Phải tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý giáo dục

PV
12:17 - 05/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Một trong những nhiệm vụ trong tâm của năm học 2022-2023 được Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt ra đối với giáo dục trung học là phải tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý giáo dục; thực hiện quản trị trường học dân chủ, kỷ cương, nền nếp, chất lượng và hiệu quả.

Ngày 4/8, tại Thừa Thiên Huế, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị "Tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 đối với giáo dục trung học".

Ngành Giáo dục và Đào tạo đạt nhiều kết quả đáng khích lệ

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết năm học 2021-2022 là một năm học đặc biệt cũng là năm dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến ngành Giáo dục và Đào tạo.

Tuy nhiên, toàn ngành đã chủ động thực hiện chương trình bằng việc dạy học trực tuyến. Do đó đã hoàn thành 3 mục tiêu đề ra là an toàn phòng chống dịch, hoàn thành chương trình năm học theo đúng kế hoạch, kiên trì mục tiêu chất lượng.

Phải tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý giáo dục - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Hải - Dương

Kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 tiếp tục được duy trì và giữ ổn định so với năm 2021 với tỉ lệ tốt nghiệp 98,57% (đối với thí sinh trung học phổ thông đạt 99,16%).

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2021-2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn; trên cơ sở đó các cơ sở giáo dục đã tổ chức triển khai dạy học duy trì chất lượng, bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19.

Năm học qua, ngành Giáo dục và Đào tạo có nhiều kết quả đáng khích lệ như kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia tiếp tục đổi mới và đạt được kết quả tốt; các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế đạt thành tích cao. Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 bảo đảm nghiêm túc, an toàn, tạo sự đồng thuận và ủng hộ của phụ huynh học sinh. Công tác phổ cập giáo dục cấp trung học cơ sở được các địa phương quan tâm, duy trì. Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia đạt được nhiều thành quả...

Tuy nhiên, công tác chuẩn bị điều kiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 của một số địa phương còn hạn chế. Việc triển khai đổi mới phương pháp, hình thức dạy học, kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học còn chậm; một số cơ sở giáo dục còn cứng nhắc trong triển khai chương trình...

Phải tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý giáo dục - Ảnh 3.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Xuân Thành phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Hải - Dương

4 nhiệm vụ trong tâm của năm học mới

Với những kết quả đã đạt được và hạn chế còn tồn tại, tại Hội nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ 4 nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục trung học năm học 2022-2023.

Thứ nhất bảo đảm an toàn trường học; chủ động, linh hoạt thực hiện chương trình, kế hoạch năm học để sẵn sàng ứng phó với dịch COVID-19 và các tình huống bất thường khác.

Thứ hai, triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; tiếp tục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2006 đối với lớp 8, lớp 9, lớp 11 và lớp 12; bảo đảm hoàn thành chương trình năm học đáp ứng yêu cầu về chất lượng giáo dục trong tình huống có diễn biến phức tạp của dịch và các tình huống bất thường khác.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh công tác đảm bảo chất lượng giáo dục; chú trọng phát triển mạng lưới trường, lớp, đội ngũ nhà giáo và cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

Thứ tư, phải tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý giáo dục; thực hiện quản trị trường học dân chủ, kỷ cương, nền nếp, chất lượng và hiệu quả giáo dục trong các cơ sở giáo dục trung học.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh đến việc bảo đảm về chi thường xuyên cho giáo dục. Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2022 quy định định mức phân bổ chi sự nghiệp giáo dục. Trong đó yêu cầu tỷ lệ tối thiểu chi thường xuyên cho hoạt động giảng dạy, học tập là 19% so với tổng chi sự nghiệp giáo dục. Cần phải bảo đảm được tỷ lệ mức chi này trong các nhà trường.

Cùng với đó là hướng tới xây dựng văn hóa chất lượng trong nhà trường với việc tăng cường kiểm định chất lượng và xây dựng trường chuẩn quốc gia; tăng cường kiểm tra, đánh giá; đổi mới công tác quản lý và xây dựng văn hóa nhà trường…

Nguồn: Tổng hợp