Đại biểu Quốc hội: Cần bổ sung trường hợp không được hành nghề khám, chữa bệnh

N.Cường
16:09 - 06/01/2023
Công dân & Khuyến học trên

Phát biểu tại Phiên họp chiều ngày 6/1 Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khoá XV góp ý kiến tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Đại biểu Quốc hội Nguyễn Danh Tú đề nghị bổ sung trường hợp không được hành nghề khám bệnh, chữa bệnh...

Đại biểu Quốc hội: Cần bổ sung trường hợp không được hành nghề khám bệnh, chữa bệnh - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Danh Tú - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Bổ sung trường hợp không được hành nghề khám, chữa bệnh

Phát biểu tại Phiên họp chiều ngày 6/1 Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khoá XV góp ý kiến tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Đại biểu Nguyễn Danh Tú - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang cho biết: Điều 20 trong dự thảo Luật quy định 7 trường hợp không được hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, trong đó có các trường hợp như: Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến chuyên môn kỹ thuật; Đang trong thời gian thi hành án treo về hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến chuyên môn kỹ thuật; Đang trong thời gian thử thách đối với người bị kết án có liên quan đến chuyên môn kỹ thuật được tha tù trước thời hạn có điều kiện…

Đại biểu đề nghị bổ sung trường hợp không được hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là: Đang trong thời gian thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ vì hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến chuyên môn, kỹ thuật.

Về hồ sơ bệnh án, đại biểu cho biết, khoản 3 Điều 69 quy định, việc khai thác hồ sơ bệnh án đang trong quá trình điều trị được thực hiện như sau: Học sinh, sinh viên, nghiên cứu viên của các cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo, người hành nghề, người trực tiếp tham gia điều trị, chăm sóc người bệnh trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được đọc nhưng chỉ được sao chép khi có sự đồng ý của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Người hành nghề của cơ sở khác được đọc, sao chép khi có sự đồng ý của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Đại biểu cho rằng quy định này còn cứng nhắc, khiến người bệnh khó tiếp cận hồ sơ bệnh án của chính mình, đồng thời đề nghị cân nhắc bổ sung quy định người bệnh, người đại diện của người bệnh được quyền khai thác hồ sơ bệnh án của chính người bệnh trong quá trình điều trị.

Đại biểu Quốc hội: Cần bổ sung trường hợp không được hành nghề khám bệnh, chữa bệnh - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành Phiên họp chiều ngày 6/1/2023 Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khoá XV. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Nhiều vấn đề cần nghiên cứu, xem xét

Đại biểu Lê Hoàng Anh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai cho biết, 8 nhóm vấn đề lớn cần tiếp tục thảo luận tại kỳ họp này thì có những nội dung được quy định ở 1 điều, nhưng cũng có vấn đề quy định trong 1 mục, thậm chí là trong 1 chương. Do đó, có những khó khăn trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý. Còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu xem xét. Với số lượng lớn nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét, đại biểu Lê Hoàng Anh bày tỏ băn khoăn việc thông qua dự thảo Luật tại kỳ họp lần này.

Cụ thể, nhiều chính sách đã được sửa đổi, bổ sung mới nhưng chưa có hồ sơ đánh giá tác động. Dự thảo cũng chưa rõ tính thống nhất khả thi của văn bản hướng dẫn chi tiết luật số, điều khoản của dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết đã tăng lên. Đến nay, dự thảo luận sơ bộ có 40 điều giao Chính phủ quy định chi tiết chiếm hơn 33% điều luật, chưa kể nhiều điều luật giao cho Bộ trưởng Bộ Y tế.

Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) liên quan đến nhiều luật nhưng chưa rõ tính tương thích, tính đồng bộ với các luật khác. Trong đó, liên quan đến 2 luật đang được hoàn thiện để Quốc hội thảo luận thông qua tại Kỳ họp thứ 5 là Luật Giá (sửa đổi) và Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Đại biểu Quốc hội: Cần bổ sung trường hợp không được hành nghề khám bệnh, chữa bệnh - Ảnh 4.

Đại biểu Lê Hoàng Anh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Đại biểu chỉ rõ, Luật Khám bệnh, chữa bệnh có điều khoản quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chưa tương thích với dự thảo Luật Giá (sửa đổi), vai trò của Bộ trưởng Bộ Tài chính chưa rõ trong quy định này.

Một số chính sách đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đối với nhân viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đối với người bệnh là chưa phù hợp và chưa tháo gỡ được khó khăn trong thực tế. Đại biểu dẫn chứng dự thảo Luật chưa có quy định về xã hội hóa đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập với hình thức liên doanh, liên kết, quy định tự chủ của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, nhất là tự chủ về tài chính là chưa rõ ràng…

Đại biểu Lê Hoàng Anh cho rằng, đối với người bệnh trong quan hệ khám bệnh, chữa bệnh thì thường ở vị trí yếu thế hơn nhưng dự thảo Luật còn có điều khoản chưa quan tâm bảo vệ người bệnh.

Ví dụ như khoản 2 Điều 9 dự thảo Luật người bệnh được khám bệnh, chữa bệnh bằng phương pháp an toàn phù hợp với bệnh tình trạng sức khỏe của mình và điều kiện thực tế để cơ sở khám bệnh phù hợp với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Đại biểu cho rằng, đây là quy định còn định tính và chưa rõ ràng.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, chiều 6/1, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung Phiên họp.

Trước đó, sáng 6/1, Quốc hội thảo luận ở tổ 3 nội dung:

(1) Về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

(2) Đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19;

(3) Đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.