Quy định đấu giá tài sản đặc thù sẽ hạn chế tình trạng "quân xanh, quân đỏ"

Trang Linh
15:50 - 01/08/2023
Công dân & Khuyến học trên

Theo Nghị quyết số 115/NQ-CP, Chính phủ giao Bộ Tư pháp nghiên cứu quy định đấu giá một số tài sản đặc thù trong đó có quyền khai thác đường cao tốc, quyền mua bán nợ.

Tại Nghị quyết số 115NQ-CP về phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7, Chính phủ cơ bản thống nhất các nội dung tại dự án Luật Đấu giá tài sản sửa đổi, trong đó có quy định về đấu giá tài sản đặc thù.

Theo đó, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ ngành liên quan rà soát, tiếp tục nghiên cứu quy định về đấu giá một số tài sản đặc thù như quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, biển số xe.

Nghiên cứu việc đấu giá quyền khai thác đường cao tốc, cổ phần của Nhà nước, mua bán nợ... Xây dựng quy định chung về đấu giá các tài sản đặc thù bảo đảm sự ổn định, hiệu lực lâu dài của Luật, có cơ sở để xử lý khi phát sinh các loại tài sản đặc thù khác trong thực tiễn.

Đồng thời, nghiên cứu, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội, quản lý sử dụng tài nguyên, đất đai, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự án Luật. 

Chính phủ yêu cầu bảo đảm nguyên tắc, trình tự, các quy định của Luật Đấu giá tài sản, trong đó có đấu giá tài sản đặc thù như: Giám định tài sản, định giá, xác định giá khởi điểm, điều kiện của người tham gia, phê duyệt kết quả, ký hợp đồng mua bán, nộp tiền trúng đấu giá và bàn giao tài sản đấu giá.

Quy định đấu giá tài sản đặc thù sẽ hạn chế tình trạng "quân xanh, quân đỏ" - Ảnh 1.

Dự thảo Luật sẽ khắc phục tình trạng "quân xanh, quân đỏ" trong đấu giá tài sản đặc thù.

Dự thảo Luật phải đảm bảo tính khả thi, minh bạch, khắc phục tình trạng "quân xanh, quân đỏ" trong đấu giá tài sản đặc thù

Quy định của dự thảo Luật phải thể hiện rõ nguyên tắc, chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước về đấu giá tài sản. Các cơ quan Trung ương tập trung xây dựng cơ chế, chính sách, thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra nhằm bảo đảm thi hành pháp luật; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động đấu giá.

Trình tự, thủ tục đấu giá phải bảo đảm tính minh bạch, khả thi, bảo đảm quyền lợi của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động đấu giá tài sản, đặc biệt là đấu giá tài sản đặc thù.

Cùng với đó, phải tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, quy trình thực hiện đấu giá, đẩy mạnh áp dụng đấu giá trực tuyến.

Ngoài ra, dự án Luật Đấu giá tài sản sửa đổi cần hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện của đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá, tài sản đấu giá, tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước, trách nhiệm pháp lý của tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đấu giá, cuộc đấu giá.

Đặc biệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, hành vi vi phạm quyền của chủ sở hữu tài sản, người tham gia đấu giá, các biểu hiện “quân xanh, quân đỏ” và các hành vi vi phạm pháp luật khác trong lĩnh vực đấu giá tài sản.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của thành viên Chính phủ, Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đấu giá tài sản, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Quốc hội dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 6, tháng 10/2023.

Bình luận của bạn

Bình luận