Phát hiện sớm, can thiệp giáo dục sớm trẻ rối loạn phát triển lan tỏa phổ tự kỷ ở tuổi mầm non

Ngô Hiển
21:19 - 09/11/2023
Công dân & Khuyến học trên

Ngày 9/11/2023, Hiệp Hội vì Giáo dục cho mọi người Việt Nam (VAEFA) phối hợp với Viện Nghiên cứu Giáo dục phát triển tiềm năng con người (IPD) trực thuộc Hội giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam (VACHE) tổ chức Hội thảo khoa học "Phát hiện sớm, can thiệp giáo dục sớm trẻ rối loạn lan tỏa phổ tự kỷ ở tuổi mầm non".

Phát hiện sớm, can thiệp giáo dục sớm trẻ rối loạn phát triển lan tỏa phổ tự kỷ ở tuổi mầm non - Ảnh 1.

Đại biểu tham dự Hội thảo "Phát hiện sớm, can thiệp giáo dục sớm trẻ rối loạn lan tỏa phổ tự kỷ ở tuổi mầm non". Ảnh: Ngô Hiển

Tham dự hội thảo có sự tham dự đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia đến từ các Bộ ngành Trung ương, các cơ sở giáo dục: Ông Nguyễn Hồng Quân – Chủ tịch Trung ương Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoàng Yến – Phó Chủ tịch Hiệp hội vì giáo dục cho mọi người Việt Nam; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Võ Kỳ Anh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người (IPD)…

Hội thảo đã nhận được nhiều bài tham dự hội thảo đến từ nhiều cơ quan khác nhau như: Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; Trường Cao đẳng sư phạm Trung ương, Câu lạc bổ Gia đình người tự kỷ Hà Nội, Trường Mầm non VSK Thăng Long; Trung tâm Sao Mai, Trung tâm COHO…

Phát hiện sớm, can thiệp giáo dục sớm trẻ rối loạn phát triển lan tỏa phổ tự kỷ ở tuổi mầm non - Ảnh 2.

Hội thảo "Phát hiện sớm, can thiệp giáo dục sớm trẻ rối loạn lan tỏa phổ tự kỷ ở tuổi mầm non". Ảnh: Ngô Hiển

Tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Võ Kỳ Anh – Viện trưởng IPD đã có báo cáo đề dẫn: "Phát hiện sớm, can thiệp giáo dục sớm trẻ rối loạn lan tỏa phổ tự kỷ ở tuổi mầm non". Được biết, Chứng tự kỷ là một loại khuyết tật phát triển suốt đời được thể hiện – rầm rộ trong vòng 3 năm đầu đời. Tự kỷ là do rối loạn của hệ thần kinh gây ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ. Tự kỷ có thể xảy ra ở bất kỳ cá nhân nào không phân biệt giới tính, chủng tộc, giàu nghèo và địa vị xã hội. Tự kỷ được biểu hiện ra ngoài bằng những khiếm khuyết về tương tác xã hội, khó khăn về giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, và hành vi sở tích và hoạt động mang tính hạn hẹp và lặp đi lại – Theo nghị quyết số A/RES/62/139 của Liên Hợp quốc.

Phát hiện sớm, can thiệp giáo dục sớm trẻ rối loạn phát triển lan tỏa phổ tự kỷ ở tuổi mầm non - Ảnh 3.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Võ Kỳ Anh – Viện trưởng IPD.

Hiện nay, Rối loạn lan tỏa phổ tự kỷ đang có tỷ lệ mắc ngày càng cao trên thế giới. Những nghiên cứu ở châu Á, châu Âu, và Bắc Mỹ chỉ ra tỷ lệ người mắc rối loạn phổ tự kỷ có tỷ lệ trung bình là 1% dân số. Tại Việt Nam, hiện chưa có số liệu thống kê chính thức về số lượng người mắc chứng tự kỷ ở trong nước. Theo thống kê của ngành giáo dục Hà Nội, tự kỷ là khuyết tật có tỷ lệ cao nhất ở trường học, chiếm 30% số trẻ mắc các khuyết tật học đường, nhưng con số đó chưa nói lên hết thực trạng, vì còn rất nhiều trẻ tự kỷ không thể đến trường.

Đặc trưng của người có rối loạn phổ tự kỷ bao gồm khiếm khuyết về tương tác xã hội, khó khăn về giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, cùng với những hành vi, sở thích và hoạt động mang tính hạn hẹp và lặp đi lại Với một trẻ tự kỷ, sinh hoạt quy định hằng ngày có thể không được thực hiện. Cho đến nay, các nhà nghiên cứu trên thế giới vẫn chưa tìm được nguyên nhân xác thực vì sao một đứa bé sinh ra hoàn toàn bình thường, tay chân lành lặn lại mắc rối loạn phổ tự kỷ.

Với mong muốn trẻ tự kỷ giảm thiểu những khiếm khuyết trong quá trình phát triển, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Võ Kỳ Anh hi vọng Hội thảo khoa học "Phát hiện sớm, can thiệp giáo dục sớm trẻ rối loạn lan tỏa phổ tự kỷ ở tuổi mầm non" có thể giúp:

1. Nâng cao nhận thức của giáo viên và cha mẹ trong việc phát hiện sớm, can thiệp giáo dục sớm trẻ tự kỷ ở tuổi mầm non nhằm giảm thiểu tổn thương về thể chất, tinh thần cho trẻ trong quá trình phát triển

2. Tăng cường hợp tác giữa trường mầm non và các cơ sở can thiệp để phát hiện sớm, can thiệp giáo dục sớm trẻ tự kỷ có hiệu quả.

3. Chia sẻ các bài học kinh nghiệm, các khó khăn thách thức trong phát hiện sớm, can thiệp giáo dục sớm với trẻ mần non có rối loạn lan tỏa phổ tự kỷ và xây dựng các khuyến nghị để đảm bảo chất lượng và bình đẳng trong giáo dục đối với trẻ tự kỷ.

Phát hiện sớm, can thiệp giáo dục sớm trẻ rối loạn phát triển lan tỏa phổ tự kỷ ở tuổi mầm non - Ảnh 5.

TS Mai Thị Phương - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam báo cáo. Ảnh: Ngô Hiển

Hội thảo cũng đã tiếp tục đi sâu vào trình bày và thảo luận các vấn đề: Phát hiện sớm, can thiệp giáo dục sớm nhằm giảm thiểu tổn thương về thể chất và tinh thần cho trẻ em mắc chứng tự kỷ trong quá trình phát triển; Thực trạng và mô hình phối hợp giữa trường mầm non và cơ sở can thiệp cho trẻ tự kỷ; Những khuyến nghị về nhận thức, thái độ và hành động cần thiết đối với vác gia đình có người tự kỷ.

Trong khuôn khổ cuộc hội thảo khó giải quyết được hết các vấn đề đặt ra nhưng sẽ góp phần có thêm góc nhìn, phương hướng trong việc giáo dục, can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ, giảm bớt hệ lụy về sau. Đồng thời mọi người sẽ cùng suy nghĩ tích cực hơn "thay vì ngồi nguyền rủa bóng đêm, hãy thắp lên ngọn lửa" để cùng trẻ tự kỷ vượt qua thử thách, hòa nhập cộng đồng, xã hội.

Phát hiện sớm, can thiệp giáo dục sớm trẻ rối loạn phát triển lan tỏa phổ tự kỷ ở tuổi mầm non - Ảnh 6.

Đông đảo nhà khoa học đã tham dự Hội thảo "Phát hiện sớm, can thiệp giáo dục sớm trẻ rối loạn lan tỏa phổ tự kỷ ở tuổi mầm non". Ảnh: Ngô Hiển