Quốc hội thảo luận Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

PV
12:10 - 07/01/2023
Công dân & Khuyến học trên

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, sáng ngày 07/01, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quốc hội thảo luận Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung Phiên họp sáng 07/1/2023

Trước đó, sáng ngày 06/01/2023, vấn đề về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Quốc hội tiến hành thảo luận tại các Tổ.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, phiên thảo luận có 26 đại biểu phát biểu, 16 đại biểu chưa phát biểu do hết thời gian; đề nghị đại biểu gửi văn bản qua Ban Thư ký để tổng hợp. Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã phát biểu giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm. 

Quốc hội thảo luận Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết qua tổng hợp 217 ý kiến thảo luận tại tổ và 26 ý kiến tại hội trường của các đại biểu Quốc hội cho thấy đa số ý kiến đại biểu thống nhất với Tờ trình, dự thảo Nghi quyết và cơ bản đồng tính nội dung chủ yếu của Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, các ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều rất tâm huyết, trách nhiệm, sâu sắc, có giá trị đã gợi mở nhiều vấn về để các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện Quy hoạch. Đồng thời cho biết sẽ nghiên cứu tiếp thu xác đáng các ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

Về sự cần thiết và tính cấp bách của xây dựng Quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để triển khai các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia và các quy hoạch khác, cũng như để thu hút đầu tư đầu tư cho các các thành phần kinh tế trong và ngoài nước.

Về mức độ chi tiết, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết đã đảm bảo tuân thủ là một bước cụ thể hóa các Nghị quyết của Đại hội thứ XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Quy hoạch này cũng là quy hoạch tuân theo Điều 22 của Luật Quy hoạch xác định là quy hoạch cấp quốc gia mang tính chiến lược theo hướng phân vùng và liên kết vùng của lãnh thổ; tổ chức không gian phát triển của đất nước.

Các nội dung chi tiết về phân chia tiểu vùng trong các vùng, liên kết nội vùng, định hướng phát triển cụ thể của từng ngành, từng tỉnh sẽ được quy hoạch cụ thể hóa ở các quy hoạch cấp thấp hơn để tránh sự trùng lắp và chồng chéo về nội dung của các quy hoạch.

Về sự về các quan điểm phát triển và những trọng tâm, trọng điểm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, quan điểm mới và quan trọng của quy hoạch lần này là phải hướng đến phát triển có trọng tâm, trọng điểm để tạo ra được động lực phát triển mới, đồng thời phải đảm bảo các vấn đề về an sinh xã hội và môi trường. Theo đó, phân chia ra 2 giai đoạn. Giai đoạn trước 2030 phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số địa bàn có điều kiện thuận lợi để hình thành các vùng động lực, các hành lang kinh tế, các cực tăng trưởng, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo quan tâm các vấn đề về an sinh xã hội, môi trường, các đối tượng chính sách, những người nghèo, dân tộc thiểu số miền núi nhất là về y tế, giáo dục và văn hóa. Giai đoạn sau năm 2030 sẽ hướng đến phát triển cân bằng, hài hòa và bền vững giữa các vùng miền và địa phương. 

Trước đó, phát biểu tại phiên họp, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, điều kiện tự nhiên của đất nước ta là yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo, năng lực cạnh tranh, làm cơ sở cho xây dựng quy hoạch chung của đất nước.

Đại biểu nhấn mạnh, việc đánh giá thực trạng phát triển trên các lĩnh vực là rất cần thiết, đặc biệt là về hàng lang kinh tế, trục kinh tế, vùng kinh tế trọng điểm, qua đó có cơ sở đưa ra định hướng triển khai cho thời gian tới.

Bên cạnh đó, hiệu quả của việc phát triển các vùng, ngành, lĩnh vực cụ thể như lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ, tình trạng khai thác khoáng sản, tài nguyên dưới lòng đất, tác động lâu dài của các tài nguyên này ảnh hưởng ra sao khi đã khai thác triệt để, có ảnh hưởng đến môi trường thế nào, có tích lũy được tài nguyên cho các thế hệ sau hay không.

Về phát triển vùng, liên kết vùng, đại biểu cho rằng, cần đánh giá đầy đủ những bất cập chưa giải quyết được, để có định hướng toàn diện khắc phục. Theo đại biểu, liên kết vùng là vấn đề quan trọng, tuy nhiên đến nay liên kết còn lỏng lẻo, chưa chặt chẽ, cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn, triệt để hơn, căn cơ hơn để phát huy hiệu quả.

Về kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp, đại biểu đề nghị cần có đánh giá chuẩn xác hơn đến năm 2050 để đảm bảo diện tích rừng hiện hữu và trồng mới đạt được yêu cầu, bảo vệ an ninh lương thực quốc gia, đảm bảo sử dụng đất có hiệu quả cao, tăng giá trị kinh tế của đất.

Đóng góp ý kiến về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đại biểu Đinh Thị Phương Lan đồng thuận với các giải pháp thực hiện giải pháp kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số... Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế như trên, cần triển khai các giải pháp phát triển vùng với thực hiện các chính sách...

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan đồng tình với quan điểm phát triển bao trùm, nhanh, bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, thực hiện lộ trình, giải pháp nguồn lực có trọng điểm, có tính chiến lược phù hợp, nếu không thì sẽ chậm hoặc rất khó tiếp cận với tiến trình đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số phát triển kinh tế tuần hoàn.

Ngoài ra, đại biểu Đinh Thị Phương Lan cũng đồng tình với quan điểm, đồng thời đề nghị làm rõ nội hàm thể chế kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập trong quá trình hoàn thiện thể chế, chính sách để khi thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động, phân bổ, sử dụng nguồn lực vẫn đảm bảo phát huy tối đa lợi thế các vùng miền hài hòa với văn hóa xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, thực hiện hiệu qủa mục tiêu an sinh xã hội, cung cấp dịch vụ công cho các khu vực khó khăn, đặc biệt là dịch vụ y tế, giáo dục, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển với địa bàn thuận lợi.

Về tầm nhìn đến năm 2050, đại biểu Đinh Thị Phương Lan đề nghị tiếp tục định hướng rõ nét hơn các trục phát triển kinh tế số, kinh tế biển, kinh tế tuần hoàn, kinh tế nông nghiệp định hướng giá trị khi phát triển công nghiệp văn hóa, các ưu tiên phát triển khoa học công nghệ, các chiến lược an sinh, đặc biệt khi doanh số dần chuyển sang già hóa. Đào tạo gắn với yêu cầu phát triển kinh tế; quy hoạch, quản lý phân bố dân cư, định hướng đến năm 2050 khi quy mô dân số tiếp tục tăng.

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan đề nghị phân tích, đánh giá tác động đảm bảo tính khả thi khi xác định Việt Nam là một trung tâm tài chính khu vực và quốc tế...

Đại biểu Hà Sỹ Đồng nhất trí với sự cần thiết thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 tại kỳ họp này. Góp ý về một số nội dung cụ thể. Hồ sơ Quy hoạch đề cập hai kịch bản tăng trưởng, với các mục tiêu tăng trưởng GDP cụ thể. Về vấn đề này, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho biết, nếu nhìn vào mục tiêu đến năm 2045 trở thành có nước có thu nhập cao thì cần chọn phương án tăng trưởng cao.

Tuy nhiên, theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, nếu nhìn lại những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đến kinh tế xã hội thời gian qua, nếu chọn phương án tăng trưởng cao thì tính khả thi không cao. Đại biểu nhấn mạnh, quy hoạch nhất là quy hoạch tổng thể quốc gia cần hạn chế thấp nhất việc phải điều chỉnh, không nên đưa những con số quá cụ thể, bởi mục tiêu cao nhất vẫn là tổ chức không gian phát triển hiệu quả, thống nhất trên quy mô toàn quốc.

Nếu vẫn giữ các mục tiêu cụ thể, kịch bản tăng trưởng cao, cần làm rõ quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ đóng vai trò cụ thể như thế nào để tạo ra những đột phá, những động lực hay những trụ cột chính góp phần vào thực hiện mục tiêu đó. Quy hoạch tổng thể quốc gia không nên quy định quá chi tiết mục tiêu cụ thể, mà chỉ nên khái quát giới hạn tối đa hoặc tối thiểu chỉ tiêu để các ngành và địa phương có căn cứ xây dựng chỉ tiêu tại quy hoạch cấp thấp hơn một cách phù hợp. Cùng với đó, cần xem xét trong quy hoạch những mục tiêu nào Nhà nước có thể đầu tư đảm bảo tính khả thi và đáp ứng các định hướng chiến lược cho đất nước, khi đó có thể đặt ra các chỉ tiêu, giải pháp cụ thể mang tính pháp lý.

Quốc hội thảo luận Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 - Ảnh 13.

Bên cạnh đó, đại biểu quan tâm đến liên kết vùng và rộng hơn là liên kết khu vực, trong đó có tuyến hành lang kinh tế Đông Tây, nối khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung với các nước Lào, Thái Lan, Myanmar là tuyến đường ngắn nhất nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương và trong tương lai sẽ kết nối chặt chẽ hơn nữa với khu vực Vân Nam (Trung Quốc). Đại biểu cho rằng, cần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quy hoạch phát triển theo hành lang kinh tế này, coi đó là một mắt xích chính yếu trong việc đón đầu xu hướng tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu sau đại dịch COIVD-19…

Do vậy, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh nhấn mạnh, Quy hoạch trình Quốc hội đã thể hiện đầy đủ nội dung theo yêu cầu của Luật Quy hoạch một cách có hệ thống trên cơ sở đánh giá thực trạng quốc gia, tuân thủ các định hướng, chiến lược phát triển có liên quan.

Góp ý hoàn thiện thêm về nội dung, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị quy hoạch cần chỉ rõ, nhấn mạnh, cụ thể hóa hơn nữa các mục tiêu về phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, khoa học công nghệ vừa là để ghi nhận những kết quả đã đạt được, vừa thể hiện quyết tâm phấn đấu rõ ràng hơn, tận dụng tốt xu hướng nguồn lực trong những lĩnh vực tiềm năng này.

Về mục tiêu cụ thể, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị nên xem xét, điều chỉnh một số mục tiêu.

Thứ nhất, mục tiêu “phấn đấu từ 3 đến 5 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế” nên điều chỉnh thành: “phấn đấu có 5-10 đô thị xanh thông minh đạt tiêu chuẩn quốc tế”. Hiện nay chúng ta đã, đang xây dựng và triển khai đề án đô thị thông minh. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, các tiêu chuẩn về thành phố xanh thông minh sẽ cần cập nhật, điều chỉnh, bổ sung phù hợp hơn với tiêu chuẩn quốc tế, tập trung vào chất lượng, tiêu chuẩn sống hơn là quy mô thương hiệu.

Thứ hai, xem xét bổ sung chỉ tiêu về doanh nghiệp trong phát triển kinh tế số: Đó là số lượng doanh nghiệp chuyển đổi số thành công, đổi mới công nghệ tăng trung bình 15-20% trong giai đoạn 2021-2030 và tăng 5-10%/năm đến năm 2050 nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp vốn đang tiến triển chậm, chưa đạt kỳ vọng. Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề xuất Việt Nam có thể đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2050, đó là năng lực tự chủ, tự cường và sức chống chịu của nền kinh tế Việt Nam đạt trình độ tương đương các nước phát triển trong khu vực ASEAN hoặc Châu Á. Chính phủ và các cơ quan điều hành, các tổ chức nghiên cứu trong nước và quốc tế sớm nghiên cứu hoàn thiện Bộ chỉ tiêu đánh giá tính tự chủ, tự cường và sức chống chịu của nền kinh tế theo tiêu chuẩn quốc tế.

Thứ ba, về phát triển vùng và liên kết vùng, đại biểu đề nghị nên chú trọng đảm bảo tính phù hợp, nhất quán giữa quy hoạch quốc gia và quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương, cực tăng trưởng. Về quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu, định hướng phát triển, bổ sung thêm một số chỉ tiêu về phát triển xã hội, môi trường của từng vùng.

Ngoài ra, bổ sung mục tiêu liên kết phát triển vùng toàn diện, hiệu quả là một trong những mục tiêu quan trọng trong thời kỳ quy hoạch 2021-2030.

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cho biết các giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch tại Báo cáo tổng hợp Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mang tính định hướng về một số giải pháp là chủ yếu.

Vấn đề đất đai, tài nguyên, nhất là tài nguyên không tái tạo, khoa học công nghệ và nguồn lực cần được nghiên cứu rõ, cụ thể để bảo đảm sự phát triển lâu dài của đất nước. Do đó, đề nghị Chính phủ cần có chính sách cụ thể để cụ thể hóa các vấn đề này khi được Quốc hội thông qua.

Mặt khác, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị Chính phủ cân nhắc, xem xét bổ sung đánh giá thực trạng phân bố không gian sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, dịch vụ của quốc gia để bảo đảm tính hợp lý, phù hợp với tiềm năng, lợi thế so sánh của từng vùng, từng địa phương để trong thời kỳ quy hoạch có phương án điều chỉnh hợp lý. Đặc biệt là phân bố các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu, các vùng sản xuất tập trung cần bổ sung đánh giá việc thành lập các vùng kinh tế trọng điểm, các hành lang kinh tế hợp lý, phát huy được sức mạnh của các vùng, các hành lang kinh tế trong quy hoạch...

Cùng với phân bố không gian sản xuất, quy hoạch, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cho rằng cần đánh giá sự phù hợp trong việc phát triển, phân bố đô thị, dân cư; đánh giá tình hình chuyển dịch cơ cấu dân cư, lao động giữa các vùng, những vấn đề xã hội phức tạp phải quan tâm giải quyết. Đồng thời bổ sung đánh giá thực trạng phát triển kết cấu hạ tầng, sự hợp lý của phân bố cơ sở hạ tầng giữa các vùng, địa phương trong các quy hoạch trước đây. Phân tích, làm rõ thực trạng phát triển cơ sở hạ tầng trong giai đoạn vừa qua phù hợp với tình hình phát triển của vùng kinh tế, phân bố dân cư.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết nêu rõ Việt Nam sẽ phát triển các hành lang kinh tế Bắc Nam gắn với cao tốc Bắc Nam và Quốc lộ 1a, hành lang kinh tế Đông Tây và hình thành các vùng động lực ưu tiên của quốc gia. Theo đó, tỷ lệ đô thị hóa dự kiến đạt 50% vào năm 2030 và từ 70 đến 75 % năm 2050. Như vậy, quy mô của hệ thống đô thị tất yếu sẽ tăng, hệ thống đô thị sẽ hình thành mạng lưới liên kết hệ thống chặt chẽ, do đó hạ tầng phải phát triển trước một bước làm cơ sở cho phát triển đô thị.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm có định hướng về xu thế phát triển và dịch chuyển không gian lớn cấp quốc gia của hệ thống đô thị. Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất theo khu vực, chức năng, căn cứ pháp lý quy hoạch của các ngành, lĩnh vực liên quan về đất đai để từ đó đưa ra chỉ tiêu sử dụng đất theo khu vực, chức năng; bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất khu du lịch.

Nguồn: quochoi.vn