Phát hiện nhiều phương tiện hút cát trái phép trên sông Đà
Tổ công tác do Thủy đoàn I (Cục Cảnh sát giao thông) chủ trì, phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông Công an các địa phương kiểm tra, phát hiện các vi phạm trên của phương tiện khai thác cát trên sông Đà.
Liên tiếp phát hiện 4 tàu hút cát trái phép trên sông Đà
Ngày 27/8, Cục Cảnh sát giao thông cho biết, tổ công tác do Thủy đoàn I chủ trì, phối hợp với Công an thành phố Hà Nội, Công an tỉnh Hòa Bình, Công an tỉnh Phú Thọ, kiểm tra, phát hiện một số phương tiện hút cát trái phép trên sông Đà.
Trước đó, khoảng 9 giờ 50 phút ngày 26/8, tổ công tác phát hiện phương tiện thủy số VP-23xx đang hút cát từ lòng sông Đà khu vực giáp ranh giữa tỉnh Phú Thọ, Hòa Bình và thành phố Hà Nội lên bơm vào các khoang chứa của tàu chở biển số TH-14xx. Nhận thấy có dấu hiệu vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, Cảnh sát đã yêu cầu các thuyền viên trên phương tiện dừng ngay hoạt động, neo đậu tàu an toàn và làm việc với cơ quan công an.
Qua kiểm tra, trên phương tiện VP-23xx có 3 người, trong đó ông V.V.T. là người đại diện phương tiện, không xuất trình được giấy tờ, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn của toàn bộ thuyền viên trên tàu; không xuất trình được giấy phép khai thác cát do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp.
Trên tàu chở TH-14xx có 192m3 cát. Đại diện phương tiện là ông N.N.A. xuất trình được chứng chỉ chuyên môn phương tiện thủy nội địa; chứng chỉ chuyên môn thợ máy; giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa có hiệu lực đến ngày 13/6/2024 (đã hết hiệu lực); không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp số cát trên phương tiện.
Cũng vào khoảng 9 giờ 55 phút cùng ngày, tổ công tác kiểm tra phương tiện thủy gắn số đăng kiểm VR16037xxx đang hút cát từ lòng sông Đà lên 2 khoang chứa của tàu. Tại thời điểm kiểm tra, trên phương tiện có 2 người. Phương tiện này không kẻ, gắn biển số, hai bên mạn mỗi bên có gắn 1 hệ thống bơm hút cát gồm ống hút, ống rồng, sên hút và máy phát (tạo thành một hệ thống hút) ở hai bên mạn tàu. Lúc này, khoang chứa đã có 220m3 cát. Quá trình kiểm tra, thuyền viên làm việc trên phương tiện không xuất trình được các giấy tờ liên quan.
Tổ công tác cũng phát hiện phương tiện thủy không kẻ, gắn biển số, đang hút cát trực tiếp từ lòng sông Đà lên bơm vào các khoang chứa của tàu chở gắn biển số VP-15xx. Trên phương tiện có 3 người, trong đó ông A.V.H. là người đại diện và là quản lý trên tàu. Trong số giấy tờ ông H. cung cấp có bản photo giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa tàu hút, số đăng ký PT-26xx đã hết hiệu lực. Ngoài ra, toàn bộ thuyền viên làm việc trên phương tiện không xuất trình được giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn làm việc trên phương tiện thủy nội địa theo quy định.
Kiểm tra phương tiện tàu chở biển số VP-15xx, trên phương tiện có 2 người và khoảng 80 m3 cát (được bơm từ tàu hút có biển số đăng ký PT-26xx). Những người liên quan đến phương tiện thủy này không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp số cát trên phương tiện; không xuất trình được Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện theo quy định; toàn bộ thuyền viên làm việc trên phương tiện không xuất trình được giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn làm việc trên phương tiện thủy nội địa theo quy định.
Để phục vụ công tác xác minh xử lý vụ việc theo quy định, Tổ công tác đã mời các đơn vị chức năng xác định tọa độ khai thác cát của các phương tiện, bước đầu xác định tọa độ thuộc địa giới huyện Ba Vì (Hà Nội). Thủy đoàn I đã giao toàn bộ phương tiện, hồ sơ vụ việc cho Công an huyện Ba Vì tiếp tục xác minh xử lý theo quy định.
Căn cứ Nghị định 36/2020/NĐ-CP quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính hành vi khai thác cát trái phép như sau:
- Căn cứ điểm a khoản 6 Điều 25 Nghị định 36/2020/NĐ-CP, phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi khai thác cát trên sông, hồ không đúng phương án thực hiện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận gây sạt, lở lòng, bờ, bãi sông hoặc gây ngập úng nặng vùng đất ven sông.
- Căn cứ khoản 8 Điều 37 Nghị định 36/2020/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 15 Điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP) quy định phạt tiền đối với hành vi khai thác cát ở vùng nước nội thủy ven biển vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) hoặc vượt quá độ sâu cho phép khai thác, cụ thể:
+ Từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với trường hợp khai thác vượt ra ngoài điểm gần nhất của ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) đến dưới 100 m hoặc vượt quá độ sâu cho phép đến dưới 02 m;
+ Từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với trường hợp khai thác cát; sỏi vượt ra ngoài điểm gần nhất của ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) từ 100 m đến dưới 200 m hoặc vượt quá độ sâu cho phép từ 02 m đến dưới 05 m;
+ Trường hợp khai thác vượt ra ngoài điểm gần nhất của ranh giới khu vực được phép khai thác (theo bề mặt) từ 200 m trở lên hoặc vượt quá độ sâu cho phép từ 05 m trở lên được coi là hành vi khai thác khoáng sản mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì bị áp dụng mức phạt tiền cao nhất tương ứng quy định tại điểm e khoản 1 và điểm e khoản 2 Điều 48 Nghị định 36/2020/NĐ-CP.
- Căn cứ khoản 1 Điều 48 Nghị định 36/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 23 Điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP) quy định phạt tiền đối với hành vi khai thác cát trái phép, sỏi lòng sông, suối, hồ, cửa sông; cát, sỏi ở vùng nước nội thủy ven biển mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cụ thể như sau:
+ Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm dưới 10 m3;
+ Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm từ 10 m3 đến dưới 20 m3;
+ Từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm từ 20 m3 đến dưới 30 m3;
+ Từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm từ 30 m3 đến dưới 40 m3;
+ Từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm từ 40 m3 đến dưới 50 m3;
+ Từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng khi tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm từ 50 m3 trở lên.
Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II và Chương III Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt đối với hộ kinh doanh; chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện hành vi vi phạm hành chính không thuộc phạm vi, thời hạn được doanh nghiệp ủy quyền áp dụng như đối với mức phạt của cá nhân.
Mức phạt tiền đối với tổ chức (kể cả chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền của doanh nghiệp) gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân, căn cứ khoản 1 Điều 5 Nghị định 36/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2022/NĐ-CP).
Hành vi khai thác cát, sỏi trái phép có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 227 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi điểm a, điểm b khoản 54 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017)
Tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên
1. Người nào vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google