Giáo sư Trương Nguyện Thành: Dạy con có trách nhiệm với lựa chọn nghề nghiệp
Bàn về hướng nghiệp, Giáo sư Trương Nguyện Thành (Đại học Utah, Mỹ) nêu quan điểm cha mẹ hãy cho con cơ hội để quyết định cuộc đời của mình vì như thế con mới có trách nhiệm với quyết định đó.
Suy nghĩ giùm con - khuynh hướng chung của cha mẹ
Ở Việt Nam, khá nhiều phụ huynh có suy nghĩ hướng nghiệp cho con trẻ là khuyến khích con học một ngành nào đó với những lý do chính đáng như khả năng tìm được việc làm sau khi ra trường với mức lương cao mà cha mẹ nghĩ là tốt và phù hợp cho tương lai của con. Phần khác họ suy nghĩ rằng con còn nhỏ nên không biết gì về xã hội bên ngoài nên cha mẹ nên là người suy nghĩ dùm cho con.
Nếu bạn có suy nghĩ ấy thì cũng hợp lý ở một góc nhìn nào đó. Nếu phụ huynh có suy nghĩ này thì thường ít khi cân nhắc việc liệu con có thích với công việc sau khi ra trường hay con sẽ phải là người sống với công việc ấy chứ không phải cha mẹ.
Giáo sư Trương Nguyện Thành (Đại học Utah, Mỹ) nêu quan điểm về vấn đề này như sau:
"Tôi từng gặp sinh viên học ngành mà cha mẹ chọn xong rồi bỏ đi học lại. Hoặc ra trường làm một thời gian ngắn rồi bỏ đi học hay làm việc khác. Đó có phải là một lãng phí về thời gian và cơ hội của chính bản thân người đó mà còn lãng phí cho xã hội nếu chuyện đó xảy ra hay không?" - Giáo sư chia sẻ.
Nhiều trường đại học có những chương trình hướng nghiệp cho các học sinh trung học phổ thông. Các chương trình này phần lớn giải thích về môi trường làm việc, nhu cầu về kỹ năng, tính cách cũng như kiến thức của một số ngành nghề và có khả năng có bài đánh giá tâm lý học để hướng người có loại tính cách đến một số ngành nghề phù hợp.
Thoáng xem qua thì có vẻ có khoa học và hợp lý, phải không? Tuy nhiên có một vấn đề nhỏ ở đây đó là sở thích và nhiều khi cả tính cách của một người thay đổi theo thời gian với những thay đổi trong môi trường sống. Thêm nữa, môi trường công việc khi các bạn ấy ra trường và đi làm có thể sẽ khác nhiều với bây giờ. Vậy liệu rằng ta đưa lời khuyên dựa trên những gì hiện tại có phù hợp cho người đó với khả năng thay đổi ở cá nhân người đó và môi trường sống trong tương lai?
Cũng có nhiều người thành công khuyên rằng 'hãy theo đuổi đam mê' nhưng có một vấn đề bạn chỉ biết đam mê của mình khi đã trải nghiệm được nhiều thứ. Đứa trẻ suốt ngày chỉ biết đến trường để học, rồi học thêm… thì làm gì biết được đam mê của mình là gì và liệu suy nghĩ về đam mê ấy có đúng.
Nhận định đúng tác dụng của sở thích và đam mê
Thế làm sao bạn biết mong muốn hay hi vọng của mình là đúng? Bạn sẽ không biết câu trả lời cho đến khi hành trình đó đem lại kết quả không như mong muốn của bạn. Vậy chúng ta nên nghĩ hướng nghiệp sao cho đúng đây?
Giáo sư Trương Nguyện Thành chia sẻ, thật sự không có câu trả lời nào nghe có lý nếu có một trong những nhận định trên.
"Tôi chỉ chia sẻ trải nghiệm dạy con của mình thôi" - ông nói.
Tôi khuyên Takara - con tôi nên suy nghĩ về tương lai và điều mình muốn làm và cứ mạnh dạn làm nó. Nên đánh giá thường xuyên điều mình đang làm và mong muốn cho tương lai rồi điều chỉnh lại nếu cần thiết. Còn làm gì thì con cứ quyết định.
Khi còn nhỏ, Takara là đứa trẻ năng động, lúc nào cũng táy máy làm gì hay chơi gì chứ không thích ngồi yên một chỗ kể cả để đọc sách. Lớn dần, Takara thích lắp ráp trò chơi legos rồi thời teen phá máy móc, sửa xe đạp. Thời trung học bạn ấy là đội trưởng của hai đội Robotics ở hai trường phổ thông khác nhau.
Ngành Cơ khí Robotics là ngành bạn ấy chọn khi vào đại học. Thế là bạn ấy có quyết định đúng, phải không các bạn? Mọi thứ cảm thấy khá ổn. Takara tham gia nghiên cứu khoa học trong một phòng thí nghiệm robotics. Thế là đúng bài, phải không các bạn? Thưa không.
Năm cuối đại học, sau một cuộc thi đấu về thách thức làm sản phẩm trong 48 giờ. Đội cậu ta thắng về làm một app đầu tư chứng khoán với ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Một hôm cậu ta nói với cha "Thử thách lớn nhất cho robots trong tương lai là làm sao cho con robots đủ thông minh để học chứ không phải ở phần cứng". Thế là cậu ta quyết định đổi hướng qua học trí tuệ nhân tạo trong khoa học máy tính (computer science). Một ngành với môi trường làm việc, yêu cầu về tư duy và kiến thức khá khác với robotics.
Sau hai năm ngụp lặn với chương trình cao học AI ở Stanford, cậu ta giờ có thể gọi là bắt đầu phát triển. Hôm qua Takara nói một câu mà tôi có cảm nhận là con đã tìm thấy con đường đi tương lai cho riêng mình - "xưa con học robotics làm ra con robots, giờ con qua nghiên cứu về robotics nhưng không có con robots". Cậu ta cười sảng khoái.
Qua trải nghiệm trên tôi cho rằng hãy cho con cơ hội để quyết định cuộc đời của mình vì như thế con mới có trách nhiệm với quyết định của mình. Mọi thứ đều có cái giá của nó. Ai là người quyết định thì người đó nên là người trả giá cho quyết định của mình. Hướng nghiệp cũng nên vậy!
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google