Phú Thọ - Nghệ An triển lãm hiện vật kết nối miền di sản
Ngày 22/11, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An tổ chức khai mạc trưng bày, trình diễn chuyên đề "Phú Thọ - Nghệ An kết nối miền di sản"; "nghệ thuật điêu khắc ánh sáng"; "áo dài và di sản" và không gian nghệ thuật sen và thư pháp.
Tham dự chương trình có ông Nguyễn Đăng Chương – Giám đốc Trung tâm Triển lãm Văn hóa – Nghệ thuật Việt Nam; bà Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An cùng các lãnh đạo Bảo tàng Hùng Vương (Phú Thọ) và Bảo tàng Huế.
Phát biểu tại buổi lễ bà Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao Nghệ An thông tin, Phú Thọ "vùng đất tổ", được coi là nơi phát tích của các vị Vua Hùng, gắn với lịch sử hình thành, phát triển của dân tộc Việt Nam. Phú Thọ tự hào với cái nôi văn hóa và truyền thống, nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của dân tộc.
Nghệ An, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, nơi chứa đựng nhiều trầm tích từ thuở Hùng Vương dựng nước, góp phần tạo nên dấu ấn về một vùng văn hóa xứ Nghệ đậm bản sắc. Mặc dù có bối cảnh địa lý, lịch sử, văn hóa khác nhau, nhưng Phú Thọ - Nghệ An có sự gắn bó mật thiết từ truyền thuyết Vua Hùng đến dặm dài lịch sử, tạo nên sự kết nối mạnh mẽ giữa hai miền di sản.
Trưng bày "Phú Thọ - Nghệ An, kết nối miền di sản" với gần 200 tài liệu hình ảnh, hiện vật có giá trị được giới thiệu theo hai chủ đề: Chủ đề 1: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và hát Xoan Phú Thọ giới thiệu đến công chúng về 2 di sản tiêu biểu của tỉnh Phú Thọ.
Trong đó, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một hình thức tín ngưỡng linh thiêng, tôn vinh các vị vua Hùng, đại diện cho lòng biết ơn tổ tiên, nguồn cội của dân tộc ta.
"Với những giá trị đặc sắc và riêng biệt, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2012. Hát Xoan cũng là di sản gắn liền với các truyền thuyết về thời đại Hùng Vương, còn gọi là hát cửa đình. Đây là hình thức diễn xướng dân gian, thể hiện tín ngưỡng, phong tục, nghi lễ thờ thần và các vị Vua Hùng trong dịp đầu xuân. Hát xoan Phú Thọ được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2017. Đây là hai di sản văn hóa phi vật thể độc đáo, đặc sắc, biểu trưng cho truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam" - bà Hạnh nhấn mạnh.
Chủ đề 2: Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - từ mạch nguồn truyền thống đến cuộc sống đương đại, với khoảng hơn 100 hình ảnh, tài liệu trưng bày hết sức sống động, phần nào khắc họa được nguồn gốc, quá trình phát triển của dân ca ví, giặm và lan tỏa sức sống của di sản trong cộng đồng.
Trong khuôn khổ của triển lãm "Sắc màu di sản văn hóa, danh thắng Việt Nam và Sản phẩm thủ công truyền thống" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An và các đơn vị liên quan tổ chức tại tỉnh Nghệ An, Bảo tàng Mỹ thuật Huế tham gia trưng bày bộ sưu tập áo dài chủ đề "Áo dài và di sản".
Cũng tại Bảo tàng Nghệ An, Ban tổ chức phối hợp trưng bày 2 tác phẩm đặc sắc, mới lạ của tác giả trẻ Bùi Văn Tự - là người đầu tiên tại Việt Nam theo đuổi một loại hình nghệ thuật độc đáo mang tên "Nghệ thuật điêu khắc ánh sáng". Đây là sự kết hợp giữa nghệ thuật điêu khắc truyền thống trên các chất liệu thủ công và ánh sáng tạo nên.
Tại bảo tàng Nghệ An, tác phẩm đầu tiên được trưng bày là "Ký ức Làng Sen", qua nghệ thuật điêu khắc ánh sáng, bóng của từng chiếc lá hiện lên như một bức tranh sống động, khắc sâu hình ảnh Làng Sen thân thuộc, nhắc nhở về quê hương, về tình yêu và lòng thành kính đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tác phẩm thứ hai là "Khát vọng Việt Nam" tái hiện hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh thời thanh niên với ánh mắt sáng ngời, tràn đầy niềm tin và khát vọng.
Dịp này, ban tổ chức cũng trưng bày, giới thiệu các tác phẩm sen thư pháp kết hợp với những bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh như một lời tri ân và thể hiện tấm lòng của bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, một người dân Hà Nội, luôn biết ơn vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
Bà Trần Thị Mỹ Hạnh chia sẻ thêm, qua triển lãm "Phú Thọ - Nghệ An, kết nối miền di sản", "Áo dài và di sản" và "Không gian nghệ thuật Sen và Thư pháp" cùng trưng bày "Nghệ thuật điêu khắc ánh sáng" sẽ tạo nên một không gian "gặp gỡ" thú vị, đầy ý nghĩa của những người cùng chung niềm đam mê nghệ thuật, trân trọng, bảo vệ và góp phần quảng bá, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Tiếp tục kết nối cộng đồng để từ đó nâng cao ý thức gìn giữ và bồi đắp các giá trị tốt đẹp của di sản. Góp phần thúc đẩy phát triển văn hoá, du lịch và kinh tế địa phương, nâng cao vị thế hình ảnh mảnh đất và con người Việt Nam.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google