Quảng Bình: Tạm giữ 2 đối tượng huy động tiền đáo hạn ngân hàng, lừa đảo chiếm đoạt hơn 110 tỷ đồng

Hồng Ngọc
08:42 - 08/04/2024
Công dân & Khuyến học trên

Công an tỉnh Quảng Bình cho biết đã tạm giữ hình 2 đối tượng hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức huy động tiền đáo hạn ngân hàng, với số tiền chiếm đoạt lên tới hơn 100 tỷ đồng.

Quảng Bình: Tạm giữ 2 đối tượng huy động tiền đáo hạn ngân hàng, lừa đảo chiếm đoạt hơn 110 tỷ đồng- Ảnh 1.
Quảng Bình: Tạm giữ 2 đối tượng huy động tiền đáo hạn ngân hàng, lừa đảo chiếm đoạt hơn 110 tỷ đồng- Ảnh 2.

2 đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Cơ quan Cảnh sát điều tra. Ảnh: Công an tỉnh Quảng Bình

Cách thức lừa đảo chiếm đoạt hơn 100 tỷ đồng của 2 đối tượng

Theo thông tin từ Công an tỉnh Quảng Bình, 2 đối tượng đang được Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Quảng Bình triệu tập đấu tranh và tiếp nhận tự thú để điều tra, làm rõ liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gồm: Hoàng Thị Ngọc Thúy (sinh năm 1988) và Lê Thị Thanh Thủy (sinh năm 1987) cùng trú tại thành phố Đồng Hới.

Tại cơ quan Công an, 2 đối tượng Thúy và Thủy khai nhận trong thời gian từ đầu năm 2023 đến nay, lợi dụng các mối quan hệ bạn bè, quen biết và công việc làm ăn nên đã đưa ra thông tin có nhiều mối quan hệ thân thiết với cán bộ, lãnh đạo của nhiều ngân hàng trên địa bàn tỉnh, có nhiều thông tin về khách hàng vay cần đáo hạn ngân hàng, lợi nhuận thu được cao trong thời gian ngắn.

Với thủ đoạn này, Hoàng Thị Ngọc Thúy và Lê Thị Thanh Thủy đã nhận tiền của 6 bị hại trên địa bàn thành phố Đồng Hới với tổng số tiền gần 53 tỷ đồng, sau đó chiếm đoạt để sử dụng vào các mục đích khác.

Quá trình thu thập thông tin, tài liệu xác định 2 đối tượng Hoàng Thị Ngọc Thúy và Lê Thị Thanh Thủy còn nhận tiền của nhiều người khác trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền trên 110 tỷ đồng. Số tiền này ngoài mục đích sử dụng cá nhân thì 2 đối tượng này đã chuyển cho một số người khác để cho vay.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Bình đã ra lệnh khám xét khẩn cấp nơi ở của Hoàng Thị Ngọc Thúy và Lê Thị Thanh Thủy. Đồng thời, ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp và tạm giữ đối với Hoàng Thị Ngọc Thúy và Lê Thị Thanh Thủy về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Vụ án đang tiếp tục được mở rộng điều tra. Công an tỉnh Quảng Bình thông báo, ai là người có liên quan đến hành vi của 2 đối tượng trên thì trực tiếp liên hệ Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Quảng Bình (Đường Nguyễn Trãi, phường Đồng Hải, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) để được giải quyết.

Đáo hạn là một thuật ngữ để chỉ ngày đến hạn, sắp hết thời hạn theo hợp đồng, thanh toán hợp đồng hay trả nợ khi vay vốn ngân hàng. Ngày đáo hạn là ngày cuối cùng phải trả hoàn tất số tiền đã vay. Ngày đáo hạn sẽ được quy định theo hợp đồng đã ký kết với ngân hàng.

Có thể hiểu vay đáo hạn là hình thức mà ngân hàng tiếp tục cho vay khoản vay mới khi đã hết hạn vay của khoản vay cũ dù khách hàng vẫn chưa trả hết nợ của khoản vay cũ tại tổ chức này.

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trị giá trên 500.000.000 đồng có thể lĩnh án từ 12 năm tù đến chung thân

Điều 174 Bộ luật Hình sự quy định về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" như sau:

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.