF một cách dễ dàng, hoặc cũng có thể quan sát bằng mắt thường nếu bầu trời không quá sáng.

Theo NASA, người quan sát ở Bắc Bán cầu có thể thấy sao chổi trên bầu trời buổi sáng, vào khoảng cuối tháng 1/2023. Đối với người quan sát ở Nam Bán cầu, C/2022 E3 (ZTF) có thể nhìn được vào đầu tháng 2/2023.

Sao chổi sắp bay qua Trái đất sau 50.000 năm - Ảnh 1.

Sao chổi C/2022 E3 (ZTF). Ảnh: NASA

Theo các nhà thiên văn học, sao chổi ZTF có đường kính ước tính khoảng 1km, cấu thành từ bụi và băng, giải phóng ra những tia sáng màu xanh lục nhạt.

Đường kính của sao chổi này nhỏ hơn nhiều so với sao chổi Neowise, bay qua Trái đất tháng 3/2020, hay sao chổi Hale-Bopp bay qua Trái đất từ năm 1997 có đường kính lên tới 60km.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đường kính nhỏ góp phần giúp ZTF đến gần Trái đất hơn. Ánh sáng của sao chổi được nhìn thấy rõ khi nó tiếp cận Trái đất ở cự ly gần nhất.

Theo NASA, sao chổi C/2022 E3 (ZTF) có chu kỳ khoảng 50.000 năm. Lần gần nhất ZTF bay qua Trái đất là từ kỷ hậu đồ đá cũ (cách đây 40.000 - 14.000 năm). Những người có khả năng từng trông thấy C/2022 E3 (ZTF) là người tinh khôn (Homo sapiens) thuở sơ khai, sống ở kỷ Băng Hà cuối cùng và người Neanderthal tuyệt chủng cách đây 10.000 năm.

ZTF có thể ghé thăm Trái đất sau khoảng 50.000 năm nữa, hoặc sẽ không bao giờ xuất hiện ở hệ Mặt trời.

Bình luận của bạn

Bình luận