Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Giáo dục, đào tạo phải gắn với dự báo nhu cầu xã hội, thị trường lao động

PV
14:53 - 16/02/2023
Công dân & Khuyến học trên

Trong buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định ngành giáo dục có đóng góp quan trọng vào chỉ số phát triển con người, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài với nguồn nhân lực chất lượng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai những nhiệm vụ lớn

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo, tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, ngành giáo dục và đào tạo hiện đang trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện theo Nghị quyết 29/NQ-TW ngày 4/11/2013. Tới nay, việc triển khai đổi mới này đã được gần 10 năm và nhiều việc còn đang tiếp tục triển khai.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, Bộ đang triển khai một số nhiệm vụ lớn. Trong đó có triển khai các chiến lược, đề án như: Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao… Đồng thời, lập đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Giáo dục, đào tạo phải gắn với dự báo nhu cầu xã hội, thị trường lao động - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: VGP/Minh Khôi

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng triển khai thực hiện kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH14 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông". Chỉ đạo, tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2023 an toàn, nghiêm túc, hiệu quả và xây dựng phương án thi tốt nghiệp Trung học phổ thông từ năm 2025, phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng đưa ra các đề xuất, trong đó có việc đề nghị Chính phủ xem xét có chính sách tiền lương, phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Trước mắt, năm 2023 ban hành Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành được giao chủ trì các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 và 2021 - 2030 xem xét đưa các dự án, nhiệm vụ liên quan đến ngành giáo dục vào nhóm ưu tiên hàng đầu khi xây dựng nguyên tắc, tiêu chí phân bổ hạn mức kế hoạch vốn. Trong đó ưu tiên mua sắm trang thiết bị dạy học, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, kiên cố hóa trường học, các công trình phụ trợ thiết yếu phục vụ điều kiện dạy và học để đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích đầu tư và tài trợ cho giáo dục đại học, xã hội hoá giáo dục đại học, bao gồm cả thực hiện cơ chế hợp tác công tư, nhất là chính sách ưu đãi thuế, sử dụng đất. Tăng quyền chủ động cho các cơ sở giáo dục đại học công lập trong sử dụng nguồn thu ngoài ngân sách nhà nước cho đầu tư cơ sở vật chất và tăng cường năng lực hoạt động giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức.

Ngành giáo dục phải phát huy và dẫn dắt đổi mới sáng tạo

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, giáo dục và đào tạo là lĩnh vực hết sức quan trọng, là một trong những trụ cột, yếu tố đột phá chiến lược và là một trong những động lực của giai đoạn đổi mới sâu sắc và toàn diện của đất nước.

Phó Thủ tướng ghi nhận những kết quả, thành tựu toàn ngành đạt được trong thời gian qua. Đặc biệt, trong giai đoạn cả nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19, ngành giáo dục vẫn bảo đảm tổ chức dạy học an toàn, chất lượng. Bên cạnh đó, toàn ngành cũng phải đối mặt với không ít tồn tại, vướng mắc sau đại dịch COVID-19, cũng như trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Giáo dục, đào tạo phải gắn với dự báo nhu cầu xã hội, thị trường lao động - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Cổng TTĐT Bộ Giáo dục và Đào tạo

“Những khó khăn, tồn tại cần được nhận diện, xác định rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, chỉ ra được những giải pháp trước mắt, lâu dài, “địa chỉ để hoá giải”, giải pháp khắc phục cụ thể ở khâu nào, quy định nào, của cấp quản lý nào”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Theo Phó Thủ tướng, lĩnh vực quản lý của ngành giáo dục hết sức quan trọng, với tư tưởng xuyên suốt gắn với học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập từ mầm non đến đại học, nghiên cứu chuyên sâu. Để các sản phẩm giáo dục luôn có giá trị, đáp ứng được nhu cầu của xã hội, Phó Thủ tướng cho rằng hoạt động giáo dục, đào tạo cần gắn kết với dự báo nhu cầu xã hội, thị trường lao động; gắn kết giữa giáo dục, đào tạo với lực lượng sản xuất trong nhà máy, xí nghiệp; kết hợp nguồn lực nhà nước đầu tư trọng tâm, trọng điểm với huy động nguồn lực xã hội.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, trao đổi với Bộ Giáo dục và Đào tạo về một số vấn đề quan trọng như thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, tuyển sinh đại học, cao đẳng; tự chủ đại học; học phí bậc học mầm non; đổi mới chương trình, sách giáo khoa; định hướng nghề nghiệp ở phổ thông; đa dạng hoá nguồn đầu tư cho giáo dục đại học; nghiên cứu khoa học trong trường đại học… 

Với những kiến nghị, đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết sẽ tiếp tục làm việc sâu hơn với ngành về từng vấn đề để sớm ban hành các chính sách, chiến lược phù hợp đối với giáo dục và đào tạo trong thời gian tới.

Bình luận của bạn

Bình luận