Thủ tướng chỉ đạo các vấn đề nóng liên quan tới các chính sách tài chính - ngân hàng

Quang Minh
20:39 - 22/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Chiều 22/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính họp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp để rà soát, thúc đẩy việc ban hành ngay hai Thông tư quan trọng liên quan lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Tham dự cuộc làm việc có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; lãnh đạo một số bộ, ngành và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Tiếp tục hoàn thiện dự thảo hướng dẫn cơ cấu nợ, hoãn giãn nợ

Về dự thảo Thông tư liên quan đến hướng dẫn cơ cấu lại nợ, hoãn giãn nợ, không chuyển nhóm nợ, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục hoàn thiện dự thảo theo hướng cân nhắc mở rộng đối tượng và kéo dài thời gian áp dụng phù hợp; đồng thời thiết kế công cụ kiểm tra, giám sát, kiểm soát và đẩy mạnh phân cấp để tăng cường trách nhiệm của các tổ chức dụng và phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả.

Đối với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải thiết kế hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp để tăng cường niềm tin thị trường và theo hướng cho phép tổ chức tín dụng mua lại ngay trái phiếu doanh nghiệp; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tổ chức tín dụng đầu tư, cho vay đối với trái phiếu doanh nghiệp nhằm tăng nguồn cung, tính thanh khoản, phát triển thị trường trên cơ sở an toàn, hiệu quả.

Chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ lãi suất phù hợp

Cũng tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại hạ lãi suất phù hợp để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; khẩn trương trình phương án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém, nhất là ngân hàng SCB; phối hợp với Bộ Xây dựng triển khai hiệu quả gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, đáp ứng mong mỏi của người dân và doanh nghiệp; sớm hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) để tháo gỡ vướng mắc hiện nay, phù hợp với tình hình thực tế, trên cơ sở khả thi, hiệu quả.

Được biết thời gian qua, bám sát Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã thực thi việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa, hợp lý, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ để phấn đấu giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, người dân, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Thời gian qua, triển vọng kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định, lạm phát nhiều nước tiếp tục duy trì ở mức cao; tăng trưởng kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, việc giảm mặt bằng lãi suất huy động sẽ là động lực tốt thúc đẩy nền kinh tế phục hồi. 

Để tiếp tục thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, Ngân hàng Nhà nước đã có các đợt điều chỉnh các mức lãi suất, theo đó, đợt điều chỉnh gần nhất có hiệu lực từ ngày 3/4/2023. Hy vọng sẽ mở ra những tín hiệu tích cực cho việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo kế hoạch mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra. 

Nguồn: TTXVN
Bình luận của bạn

Bình luận