Rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm tính thống nhất của dự án Luật Đường bộ trong hệ thống pháp luật

Minh Châu
16:27 - 13/07/2023
Công dân & Khuyến học trên

Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý, dự án Luật Đường bộ là một luật khó, đòi hỏi công tác chuẩn bị rất công phu, kỹ lưỡng. Do đó đề nghị các cơ quan tích cực phối hợp rà soát, nghiên cứu, quy định rõ nhiều nội dung để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Theo Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, sáng 13/7, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 24, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đường bộ.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội về dự án Luật Đường bộ.

Dự án Luật Đường bộ: Cần rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật - Ảnh 1.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đường bộ. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Rà soát để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các luật có liên quan

Phát biểu tại phiên họp, gợi ý nội dung thảo luận và những vấn đề cần tiếp tục làm rõ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị trong thời gian dài và công phu. Dự án Luật Đường bộ đã được Quốc hội cho phép đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và dự kiến cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6. Chủ tịch Quốc hội lưu ý hồ sơ dự án Luật Đường bộ phải bảo đảm Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật với đầy đủ các tài liệu như báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp, báo cáo đánh giá tác động.

Chủ tịch Quốc hội cho biết dự án Luật Đường bộ liên quan đến nhiều vấn đề như khoa học, công nghệ, ứng phó biến đổi khí hậu, thủy lợi, dữ liệu điện tử; do đó việc thẩm tra không thể khoán trắng cho Ủy ban Quốc phòng và An ninh mà cần có sự tham gia của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính, Ngân sách và Ủy ban Pháp luật theo phạm vi phụ trách để tham gia thẩm tra, tương tự như cách làm của dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Về phạm vi điều chỉnh, Chủ tịch Quốc hội đề nghị định nghĩa làm rõ "hoạt động đường bộ" để xác định phạm vi điều chỉnh, xác định luật này chỉ quy định về kết cấu hạ tầng đường bộ, phương tiện giao thông đường bộ, vận tải đường bộ và quản lý nhà nước về đường bộ.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, không thể dùng luật này để sửa các luật khác như Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quy hoạch, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Thủy lợi, Luật Quảng cáo, Luật Tổ chức chính quyền địa phương… Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải rà soát lại để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các luật liên quan và thống nhất với luật được tách ra là dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ trong thực tiễn phát sinh một số vấn đề vướng mắc cần có sự điều chỉnh của pháp luật như khái niệm đường song hành, đường gom; vấn đề đầu tư đô thị theo định hướng mô hình TOD, vấn đề tường chống ồn, hàng rào chống ồn là một hạng mục đặc biệt quan trọng trong hệ thống đường giao thông, đường cao tốc, đường qua đô thị...

Nghiên cứu làm rõ các nội dung về phát triển kết cấu hạ tầng và quản lý nhà nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0

Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu thêm đến kết cấu hạ tầng, phương tiện giao thông, vận tải đường bộ, quản lý nhà nước trong điều kiện cách mạng 4.0; vấn đề về thu phí không dừng, cơ sở dữ liệu; vấn đề quản lý, khai thác các công trình kết cấu hạ tầng, tính kinh tế của các kết cấu hạ tầng giao thông, chuyển nhượng quyền thu phí hạ tầng giao thông.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của kết cấu đường cao tốc, Chủ tịch Quốc hội đề nghị thảo luận để có các quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn thiết kế, tiêu chuẩn kỹ thuật, quản lý, vận hành, khai thác, quy định về giám sát và kiểm tra, trách nhiệm pháp lý, chính sách hỗ trợ để phát triển đường cao tốc, chính sách nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ trong phát triển đường cao tốc và quản lý đường cao tốc, chính sách khuyến khích tổ chức kinh tế tư nhân trong và ngoài nước tham gia xây dựng đường cao tốc.

Ngoài ra cũng cần quan tâm đến vấn đề kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, phương tiện giao thông vận tải đường bộ trong điều kiện phải thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với các luật liên quan như Luật Tài nguyên rừng, Luật Thủy lợi, Luật Phòng, chống thiên tai… Cần phải có quy định về khí thải và lộ trình chuyển đổi phương tiện kinh doanh vận tải phù hợp với mục tiêu giảm phát thải nhà kính. Cần phải có quy định đầy đủ, bổ sung rõ hơn về vận chuyển hàng hóa siêu trường, siêu trọng hiện đang có nhiều ách tắc, nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể về xe quá khổ lưu thông trên đường bộ trong một số trường hợp, Chủ tịch Quốc hội gợi ý.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đường bộ 2.jpg

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Đồng thời đề nghị rà soát quy định về hợp tác quốc tế trong vận tải đường bộ trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia Hiệp định khu vực có liên quan vận tải đường bộ như Hiệp định tạo thuận lợi vận tải, người và hàng hóa qua lại biên giới các nước khu vực; tham gia Mạng lưới đường bộ ASEAN, Mạng lưới đường bộ Châu Á, Hiệp định quy định tiêu chuẩn đường bộ, Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, vận tải đa phương thức…

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh dự án Luật Đường bộ là dự án luật quan trọng và khó, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục thảo luận kỹ lưỡng. Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa nội dung này để xem xét cho ý kiến ngay từ phiên họp thường kỳ tháng 7 sẽ tạo điều kiện, có thêm thời gian để tiếp tục thảo luận kỹ lưỡng và nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật Đường bộ.

Xác định rõ phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Đường bộ

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí cho rằng dự án Luật Đường bộ đã được xây dựng đúng quy định tại Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đủ điều kiện để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan hoàn thiện hồ sơ tài liệu dự án Luật Đường bộ theo đúng quy định pháp luật; đồng thời đề nghị các cơ quan nghiên cứu cho ý kiến cụ thể về hồ sơ dự án Luật Đường bộ và nội dung cụ thể của luật.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần tiếp tục rà soát phạm vi điều chỉnh, về giải thích từ ngữ, về tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, nhất là những vấn đề dự kiến luật hóa cần bảo đảm nguyên tắc luật hóa những quy định của các thông tư, nghị định đã rõ, được thực hiện thống nhất, chưa nên luật hóa những vấn đề đang thí điểm chưa đủ điều kiện thời gian, chưa có đánh giá tác động và tổng kết thực hiện, không dùng luật này để sửa đổi các quy định đang ổn định ở luật khác.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị quy định rõ nhiều nội dung trong dự án Luật Đường bộ như phân loại đường, các nhóm chính sách của luật trong điều kiện cách mạng 4.0, thích ứng với biến đổi khí hậu, về quản lý, khai thác các kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, tính kinh tế, tính xã hội, bảo đảm truyền thống, phong tục tập quán trong giao thông trong đường bộ và giao thông đường bộ nhất là đường nông thôn, đường thôn, xóm, xã, phường.

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần có chương riêng quy định về đường cao tốc để quy định đầy đủ. Đề nghị quy định rõ để không chồng chéo giữa Luật Đường bộ với Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và các luật khác về phương tiện giao thông đường bộ; rà soát kỹ lưỡng các nội dung quy định về vận tải đường bộ, quản lý nhà nước để bảo phù hợp, thống nhất.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng dự án Luật Đường bộ là một luật khó, đòi hỏi công tác chuẩn bị rất công phu, kỹ lưỡng, chu đáo và càng tỉ mỉ càng tốt. Do đó, yêu cầu sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ ngành và các cơ quan của Quốc hội một cách quyết liệt hơn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp, Ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu, đồng thời phối hợp với các cơ quan của Quốc hội và phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ để hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật Đường bộ, gửi Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội để tổ chức thẩm tra chính thức theo quy định trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.

Giao Ủy ban Quốc phòng và An ninh tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có văn bản phân công cụ thể các cơ quan tham gia thẩm tra để các cơ quan của Quốc hội theo lĩnh vực phụ trách cùng tham gia thẩm tra. Ủy ban Quốc phòng và An ninh là cơ quan chủ trì thẩm tra.

Sáng 12/7, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 24. Trong 2,5 ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng, bảo đảm chắc chắn, thận trọng, kỹ lưỡng.

Cụ thể, tại phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Đồng thời, sẽ xem xét về biểu quyết thông qua Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về kết quả giám sát bước đầu về chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông". Ngoài ra, cho ý kiến bước đầu về chương trình, nội dung, chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XV.

Bình luận của bạn

Bình luận