Quảng Ninh: Độc đáo lễ hội rước cụ thượng về miếu Tiên Công lễ tổ

Tuệ Nhi
06:00 - 29/01/2023
Công dân & Khuyến học trên

Vào dịp đầu xuân hàng năm, người dân cùng du khách lại được hòa mình vào lễ hội Tiên Công hay còn gọi là lễ hội "rước người" độc đáo được tổ chức tại vùng đảo Hà Nam, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Lễ hội Tiên Công mang ý nghĩa giáo dục truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn đã được người dân bảo tồn và phát huy giá trị hơn 300 năm qua. Việc tổ chức lễ hội hằng năm từ lâu đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của thị xã Quảng Yên.

Quảng Ninh: Độc đáo lễ hội rước cụ thượng về miếu Tiên Công lễ tổ - Ảnh 2.

Lễ hội Tiên Công mang ý nghĩa giáo dục truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn. Ảnh: Tuệ Nhi

Điểm nhấn chính của lễ hội là hoạt động rước các cụ thượng thọ (tròn 80, 90, 100 tuổi trở lên) đến miếu Tiên Công lễ tổ vào ngày mùng 7 tháng giêng âm lịch (ngày chính hội).

Quảng Ninh: Độc đáo lễ hội rước cụ thượng về miếu Tiên Công lễ tổ - Ảnh 3.

Một đoàn rước tại lễ hội Tiên Công. Ảnh: Tuệ Nhi

Các đoàn rước xuất phát từ các nhà thờ tổ, con cháu đội các mâm lễ vật đi trước, mâm lễ có trầu cau, rượu, xôi, gà hoặc thủ lợn, hương án trên có kết hoa. Mỗi gia đình, dòng họ tạo thành một đám rước cá nhân hoặc đám rước tập thể. Các đám rước nhập lại khi đến gần bia Tiên Công tạo nên một không khí tưng bừng náo nhiệt nhưng rất trang trọng, thiêng liêng. Đại diện các dòng họ sẽ dâng lễ vật và tế trên bia Tiên Công.

Quảng Ninh: Độc đáo lễ hội rước cụ thượng về miếu Tiên Công lễ tổ - Ảnh 4.

Niềm vui của một cụ thượng khi được con cháu rước đến miếu Tiên Công. Ảnh: Tuệ Nhi

Lễ "rước thọ", " rước cụ thượng" được coi là linh hồn của lễ hội Tiên Công, đây cũng là một nét đẹp truyền thống đặc sắc riêng có của người dân vùng đảo Hà Nam, thể hiện sự ngưỡng vọng, tôn vinh các vị Tiên Công, mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân vùng cửa biển Bạch Đằng.

Quảng Ninh: Độc đáo lễ hội rước cụ thượng về miếu Tiên Công lễ tổ - Ảnh 5.

Theo nghi lễ truyền thống, các cụ thượng sẽ mặc áo dài màu đỏ. Ảnh: Tuệ Nhi

Theo Ban tổ chức lễ hội Tiên Công, năm nay có 186 cụ (62 nam và 124 nữ) được rước lên miếu, trong đó có 4 cụ đạt 100 tuổi, 40 cụ đạt 90 tuổi và 142 cụ đạt 80 tuổi.

Trong lễ hội năm 2023, ngày chính hội có 1 đoàn rước tập thể với 11 cụ; và 1 đoàn rước cá nhân 2 cụ song thọ được rước lên miếu đường bái lạy Tiên Công. Đối với các gia đình không tổ chức đoàn rước cụ thượng về miếu Tiên Công lễ tổ thì tổ chức đoàn chỉ đội lễ đưa cụ thượng lên miếu lễ tổ, tri ơn Tiên Công.

Quảng Ninh: Độc đáo lễ hội rước cụ thượng về miếu Tiên Công lễ tổ - Ảnh 6.

Một trong những lễ vật được dâng tại miếu. Ảnh: Tuệ Nhi

Được con cháu rước lên miếu đường làm lễ tổ, cụ bà Lê Thị Dính, ở phường Phong Cốc phấn khởi chia sẻ: "Năm nay tôi 80 tuổi, các con cháu, anh em người thân trong gia đình họ tộc đều đến chia vui, chúc thọ. Về lễ tổ tôi chỉ cầu mong sao các con, các cháu thêm đoàn kết thuận hòa, làm ăn tấn tới. Bản thân tôi có được sức khỏe, sống vui, sống thọ cùng con cháu, để đến khi tròn tuổi 90 tôi lại được các con, các cháu đưa rước lên miếu Tiên Công.

Quảng Ninh: Độc đáo lễ hội rước cụ thượng về miếu Tiên Công lễ tổ - Ảnh 7.

Hai cụ bà 80 tuổi được con cháu tổ chức mừng thọ và rước đến miếu Tiên Công. Ảnh: Tuệ Nhi

Theo ghi nhận, ngoài phần lễ hội được tổ chức theo đúng nghi thức truyền thống, phần hội cũng vô cùng phong phú và đặc sắc với nhiều hoạt động văn hóa, các trò chơi dân gian: Chơi đu, chọi gà, tổ tôm điếm, hát đúm, đấu bóng chuyền hơi... thu hút ngày càng đông người dân, du khách về dự lễ hội.

Quảng Ninh: Độc đáo lễ hội rước cụ thượng về miếu Tiên Công lễ tổ - Ảnh 8.

Thực hiện nghi lễ thể hiện sự tôn kính 17 vị Tiên Công đã khai sinh ra vùng đảo. Ảnh: Tuệ Nhi

Để tránh ùn tắc đường, nhiều gia đình đã tổ chức rước cụ thượng từ sáng sớm nhưng đến khoảng 8 giờ sáng 28/1, do lượng người đổ về xem lễ hội quá đông nên việc di chuyển bị chậm hơn. Tuy nhiên sau đó việc lưu thông được lực lượng chức năng điều tiết nên đã trở lại bình thường.

Một số gia đình tổ chức đoàn rước cho biết, kinh phí tổ chức cũng lên tới vài trăm triệu. Tuy nhiên đây là dịp con cháu báo hiếu cha mẹ và cũng là dịp cả gia đình đoàn tụ, sum vầy nên ai cũng phấn khởi.

Quảng Ninh: Độc đáo lễ hội rước cụ thượng về miếu Tiên Công lễ tổ - Ảnh 9.

Một số gia đình chọn xích lô trang trí để rước cụ thượng ra miếu Tiên Công. Ảnh: Tuệ Nhi

Trong khi đó, để giảm chi phí và giảm việc số lượng người tham gia nên một số gia đình lựa chọn cách trang trí xe xích lô để rước cụ thượng đến miếu Tiên Công.

Theo bia ký, gia phả, khoảng từ năm 1434 đến 1500, có 17 tiên công quê ở phường Kim Hoa (nay là phường Kim Liên), huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, thành Thăng Long (Hà Nội) cùng gia đình xuôi theo dòng sông Hồng ra cửa sông Bạch Đằng tìm kế mưu sinh.

Lúc đầu họ sinh sống trên thuyền bằng nghề đánh bắt tôm cá, dãi chài. Vào một đêm, họ lên trú ở một gò nổi của bãi triều, nghe thấy tiếng ếch nhái kêu, biết nơi này có nước ngọt, nên đã cùng gia đình bèn quyết định dừng lại ở bãi triều này khẩn hoang đất đai, cải tạo thành ruộng lúa, lập làng.

Ban đầu lập nên phường Bồng Lưu, sau đổi thành xã Phong Lưu gồm ba thôn: Phong Cốc, Cẩm La, Yên Đông. Để tưởng nhớ công ơn những người lập làng, nhân dân toàn xã Phong Lưu, đảo Hà Nam đã lập miếu ở thôn Cẩm La để thờ 17 vị Tiên Công.

Bình luận của bạn

Bình luận