Quảng Ninh: Tuyên dương gia đình, dòng họ, đơn vị, khu dân cư hiếu học xuất sắc giai đoạn 2017-2022

Tuệ Nhi
20:39 - 09/03/2023
Công dân & Khuyến học trên

Ngày 9/3, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị Tuyên dương gia đình, dòng họ, đơn vị, khu dân cư hiếu học xuất sắc của tỉnh Quảng Ninh trong 5 năm, giai đoạn 2017-2022.

Quảng Ninh: Tạo cơ hội tiếp cận giáo dục đồng đều giữa các vùng khó khăn, vùng núi, biên giới, hải đảo... - Ảnh 1.

UBND tỉnh Quảng Ninh tuyên dương gia đình, dòng họ, đơn vị, khu dân cư hiếu học xuất sắc. Ảnh: Tuệ Nhi

Nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng; Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Hồng Sơn tham dự Hội nghị; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh tham dự Hội nghị.

Cùng dự có lãnh đạo Hội Khuyến học tỉnh Quảng Ninh và 154 đại biểu đại diện cho các dòng họ hiếu học của tỉnh Quảng Ninh.

Quảng Ninh: Tạo cơ hội tiếp cận giáo dục đồng đều giữa các vùng khó khăn, vùng núi, biên giới, hải đảo... - Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: Tuệ Nhi

Theo báo cáo của Hội Khuyến học tỉnh Quảng Ninh, nhờ sự quan tâm đặc biệt và sự chỉ đạo của tỉnh, đến nay hệ thống tổ chức Hội Khuyến học của tỉnh đã phủ kín đến thôn, bản, khu phố, tổ dân. 

Toàn tỉnh có 309 hội, 2.455 chi hội, 1.705 ban khuyến học. Số hội viên lên tới hơn 454.900 người, chiếm 32,9% dân số.

Các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được triển khai nhanh chóng. Phong trào thi đua xây dựng gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập đã được chú trọng và thực sự đi vào cuộc sống, giúp gặt hái nhiều thành quả hết sức to lớn trong lĩnh vực giáo dục nói riêng và kinh tế-xã hội nói chung.

Tỉnh Quảng Ninh hiện đã có 251.377 gia đình đạt danh hiệu gia đình học tập, chiếm 72% tổng số gia đình (tăng 46.052 gia đình, tăng 15,2% so với năm 2017); 1.010 dòng họ đạt danh hiệu dòng họ học tập, chiếm 63% tổng số dòng họ toàn tỉnh, tăng 213 dòng họ được công nhận và tăng 17% so với năm 2017.

Bên cạnh đó, cùng với việc xây dựng gia đình, dòng họ học tập, các cấp khuyến học trong tỉnh cũng đẩy mạnh phát triển cộng đồng học tập, đơn vị học tập.

Công tác tuyên dương, khen thưởng luôn được các cấp hội khuyến học trong tỉnh thực hiện kịp thời, đúng đối tượng, là động lực để các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các chủ trương, nghị quyết của Đảng, các đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Quảng Ninh: Tạo cơ hội tiếp cận giáo dục đồng đều giữa các vùng khó khăn, vùng núi, biên giới, hải đảo... - Ảnh 3.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng đánh giá cao phong trào khuyến học - khuyến tài của tỉnh Quảng Ninh 5 năm qua. Ảnh: Tuệ Nhi

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, 5 năm qua, sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập có nhiều thuận lợi. Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được Đảng, Nhà nước, cấp uỷ, các cấp, các ngành, các cấp khuyến học với với tư duy đổi mới, năng động, sáng tạo chung sức, đồng lòng được phát huy thuận lợi.

Phong trào khuyến học ngày càng bám rễ, ăn sâu vào mỗi gia đình, dòng họ, đơn vị, cộng đồng dân cư. Phong trào xây dựng xã hội học tập cũng ngày càng phát triển sâu rộng góp phần bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho yêu cầu phát triển của mỗi địa phương và đất nước.

Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đánh giá, nhìn lại hơn 5 năm qua, tỉnh Quảng Ninh có sự phát triển mạnh mẽ và một trong những nguyên nhân chính đó là sự đóng góp của nguồn nhân lực có chất lượng trong mọi lĩnh vực của địa phương được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng và phát huy. Quảng Ninh cũng là một trong các tỉnh dẫn đầu trong cả nước triển khai xây dựng biểu dương các gia đình, dòng họ, đơn vị, khu dân cư hiếu học.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hội cũng chỉ rõ, bên cạnh những thành công, cũng còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Đầu tư cho giáo dục – đào tạo, khuyến học, khuyến tài chưa tương xứng với yêu cầu vì đầu tư cho con người đòi hỏi rất công phu, căn cơ và phải làm thường xuyên, xây dựng được điều kiện môi trường tốt nhất.

Phó Chủ tịch Hội nhấn mạnh, cần phải tạo cơ hội tiếp cận giáo dục đồng đều giữa các vùng nhất là vùng khó khăn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực tại chỗ có chất lượng cao là yêu cầu tất yếu, vấn đề cấp bách có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển của mỗi địa phương, mỗi cấp, mỗi ngành trong tình hình hiện nay.

"Con đường đưa đất nước, mỗi địa phương phát triển nhanh, bền vững phải bằng con đường học tập, bằng sự học của mỗi người dân và toàn xã hội. Trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4, khoa học phát triển như vũ bão, thời kỳ kỷ nguyên số muốn có xã hội số, kinh tế số, chính phủ số thì phải đào tạo, bồi dưỡng cho được công dân số, công dân học tập và tiến tới là công dân toàn cầu trong thời kỳ hội nhập quốc tế, toàn cầu hoá", Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Quảng Ninh: Tạo cơ hội tiếp cận giáo dục đồng đều giữa các vùng khó khăn, vùng núi, biên giới, hải đảo... - Ảnh 4.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Tuệ Nhi

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương kết quả công tác khuyến học khuyến tài xây dựng xã hội học tập và đặc biệt là kết quả xây dựng các mô hình Gia đình, Dòng họ, Cộng đồng, Đơn vị học tập 5 năm 2017-2022.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, nhìn lại 5 năm qua 2017-2022 có thể đánh giá tổng quát sự nghiệp khuyến học khuyến tài xây dựng xã hội học tập của tỉnh đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Phong trào khuyến học khuyến tài đã ở trong cộng đồng dân cư của tỉnh, nhân dân trong từng thôn, bản, tổ dân phố tích cực hưởng ứng chủ trương xây dựng xã hội học tập của Đảng, Nhà nước và của tỉnh Quảng Ninh.

Số lượng các "Dòng họ hiếu học" tiếp tục tăng trong 5 năm qua: năm 2017 cả tỉnh có 998 dòng họ đăng ký danh hiệu hiếu học thì đến 2022 đã có 1.208 dòng họ, tăng 17%, điều đó cho thấy các dòng họ đã có sự quan tâm rất lớn đến công tác khuyến học.

Xã hội học tập cũng đang từng bước được định hình rõ nét thông qua việc xây dựng các mô hình học tập trên địa bàn hành chính cấp xã và bước đầu hình thành các mô hình học tập cấp huyện, cấp tỉnh theo hướng tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chương trình chuyển đổi số quốc gia, Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và chiến lược đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục – Đào tạo của Đảng và Nhà nước ta.

Quảng Ninh: Tạo cơ hội tiếp cận giáo dục đồng đều giữa các vùng khó khăn, vùng núi, biên giới, hải đảo... - Ảnh 5.

Nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng trao Bằng khen của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam. Ảnh: Tuệ Nhi

Tại Hội nghị, nhiều báo cáo tham luận về xây dựng "Khu dân cư hiếu học", "dòng họ hiếu học", "gia đình hiếu học"... cũng được các đại biểu trình bày. 

Quảng Ninh: Tạo cơ hội tiếp cận giáo dục đồng đều giữa các vùng khó khăn, vùng núi, biên giới, hải đảo... - Ảnh 6.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Thị Hạnh trao Bằng khen của tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Tuệ Nhi

Tại hội nghị, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng Bằng khen cho 42 mô hình học tập do các cấp Hội Khuyến học tỉnh Quảng Ninh thực hiện; UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 69 gia đình, dòng họ, đơn vị, khu dân cư hiếu học có thành tích xuất sắc 5 năm giai đoạn 2017-2022.

Nhân dịp này, 82 gia đình hiếu học, 28 dòng họ hiếu học, 38 đơn vị hiếu học, 37 khu dân cư hiếu học trên địa bàn tỉnh được công nhận danh hiệu mô hình học tập xuất sắc 5 năm 2017-2022.