Phương án nào cho kỳ thi tốt nghiệp từ năm 2025?
Ngoài 4 môn thi bắt buộc của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên cho học sinh chọn thêm 2 môn tự chọn để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng theo nhu cầu.
Dự kiến thi tốt nghiệp từ năm 2025 thế nào?
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ tại buổi làm việc với cán bộ, giáo viên Trường Nguyễn Siêu (Hà Nội) đã trả lời những băn khoăn của học sinh, giáo viên về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ chia sẻ: "Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023, 2024 về cơ bản vẫn ổn định theo chương trình học cũ. Đến năm 2025, khi học sinh học theo chương trình mới thi tốt nghiệp thì đề thi sẽ thay đổi".
Đồng thời, Thứ trưởng cũng cho hay về số môn thi từ năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang nghiên cứu xây dựng và trình Chính phủ xin ý kiến. Trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh học 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Lịch sử; Giáo dục thể chất; Giáo dục Quốc phòng và An ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục của địa phương.
Bên cạnh đó, Từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông dự kiến có bốn môn học bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử. Ngoài ra, trong số các môn lựa chọn, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cân nhắc thi một số môn để các trường đại học có thể sử dụng xét tuyển.
"Tuy nhiên các môn học có thể kiểm tra tập trung vào Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử. Như vậy, 4 môn bắt buộc chắc chắn đã học sẽ thi. Ngoài ra một số môn lựa chọn cũng sẽ có môn thi phù hợp nhằm đảm bảo để các cơ sở đại học lấy căn cứ xét tuyển", Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho hay.
Tuy nhiên, cũng theo Bộ Giáo dục và Đào tạo đây mới chỉ là phương án dự kiến, đang được nghiên cứu và xin ý kiến các chuyên gia, chưa được thống nhất và phê duyệt.
Băn khoăn về tên gọi của kỳ thi
Bàn về Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thầy Phan Anh, giáo viên bậc trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, theo quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông, kỳ thi này có 2 mục đích chính: (1) đánh giá kết quả học tập của người học chương trình trung học phổ thông, làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông và (2) lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông.
Cùng với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông nhằm xét tuyển thí sinh vào đại học, cao đẳng.
Theo thầy Phan Anh, đây là kỳ thi "hai trong một" nhưng được gọi tên bằng "Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông", e rằng chưa thể hiện được nội hàm của việc "xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông" và "xét tuyển vào đại học, cao đẳng".
"Tôi cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên sửa tên gọi "Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông" thành "Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học" là hợp lí nhất. Trước đó, Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia được tổ chức vào năm 2015. Năm 2020, Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia được đổi tên thành "Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông" nhưng bản chất của kì thi vẫn thế", thầy Phan Anh nêu quan điểm.
Là giáo viên bậc trung học phổ thông hàng năm tham gia luyện thi cho học sinh, thầy Phan Anh cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến sẽ tập trung vào 4 môn bắt buộc và một số môn thi nữa sẽ gây quá tải cho các em.
Thầy Phan Anh đề xuất, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tổ chức cho học sinh thi 4 môn bắt buộc như hiện nay (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử) để xét tốt nghiệp trung học phổ thông. Học sinh có thể lấy điểm 4 môn thi này để xét tuyển vào đại học, cao đẳng theo khối thi phù hợp.
"Như thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ 2 bài thi tổ hợp (Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội) để phù hợp với Chương trình mới và giảm tải cho học sinh. Thay vào đó, học sinh được chọn thêm 2 môn thi tự chọn (theo tổ hợp môn lựa chọn) đã học ở bậc trung học phổ thông để xét tuyển tuyển vào các trường đại học, cao đẳng theo nhu cầu.
Ví dụ, học sinh học nhóm môn lựa chọn gồm các môn Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) thì các em chỉ cần chọn thêm 2 môn thi là Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật để xét tuyển vào trường đại học có tổ hợp: Ngữ văn- Địa lí-Giáo dục kinh tế và pháp luật", Thầy Phan Anh nêu ý kiến.
Ra đề thi thế nào cho phù hợp với kì thi "hai trong một"?
Thầy Lê Văn Q., giáo viên Vật lí một trường trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất, đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông nên có hai phần: một phần bắt buộc cho thí sinh chỉ có nhu cầu thi để xét tốt nghiệp trung học phổ thông; một phần tự chọn dành cho thí sinh lấy điểm để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.
Thầy Lê Văn Q. lấy ví dụ, đề thi môn Toán có 50 câu thì chia ra: 25 câu phục vụ cho việc thí sinh thi chỉ xét tốt nghiệp trung học phổ thông, 25 câu còn lại dành cho thí sinh thi để lấy điểm xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. "Việc thiết kế đề thi như thế này giúp giảm tải cho thí sinh chỉ có nhu cầu thi để xét tốt nghiệp trung học phổ thông, đồng thời phân hóa được thí sinh xét tuyển vào đại học", theo thầy Lê Văn Q.
"Vấn đề tiếp theo là Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thành lập được nhiều trường trung cấp và cao đẳng nghề chuyên nghiệp để cho nhóm thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông theo học và giải quyết được công ăn việc làm cho các em sau khi ra trường.
Cùng với đó là thu hẹp những trường đại học yếu kém chất lượng để tôn vinh người học. Muốn làm được điều này thì Bộ Giáo dục và Đào phải có bộ tiêu chí để lượng hóa được các trường đại học yếu kém chất lượng. Ví dụ, căn cứ điểm tuyển sinh đầu vào, học hàm học vị giảng viên, kết quả nghiên cứu khoa học, tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp (kênh này cần có đơn vị khảo sát độc lập, khách quan), Lê Văn Q. hiến kế nâng cao chất lượng giáo dục ở trường đại học, cao đẳng và trung cấp nghề.
Thầy Phan Anh băn khoăn, đến thời điểm này, cả nước đã có khoảng 100 trường đại học công bố đề án tuyển sinh dự kiến năm 2023 với các thông tin về phương thức xét tuyển và tổng chỉ tiêu tuyển sinh. Đáng chú ý, bên cạnh kỳ thi riêng của Bộ Công an, cả nước có 10 cơ sở giáo dục đã tổ chức hoặc chuẩn bị tổ chức các kỳ thi riêng - cho thấy các kỳ thi này đã có dấu hiệu "nở rộ", còn chất lượng thế nào thì vẫn chưa thể kiểm chứng.
"Tôi mong Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm công bố phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 để các nhà trường điều chỉnh phương pháp dạy học. Cùng với đó, Bộ Giáo dục và Đào cần có quy chế riêng cho các kỳ thi riêng, tránh mỗi trường ra đề một kiểu gây thêm khó khăn, áp lực cho thí sinh", Thầy Phan Anh góp ý về kì thi riêng của các trường đại học.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google