Phát hiện một loại tế bào miễn dịch có thể tiêu diệt các khối u ung thư
Nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng các tế bào ILC2 trong cơ thể người có thể được nhân lên số lượng lớn ở bên ngoài cơ thể và sử dụng để loại bỏ các tế bào ác tính (cả ung thư máu và khối u rắn) một cách hiệu quả.
Nghiên cứu đột phá mở đường cho phương pháp điều trị ung thư mới
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell, các nhà khoa học tại Bệnh viện City of Hope (Mỹ) đã phát hiện ra rằng một loại tế bào miễn dịch trong cơ thể con người, vốn quan trọng đối với dị ứng và các phản ứng miễn dịch khác, cũng có thể tấn công các tế bào ung thư. Những tế bào này được gọi là tế bào lympho bẩm sinh loại 2 của người (ILC2), có thể nhân rộng bên ngoài cơ thể và sử dụng số lượng lớn để chế ngự khả năng phòng vệ của khối u và loại bỏ các tế bào ác tính trên các con chuột bị ung thư. ILC2 rất hiếm trong cơ thể và được tìm thấy với số lượng cao nhất ở phổi, ruột và da.
Tác giả chính - Giáo sư, Tiến sĩ Jianhua Yu tại City of Hope cho biết: "Nhóm nghiên cứu đã xác định tế bào ILC2 của con người là "thành viên" mới trong tập hợp tế bào có khả năng tiêu diệt trực tiếp tất cả các loại ung thư, bao gồm cả ung thư máu và khối u rắn".
Trong tương lai, những tế bào này có thể được sản xuất, bảo quản đông lạnh và sau đó dùng cho bệnh nhân. Không giống như các liệu pháp dựa trên tế bào T, vốn bắt buộc phải sử dụng tế bào của chính bệnh nhân do đặc điểm cụ thể của chúng, ILC2 có thể được lấy từ các người hiến tặng khỏe mạnh, mở đường cho một phương pháp trị liệu tiềm năng khác biệt.
Trong các nghiên cứu trước đây tập trung vào tế bào chuột, ILC2 không cho thấy sự hứa hẹn nhất quán khi xem xét khả năng tiêu diệt ung thư. Tuy nhiên, trong các phòng thí nghiệm có tính chuyển dịch cao tại City of Hope, các nhà nghiên cứu đã ưu tiên kiểm tra tế bào người và phát hiện ra rằng ILC2 của con người không hoạt động giống như ILC2 của chuột.
Đồng tác giả Michael Caligiuri cho biết: “Thông thường, thử nghiệm trên chuột đáng tin cậy để dự đoán khả năng miễn dịch của con người. Vì vậy, thật ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng ILC2 ở người có chức năng tiêu diệt ung thư trực tiếp trong khi ở chuột thì không".
Để kiểm tra ILC2 ở người, nhóm nghiên cứu đã phân lập các tế bào từ mẫu máu. Sau đó, họ phát triển một nền tảng mới có thể nhân lượng ILC2 thu được từ cơ thể lên gấp 2.000 lần trong vòng 4 tuần. Tiếp theo, họ tiêm các ILC2 bên ngoài này vào những con chuột được cấy ghép bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính ở người (AML) hoặc các khối u rắn, bao gồm ung thư tuyến tụy, ung thư phổi và u nguyên bào thần kinh đệm. Kết quả cho thấy quần thể ILC2 có thể tiêu diệt các khối u này thông qua cơ chế tiêu diệt ung thư chưa được biết đến trước đây.
Tác giả Jianhua Yu giải thích: “Một bằng chứng trực tiếp và thuyết phục đã xuất hiện khi chúng tôi đặt trực tiếp ILC2 và một tế bào ung thư lại với nhau và phát hiện ra rằng khối u đã chết, nhưng tế bào ILC2 vẫn sống sót. Điều này chứng tỏ rằng ILC2 trực tiếp tiêu diệt tế bào ung thư trong trường hợp không có bất kỳ tế bào nào khác”. Điều khác biệt là ILC2 không cần phải lấy từ tế bào của chính bệnh nhân ung thư, nghĩa là có khả năng lấy và đông lạnh ILC2 từ những người hiến tặng khỏe mạnh.
Các nhà nghiên cứu kỳ vọng có thể khai thác sức mạnh "tập thể" của nhiều tế bào miễn dịch khác nhau để chống lại các bệnh khác tốt hơn. Tuy nhiên, nghiên cứu vẫn đang trong giai đoạn đầu tìm hiểu chức năng tiêu diệt ung thư của ILC2 nên vẫn còn nhiều câu hỏi cần phải tìm lời giải.
Giáo sư, Tiến sĩ Jianhua Yu nhấn mạnh: “Chúng tôi thực sự mong muốn mở rộng ứng dụng của những phát hiện này ngoài việc điều trị ung thư. ILC2 thậm chí có thể có tác dụng chống lại virus, chẳng hạn như COVID-19".
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google