"Đói" cát khiến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau chậm tiến độ

Trang Linh
09:44 - 06/09/2023
Công dân & Khuyến học trên

Toàn tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dự kiến cần 18,1 triệu m3 cát đắp nền. Tuy nhiên, đến nay, lượng cát đưa về công trình chỉ đạt khoảng 8% tổng nhu cầu.

cao tốc cần thơ - cà mau

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đoạn qua Hậu Giang. Ảnh: Tân Lộc

Tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà với lãnh đạo các tỉnh thành miền Tây về tiến độ các dự án trọng điểm trên địa bàn ngày 5/9, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận Trần Văn Thi cho biết việc giải phóng mặt bằng cao tốc Cần Thơ - Cà Mau hiện đạt trên 98%, song dự án mới hoàn thành được 9% khối lượng công việc.

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dài 110 km, các tuyến nối khoảng 25 km, rộng 17m, 4 làn, tổng vốn đầu tư hơn 27.200 tỉ đồng. Công trình khởi công đầu năm 2023 và được xem là tuyến quan trọng nhất Đồng bằng sông Cửu Long khi kết nối nhiều tỉnh thành với 128 cây cầu.

Theo Giám đốc Ban quản lý Mỹ Thuận, dự án đặt mục tiêu đạt 35% giá trị các hợp đồng xây lắp ngay trong năm 2023. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là thiếu cát đắp nền, dẫn đến tiến độ dự án đang chậm khoảng ba tháng. Trong điều kiện đó, nhà thầu đang triển khai đào đắp hữu cơ, thi công các cầu, đường công vụ.

Toàn tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dự kiến cần 18,1 triệu m3 cát đắp nền. Tuy nhiên, đến nay, lượng cát đưa về công trình chỉ đạt khoảng 8% tổng nhu cầu. Trong khi đó, địa chất miền Tây cần 12 tháng gia tải, chờ lún. Ông Trần Văn Thi nhận định, nguồn cát về càng chậm sẽ càng ảnh hưởng đến tiến độ công trình.

Cục trưởng Cục Quản lý Đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông vận tải) Lê Quyết Tiến cho biết lãnh đạo Chính phủ đã trực tiếp kiểm tra, làm việc và có nhiều văn bản chỉ đạo các tỉnh bố trí đủ nguồn vật liệu để đẩy nhanh tiến độ các dự án cao tốc trong vùng. Đặc biệt là giao chỉ tiêu cho các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long ưu tiên bố trí ngay cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

An Giang đã thống nhất bố trí cho dự án 3,3 triệu m3 trong năm 2023. Tuy nhiên, địa phương mới cung ứng được 0,11 triệu m3 đã phải tạm dừng do bị thu hồi giấy phép, doanh nghiệp khai thác bị khởi tố, điều tra. Số cát cho năm 2024 chưa có phương án. 

Tương tự, phía Đồng Tháp cam kết bố trí đủ cho dự án 3,3 triệu m3. Đến nay, nhà thầu đã khai thác đưa về công trình hơn 0,37 triệu m3 và dự kiến tiếp tục cấp thêm 1,3 triệu m3. Các mỏ còn lại đang khảo sát.

Còn Vĩnh Long được giao cung ứng 2,5 triệu m3 cát, hiện địa phương đã hướng dẫn các nhà thầu thực hiện thủ tục khai thác tại hai vị trí mỏ với tổng trữ lượng khoảng 1,38 triệu m3. Phần còn lại dự kiến khai thác vào tháng 12 tới.

Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Long đang tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giao nhà thầu làm thủ tục khai thác thêm ba mỏ cát tổng trữ lượng khoảng 3,2 triệu m3 trong năm 2024; phần còn lại địa phương chưa có kế hoạch.

Vướng mắc trong cơ chế giao mỏ cát khiến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có thể chậm tiến độ

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, địa phương dành mọi ưu tiên cao nhất về nguồn vật liệu cho các công trình trọng điểm. Tuy nhiên, vấn đề khó nhất hiện nay là cơ chế giao mỏ cát. Thủ tướng chỉ đạo giao cho nhà thầu thi công công trình, nhưng việc này khó kiểm soát.

Tỉnh An Giang cũng đang đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét cấp phép lại cho 6 mỏ bị thu hồi giấy phép theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, có trữ lượng 4,5 triệu m3.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cam kết muộn nhất ngày 20/9 sẽ hoàn tất các thủ tục để cung ứng đủ lượng cát cho công trình theo chủ trương Thủ tướng giao. 

Ông Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh, vấn đề chúng tôi chưa an tâm là đánh giá tác động tổng thể các mỏ các miền Tây, nhất là trên sông Tiền, sông Hậu, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân khi khai thác sản lượng lớn trong thời gian ngắn.

Cẩn trọng đánh giá tác động môi trường khi khai thác cát phục vụ thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị trong tháng 9, các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long cùng sự hỗ trợ của các bộ, ngành liên quan phải hoàn thành thủ tục để cung ứng nguồn cát cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau như cam kết. 

Đồng thời, các địa phương xem xét gia hạn, nâng công suất khai thác các mỏ cát trong quy hoạch, khả năng cho phép để phục vụ các công trình cao tốc trọng điểm trong khu vực.

Phó Thủ tướng yêu cầu việc khai thác cát phải hết sức cẩn trọng, tránh gây sạt lở, ảnh hưởng dòng chảy. Nhà thầu thi công được giao mỏ cát phải chịu trách nhiệm tổ chức khai thác, quản lý, đảm bảo phục vụ tốt cho công trình.

Lãnh đạo Chính phủ cũng đồng ý thành lập tổ công tác gồm Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài Nguyên - Môi trường cùng các địa phương, chuyên gia nghiên cứu, đánh giá hiện trạng các mỏ cát ở miền Tây, tác động môi trường... để có phương án khai thác hợp lý nhất trong khi chờ kết quả nghiên cứu sử dụng nguồn cát biển phục vụ công trình trọng điểm.