Phân công đầu năm học, nếu ai cũng chọn việc nhẹ nhàng…

Ngọc Trân
14:21 - 12/08/2023
Công dân & Khuyến học trên

Câu chuyện phân công giảng dạy đầu năm học là việc làm thường niên của các nhà trường. Làm thế nào để phân công thuận lợi và giáo viên đặt lợi ích tập thể lên trên hết?

phân công đầu năm học, nếu ai cũng chọn việc nhẹ nhàng… - Ảnh 1.

Khơi gọi tinh thần trách nhiệm của mỗi giáo viên khiến họ sẵn sàng đảm nhiệm việc khó là việc các nhà trường phải đối mặt khi chuẩn bị vào năm học mới.

Có những giáo viên luôn né công tác chủ nhiệm lớp, có giáo viên chỉ muốn dạy lớp đầu cấp và cuối cấp để thuận lợi trong công tác quản lý học trò.

Vì thế, có những tổ chuyên môn khi thực hiện dự kiến phân công có những cự cãi và không thực hiện được. Nhiều lúc phải tạp sức ép, mời Ban giám hiệu nhà trường xuống dàn xếp và làm công tác tư tưởng với giáo viên. 

Nhiều giáo viên lựa chọn khối đầu và cuối cấp học

Một tổ trưởng môn Toán của một trường Trung học cơ sở chia sẻ: "khi làm dự kiến phân công của tổ, tôi đã cho giáo viên chọn khối dạy để tiện lợi cho việc phân công và giảng dạy sau này. Tuy nhiên, điều bất ngờ là 11/11 giáo viên trong tổ chuyên môn đều lựa chọn khối 6 và khối 9, không có giáo viên nào lựa chọn dạy khối 7 và 8 cho năm học tới đây. Tổ chuyên môn đã họp nhưng không giải quyết được vấn đề này và phải mời Ban giám hiệu xuống họp cùng mới có thể giải quyết ổn thỏa".

Mấu chốt của vấn đề là lớp 6 thường là học sinh đầu cấp nên nền nếp khá ngoan, các em nghe lời giáo viên. Lớp 9 thì bước vào cuối cấp, chuẩn bị thi tuyển sinh 10 nên học sinh cũng không dám quậy phá. Nếu học sinh quậy phá trong lớp sẽ bị cô lập, vì phần lớn học sinh trong lớp phải chú ý trong học tập để chuẩn bị cho thi cử ở cuối năm khi chuyển cấp.

Chính vì thế, học sinh lớp 6 và lớp 9 so với 2 lớp còn lại sẽ ít quậy phá hơn, chăm ngoan và nghe lời giáo viên hơn. Dạy những lớp này, giáo viên không quá mệt mỏi trong việc quản lý lớp khi giảng dạy.

Ngược lại, lớp 7 và lớp 8 là những lớp đã quen với trường lớp, không dính dáng với thi cử cuối cấp. Đặc biệt, đây là lứa tuổi dậy thì của học sinh nên tâm sinh lý có những thay đổi rất lớn. Một bộ phận học sinh vào lớp không chú tâm cho chuyện học hành, quậy phá, nhiều em đánh nhau. Thậm chí, một số em còn hỗn láo, cãi lại thầy cô nên một số giáo viên vẫn luôn có tâm lý né lớp 7, lớp 8 khi được lựa chọn hoặc phân công.

Vì vậy, khi phân công đầu năm học, giáo viên nào cũng muốn chọn lớp đầu cấp và lớp cuối cấp, còn những lớp cuối cấp không giáo viên nào muốn đảm nhiệm. Lúc này, đảm bảo sự hài hòa trong công việc là điều mà Ban giám hiệu và tổ trưởng chuyên môn phải "đau đầu" nhằm hướng đến để đảm bảo công việc và ai cũng có thể chia sẻ công việc chung của nhà trường.

Tâm lý của một số giáo viên là ngại chủ nhiệm lớp

Nếu như ở cấp Tiểu học, trừ giáo viên chuyên (Âm nhạc; Mĩ thuật; Tiếng Anh; Thể dục; Tin học) ra thì những giáo viên còn lại đương nhiên là phải chủ nhiệm lớp. Hoặc, những tổ chuyên môn ở cấp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông mà thừa giáo viên thì việc phân công giáo viên chủ nhiệm lớp khá đơn giản. Tuy nhiên, đối với những tổ còn thiếu số tiết ít, mỗi tổ hàng chục giáo viên nhưng chỉ có một vài giáo viên chủ nhiệm thì tâm lý một số thầy cô khi được phân công công việc này thường muốn né cho người khác.

Số tiết học khi kiêm nhiệm chủ nhiệm lớp là 4 tiết/tuần, nhưng nhiều giáo viên quan niệm "thà chọn dạy hết số tiết để không phải làm những công việc không tên". Giáo viên chủ nhiệm dù được giảm 4 tiết/ tuần nhưng đầu năm học phải vận động học sinh vào lớp (nếu có học sinh có nguy cơ bỏ học); đầu giờ 15 phút phải vào kiểm tra lớp trong những tuần học đầu tiên; thu tiền học sinh; họp phụ huynh; xử lý học sinh khi vi phạm; liên hệ với học sinh khi học sinh vắng, trốn tiết; làm thêm nhiều sổ sách, nhận xét học trò cuối năm; tham gia ngoại khóa, các phong trào với học trò lớp mình…

Những "công việc không tên" ấy có thể không vất vả nhưng mất khá nhiều thời gian và khi lớp có chuyện gì thì trách nhiệm chính đều đổ lên vai giáo viên chủ nhiệm. Vì thế, giáo viên có thể né được là họ né. Nhiều giáo viên viện đủ lý do để chối từ, có người con nhỏ, có người vợ/chồng đi suốt ngày, có người cha mẹ già phải chăm sóc, có người thì nhà xa… Bởi vậy, công việc phân công đầu năm học của nhiều tổ chuyên môn, nhà trường vẫn hay xảy ra chuyện cự cãi với nhau. Nếu không được phân công theo ý muốn, một số giáo viên còn cho rằng mình bị "đì".

Công việc, nhiệm vụ và con người cụ thể thì tổ chuyên môn dự kiến và nhà trường phân công chính thức, tuy nhiên, thực tế không thể đáp ứng được toàn bộ yêu cầu của giáo viên trong tổ, trong trường. Lớp học nào cũng phải có giáo viên giảng dạy, lớp học nào cũng phải có giáo viên chủ nhiệm lớp và phương châm chung là "gói ghém" chừng ấy con người cho công việc cả năm học để phân công đúng số tiết giảng dạy theo định mức và làm sao hạn chế tối đa việc thừa giờ của giáo viên. Vì thừa giờ là phải chi trả thêm tiền ngoài giờ cho giáo viên. Trong khi, các trường công lập thực hiện kinh phí khoán hằng năm.

Sự hài hòa trong công việc, lợi ích của cá nhân, đơn vị là điều mà Ban giám hiệu nhà trường và các tổ trưởng chuyên môn sẽ hướng đến. Vì thế, ngoài sự đáp ứng theo yêu cầu giáo viên, sở trường, ưu điểm của từng giáo viên thì phải đảm bảo được số tiết của các giáo viên trong tổ, trong trường với nhau. Nếu như "ai cũng chọn việc nhẹ nhàng" thì những công việc khó khăn ai sẽ gánh vác?

Nếu giáo viên trong mỗi nhà trường hiểu, thông cảm, sẻ chia công việc với nhau, hiểu được trách nhiệm của người giáo viên thì công việc phân công đầu năm học sẽ trở nên đơn giản. Thế nhưng, đâu đó vẫn có những chuyện tị nạnh, so bì và dẫn đến cự cãi, phản đối - khiến cho việc phân công đầu năm học trở nên nặng nề, mệt mỏi.