Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Nhiều chính sách đang giúp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp

Vũ Nam
12:36 - 26/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Đào Minh Tú, các quy định, chính sách, thông tư vừa được ban hành là giải pháp giúp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp một cách thiết thực, kịp thời.

Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Đào Minh Tú. Ảnh: SBV.

Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Đào Minh Tú. Ảnh: SBV.

Nhận diện những khó khăn, thách thức mà nền kinh tế phải đối mặt, ngay những tháng đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều hành linh hoạt, sử dụng đến mức tối đa các công cụ có thể, dư địa của chính sách tiền tệ để tác động đến nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. 

Hàng loạt các cơ chế, chính sách điều hành tạo thuận lợi cho người dân

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, cùng với hàng loạt các cơ chế, chính sách đã được Ngân hàng Nhà nước ban hành trong thời gian gần đây đều nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi nhất, tập trung nhất để hỗ trợ cho khách hàng, doanh nghiệp.

Thống đốc cho rằng, Ngân hàng Nhà nước với vai trò điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, trước hết các biện pháp đòi hỏi phải đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế, cho từng tổ chức tín dụng và thanh khoản cho toàn hệ thống ngân hàng. Điều này cũng bảo đảm cho nguồn vốn cho vay có thể đáp ứng được nhu cầu về vốn cho các doanh nghiệp trong quá trình phát triển nền kinh tế. 

Kế đến, ở mảng điều hành lãi suất, Ngân hàng nhà nước đã có những chính sách điều hành khá linh hoạt. Bám sát tình hình thực tế trên thế giới và các điều kiện đòi hỏi từ nhu cầu trong nước, theo phó Thống đốc, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã có 2 lần giảm lãi suất điều hành, đồng thời có những chỉ đạo, thông qua Hiệp hội Ngân hàng vận động các Ngân hàng thương mại tích cực giảm lãi suất huy động và cho vay. 

Động thái giảm lãi suất nói chung đều mang lại những hiệu ứng tốt giúp khơi thông nguồn vốn và dòng chảy kinh tế qua các doanh nghiệp. Khi lãi suất được giảm xuống là một biện pháp chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong thời điểm hiện nay.

Bên cạnh đó, đối với các tác động của chính sách tiền tệ lên thị trường bất động sản - một trong những nhiệm vụ trọng yếu mà Chính phủ giao nhiệm vụ, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có nhiều chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục cho vay lĩnh vực bất động sản; trừ một số lĩnh vực bất động sản đầu cơ cần kiểm soát chặt chẽ rủi ro. 

Theo đó, các chính sách ưu đãi lãi suất, giản, giảm lãi suất cho vay được thiết kế để tập trung hỗ trợ vốn cho các dự án thuộc phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở có giá trị thương mại thấp, kể cả chủ đầu tư dự án sản xuất, xây dựng các dự án bất động sản và người có nhu cầu mua nhà ở giá trị thấp. Cụ thể, gói tín dụng dành cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp với giá trị 120.000 tỷ đã được kích hoạt từ 1/4/2023 cũng đã tạo ra hiệu ứng chung tốt cho thị trường.

Đến thời điểm này, cơ chế chính sách rõ ràng, các Ngân hàng thương mại cũng đã có đầy đủ nguồn vốn, sẵn sàng giải ngân vốn vay cho 3 đối tượng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án sửa chữa chung cư cũ với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường 1,5 - 2%/năm.

Ngày 23/4/2023, NHNN đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng. Theo đó, các khoản nợ đến hạn, các khoản trả lãi đến hạn của người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn chưa có điều kiện trả nợ ngân hàng được tiếp tục giãn, hoãn thời hạn trả nợ và không bị chuyển nhóm nợ. 

Việc ban hành Thông tư 02 là một giải pháp thiết thực, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay. Theo Phó Thống đốc, đây là một chính sách rất kịp thời, có tác dụng hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay còn đang gặp nhiều khó khăn do tác động của nền kinh tế thế giới, cung ứng nguồn hàng, việc tiêu thụ sản phẩm đình trệ.

Hiệu quả của các thông tư với người dân, doanh nghiệp 

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, việc tạo điều kiện kéo dài thời gian vay và trả nợ ngân hàng, Thông tư 02 sẽ giúp giảm áp lực trả nợ cho khách hàng, góp phần trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp tục quay vòng nguồn vốn và tiếp cận vốn vay mới để phục vụ sản xuất – kinh doanh, phục vụ đời sống, tiêu dùng, qua đó góp phần phát triển sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tại Hội nghị về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 02 (ngày 25/4), Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo một cách toàn diện tất cả các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố và hệ thống các tổ chức tín dụng tập trung coi đây là một chính sách quan trọng. Ngân hàng Nhà nước cũng đã yêu cầu các ngân hàng thương mại cần có các hướng dẫn nội bộ, quy trình thủ tục đơn giản, dễ hiểu, dễ làm và coi việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng yếu lúc này. Bên cạnh đó, việc thực thi chính sách cũng cần phải đảm bảo công khai minh bạch, tránh trục lợi, lợi dụng chính sách để che giấu nợ xấu.

Có thể nói với sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và sự triển khai của hệ thống các ngân hàng, Thông tư 02 được kỳ vọng sẽ thực sự đi vào cuộc sống, là một trong những giải pháp chính sách hết sức thiết thực, kịp thời, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay.

Nhấn mạnh về điểm khác biệt tại Thông tư 02 khoản nợ cơ cấu lại bao gồm cả các khoản vay tiêu dùng. Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ: Theo đánh giá từ thực tế nền kinh tế cũng như lắng nghe các nhà quản lý lãnh đạo, Ngân hàng nhà nước thấy rằng không chỉ riêng sản xuất kinh doanh, vấn đề tiêu dùng phục vụ đời sống của người dân cũng đang gặp khó khăn, nguồn thu nhập của họ bị sụt giảm, chưa có điều kiện để trả nợ lúc này. Chính vì thế, Ngân hàng nhà nước bổ sung khoản nợ tiêu dùng phục vụ đời sống của người dân vào đối tượng được hoãn giãn nợ lên đến 1 năm. Điều này sẽ tạo thuận lợi trực tiếp cho người dân có khoản nợ chưa trả được.

Có thể nói, đối tượng điều chỉnh tại chính sách này rộng khắp mọi lĩnh vực cả sản xuất kinh doanh và tiêu dùng phục vụ đời sống. Đây là một trong những chính sách rất được Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm, chỉ đạo quyết liệt; các đối tượng thụ hưởng rất phấn khởi bởi các quy định chính sách rất thuận lợi, hỗ trợ tích cực cho họ.

Bênh cạnh Thông tư 02, Thông tư 03/2023/TT-NHNN cũng được ban hành về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp, đây là thông tin vui cho các tổ chức tín dụng có thể mua lại trái phiếu trước đây đã bán, trái phiếu chưa lên sàn… Từ đó, tạo điều kiện cho những doanh nghiệp phát hành trái phiếu có cơ hội để các ngân hàng mua lại, giảm bớt áp lực dòng tiền hiện nay. Đây cũng là yếu tố dẫn tới những thuận lợi cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển trở lại. 

Nguồn: SBV, VGP
Bình luận của bạn

Bình luận