Phụ huynh cần biết: Không có cái gì gọi là quỹ lớp, quỹ trường

Phan Anh
06:00 - 17/10/2023
Công dân & Khuyến học trên

Liên quan đến việc thu quỹ lớp, quỹ trường xảy ra ở nhiều trường học thời gian qua, hiện nay vẫn còn tranh cãi về chuyện mức thu thế nào là nhiều/ít đối với tiền quỹ lớp, quỹ trường - tuy nhiên, đây là một tranh cãi thừa thãi, bởi trên thực tế không có cái gọi là quỹ lớp, quỹ trường.

Phụ huynh cần biết, không có cái gì gọi là quỹ lớp, quỹ trường - Ảnh 1.

Các bậc phụ huynh thường làm mọi điều để con mình có thể có điều kiện học hành tốt nhất. Ảnh: Ngọc Ánh

Các khoản tiền trường - tự nguyện theo quy định

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh không chủ trương thu quỹ lớp, quỹ trường và hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra lạm thu và thu - chi không đúng quy định.

Đây là khẳng định của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố, trước các phản ánh của phụ huynh về các khoản thu quỹ lớp, quỹ trường.

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thu - chi trong nhà trường đã được Hội đồng Nhân dân Thành phố ban hành Nghị quyết rất rõ ràng. Tuy nhiên, một số đơn vị tại cơ sở vẫn chưa làm đúng quy trình dẫn đến lạm thu, thu - chi sai quy định.

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu nhà trường phải thống nhất với trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh trường để quyết định kế hoạch sử dụng kinh phí của ban đại diện cha mẹ học sinh trường; và chỉ sử dụng sau khi đã được toàn thể Ban đại diện cha mẹ học sinh trường thống nhất ý kiến.

Hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm đối với tất cả các hoạt động thu - chi trong nhà trường và Sở sẽ xử lý nghiêm các đơn vị thực hiện sai quy định. Hiện Sở này đã thành lập các đoàn đi kiểm tra đột xuất đối với cơ sở giáo dục được báo chí phản ánh.

Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT ban hành điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh (xem tại đây)

Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh hoàn toàn không có quy định nào về cái gọi là "quỹ lớp", "quỹ trường". Các bậc cha mẹ học sinh cần đọc và hiểu rõ Thông tư này nhằm có ứng xử thích hợp đối với việc nộp quỹ lớp, quỹ trường hiện nay. 

Theo đó, việc thu quỹ phải nằm trong khuôn khổ cho phép là có một khoản gọi là "kinh phí hoạt động của ban đại diện". Cho nên việc tranh cãi về mức thu đối với cái gọi là "quỹ lớp", "quỹ trường" đang dựa trên một tiền đề sai: không có quy định về quỹ lớp, và quỹ trường thì tranh cãi mức nộp bao nhiêu là hợp lý hoàn toàn vô nghĩa, dựa trên cái sai để làm sai. 

Vậy, kinh phí hoạt động ban đại diện cha mẹ học sinh lấy từ đâu? Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT ghi rõ: "Kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho ban đại diện cha mẹ học sinh lớp". Nghĩa là đối với ngay cả về khoản kinh phí này thì cũng không có bất kỳ quy định nào yêu cầu phụ huynh phải nộp tiền như một nghĩa vụ; càng không cho phép ban đại diện có quyền thu của phụ huynh theo kiểu bắt buộc.

Như vậy, về phía cơ quan chủ quản và quản lý Nhà nước, vì nhìn thấy những tệ nạn lạm thu có thể phát sinh từ đây nên đã quy định rất cụ thể và ngăn cho phụ huynh không bị mất tiền bởi các hành vi sai trái của ban đại diện hay nhà trường, nhưng trớ trêu thay ngay chính nhiều người dân lại tự nguyện làm khổ mình và thậm chí còn ra sức bảo vệ cho một thứ vốn không được phép tồn tại. Vậy, phải trách ai đây?

Trên thực tế, đa số phụ huynh tự nguyện nộp tiền, cho rằng có nộp tiền thì con mình mới được ưu ái, mới có cơ hội học hành tiến bộ, mới được giáo viên ưu tiên... 

Tóm lại, bởi không có quy định cho cái gọi là "quỹ lớp", "quỹ trường" cho nên thay vì cãi nhau việc nộp như thế là nhiều hay ít, thì hãy dẹp bỏ nó. 

"Phụ huynh nào muốn tổ chức liên hoan, ăn uống, tiệc tùng, du lịch, chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con cái… thì đây là nhu cầu cá nhân, hội nhóm, có thể tổ chức trên cơ sở rủ những người cùng sở thích, cùng điều kiện mà tự làm với nhau, không được nhân danh "tập thể lớp" để ép buộc tất cả phụ huynh nộp tiền", một nhà giáo nêu ý kiến. 

Đây là những điều phụ huynh cần xác định, tránh nhập nhằng việc tự nguyện và bắt buộc, dẫn đến tình trạng lạm thu trong trường học có "đất sống" mãi không thể dẹp bỏ được.