Sa thải chuyên gia nghệ thuật định giá chiếc bình Trung Quốc thấp hơn 4.000 lần so với giá bán

11:29 - 10/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Chuyên gia nghệ thuật ở Pháp đã bị sa thải sau khi định giá một chiếc bình có nguồn gốc từ Trung Quốc thấp hơn 4.000 lần so với giá bán.

Định giá chiếc bình có nguồn gốc từ Trung Quốc thấp hơn 4.000 lần so với giá bán, chuyên gia nghệ thuật bị sa thải - Ảnh 1.

Chiếc bình phong cách tianqiuping có nguồn gốc từ Trung Quốc thu hút hàng trăm người mua quan tâm đến một cuộc triển lãm trước khi đấu giá. Nguồn: Maison Osenat.

Một chiếc bình tianqiuping có nghĩa là "quả cầu trên trời" của Trung Quốc vừa gây chấn động giới đấu giá khi bán cao hơn gấp gần 4.000 lần mức giá ước tính.

Chiếc bình sứ có màu xanh và trắng, kích thước 40x54cm được phủ men và trang trí hình rồng và mây được kỳ vọng sẽ bán được ở mức là 2.000 Euro, nhưng cuối cùng, khi chiếc búa hạ xuống, chiếc bình được bán với giá lên tới 7,6 triệu Euro.

Tính cả các khoản thuế phí, người thắng đấu giá phải trả tổng cộng 9,12 triệu Euro (khoảng 9 triệu USD).

Chủ nhân của chiếc bình là một phụ nữ sống ở một vùng lãnh thổ của Pháp ở nước ngoài. Cô chưa từng nhìn thấy chiếc bình nhưng đã sắp xếp vận chuyển chiếc bình từ ngôi nhà của người mẹ quá cố ở Brittany tới Paris tham gia phiên đấu giá. Chiếc bình ban đầu thuộc sở hữu của bà ngoại cô, vốn là một nhà sưu tập lớn Paris.

Định giá chiếc bình có nguồn gốc từ Trung Quốc thấp hơn 4.000 lần so với giá bán, chuyên gia nghệ thuật bị sa thải - Ảnh 2.

Jean-Pierre Osenat tiến hành cuộc đấu giá chiếc bình phong cách tianqiuping ở Fontainebleau gần Paris. Nguồn: Maison Osenat

Cuộc đấu giá diễn ra hôm 1/10 tại nhà đấu giá Osnat, với sự tham gia trả giá của 30 người, phần lớn đến từ Trung Quốc. Và chiếc bình đã về với chủ mới là một người Trung Quốc trả giá qua điện thoại.

Theo ông Cedric Labord, Giám đốc của Osenat: “Ngay từ khi sản phẩm được trưng bày trước ngày đấu giá, chúng tôi đã thấy có sự quan tâm rất lớn, ngày càng có nhiều người Trung Quốc đến xem cùng với đèn và kính lúp”.

Ông cho rằng, "người Trung Quốc đam mê lịch sử của họ và tự hào khi sở hữu lịch sử của họ".

Nhiều người nói, ngoài chiếc bình có hình rồng và mây, họa tiết được các nhà sưu tập Đông Á săn lùng, một số người có thể đã phát hiện con tem của Vua Càn Long vào thế kỷ XVIII.

Tuy nhiên, chuyên gia thẩm định của nhà đấu giá Osenat cho rằng, đó chỉ là một chiếc bình ở thế kỷ XX "khá bình thường" và không phải là đồ cổ có từ thế kỷ XVIII như nhiều người vẫn tin.

Sau khi định giá sản phẩm thấp hơn 4.000 lần, chuyên gia nghệ thuật này đã bị sa thải. Dù vậy, chuyên gia này vẫn giữ nguyên định giá ban đầu.

Nguồn: baoquocte.vn