"Phiếu nhiệm vụ Tết" - sáng tạo trong giao bài tập cho học sinh dịp Tết

Nhật Nam
15:00 - 13/01/2023
Công dân & Khuyến học trên

Chỉ còn vài ngày nữa là học sinh trên cả nước sẽ bước vào kì nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài trên dưới 10 ngày. Trước thời gian nghỉ tương đối dài như vậy, rất nhiều ý kiến bàn luận xoay quanh việc có nên giao bài tập về nhà cho học sinh trong dịp Tết hay không.

Nên để học sinh có thêm nhiều thời gian trải nghiệm

Cô Vương Thị Hằng, giáo viên Trường Trung học phổ thông Đàm Quang Trung (Cao Bằng) nói rằng, bản thân cô không quá đặt nặng vấn đề giao bài tập Tết cho học sinh. Thay vào đó, cô chỉ định hướng để học sinh có kế hoạch ôn tập phù hợp. Điều này sẽ giúp các em học sinh chủ động hơn và hưởng thụ trọn vẹn ngày nghỉ Tết.

Đồng quan điểm trên, thầy Trần Văn Hiếu, giáo viên bộ môn Ngữ văn trường liên cấp QTHSCHOOL Thanh Hóa cho biết, thay vì giao các phiếu soạn bài, phiếu bài tập cho học sinh trong dịp Tết thì thầy sẽ có phiếu giao nhiệm vụ. Chủ yếu là những nhiệm vụ liên quan đến kĩ năng sống, các hoạt động giúp đỡ, chia sẻ công việc dọn dẹp nhà cửa với bố mẹ của các em học sinh.

Có nên giao bài tập về nhà cho học sinh trong dịp Tết Nguyên đán? - Ảnh 1.

Thầy Trần Văn Hiếu, giáo viên bộ môn Ngữ văn trường liên cấp QTHSCHOOL Thanh Hóa và học sinh. Ảnh: NVCC

"Đối tượng học sinh của tôi là các em lớp 6, lớp 7. Chính vì thế, tôi muốn các em có thật nhiều hoạt động và trải nghiệm trong dịp Tết. Các phiếu giao nhiệm vụ của tôi không đòi hỏi nhiều về mặt kiến thức mà chỉ tập trung vào kĩ năng, hành động. Học sinh cần trực tiếp tham gia vào các hoạt động phụ giúp bố mẹ để có thêm các trải nghiệm, khoảnh khắc ý nghĩa bên gia đình." Thầy Trần Văn Hiếu chia sẻ. 

Từ góc độ là một phụ huynh, chị Mai Thu Hương (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: "Tôi nghĩ rằng việc giao bài tập vào dịp Tết nguyên đán cho các em học sinh là việc làm không thực sự cần thiết. Vì rõ ràng, trong những ngày nghỉ Tết, tất cả mọi người đều muốn được vui chơi và nghỉ ngơi, rất ít người phải làm việc, ngoại trừ những công việc đặc thù. Thầy cô chỉ yêu cầu các em làm những bài đơn giản, chiếm không quá nhiều thời gian để các em có niềm vui trọn vẹn bên gia đình."

Giao bài tập phù hợp, không chiếm nhiều thời gian

Theo PGS.TS. Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội), giao bài tập trong dịp Tết cho học sinh cũng là một trong những hoạt động nhằm để kiểm tra, đánh giá năng lực tự học của học sinh. Tuy nhiên, tùy vào từng đối tượng mà thầy cô có thể lựa chọn các bài tập phù hợp.

Với các em học sinh cuối cấp như lớp 9 và lớp 12, đòi hỏi quá trình ôn luyện kéo dài và ở giai đoạn nước rút nên việc tranh thủ thời gian là điều rất quan trọng. Ngược lại, với các em học sinh tiểu học, đặc biệt ở các khối 1, 2, 3 thì thầy cô nên để các em có thời gian vui chơi bên gia đình.

photo-1673584499352

Thầy cô nên giao những nhiệm vụ thiết thực cho học sinh trong dịp Tết

Cũng theo PGS.TS. Trần Thành Nam, phụ huynh và học sinh đừng nghĩ rằng bài tập về nhà trong dịp Tết là con "ngáo ộp" đáng sợ. Miễn là các thầy cô phải xác định rằng bài tập đó không chỉ để ôn luyện kiến thức trong sách vở mà hãy thay bằng những nhiệm vụ và hành động thiết thực, bổ ích. Chẳng hạn thầy cô có thể yêu cầu các em phụ giúp gia đình dọn dẹp nhà cửa, cùng nấu một món ăn hay cắm một bình hoa, trích một phần tiền lì xì Tết để quyên góp, ủng hộ người nghèo.

Chia sẻ về việc giao nhiệm vụ Tết, thầy Trần Văn Hiếu cho hay: "Để vừa vận dụng kiến thức của môn học lại vừa có thêm nhiều kỉ niệm ý nghĩa bên gia đình, tôi luôn hướng học sinh tới những bài tập thực tế. Ngoài việc phụ giúp bố mẹ dọn dẹp nhà cửa hay tham gia nấu ăn, tôi vẫn có dạng bài kiến thức nhưng nhẹ nhàng hơn. Như ghi lại cảm xúc khi đón năm mới cùng gia đình hay kể lại bữa cơm chiều 30 Tết…"

Thầy Hiếu nói thêm rằng: "Việc các em quên hay thiếu kiến thức sau kì nghỉ Tết thực sự không đáng lo bằng việc các em thiếu trải nghiệm sống và thiếu những kỉ niệm, khoảnh khắc vui vẻ bên gia đình".