Ông "Phúc Khuyến học": nhận nhiệm vụ là hết mình

Trung Hiếu - Hội Khuyến học Quảng Nam
10:03 - 07/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Ông Nguyễn Phúc, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Bình Phục, huyện Thăng Bình. tỉnh Quảng Nam có tâm niệm “đã nhận nhiệm vụ là hết mình”.

Ông Nguyễn Phúc đã dành hết tâm huyết, trí tuệ của mình phục vụ công tác khuyến học, góp phần đưa phong trào khuyến học, khuyến tài ở huyện Thăng Bình, Quảng Nam ngày càng mở rộng, đậm nét.

Tận tâm với công tác khuyến học

Với 65 năm tuổi đời, gần 40 năm tuổi Đảng, ông Nguyễn Phúc vẫn miệt mài với công tác khuyến học tại cơ sở. Sau khi về nghỉ chế độ, năm 2017, ông Nguyễn Phúc được địa phương tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Khuyến học xã Bình Phục. Từ khi gắn bó với công tác hội, ông Phúc đã tích cực tìm tòi, nghiên cứu các tài liệu về công tác khuyến học, đồng thời thường xuyên tham khảo cách làm hay của những địa phương có phong trào khuyến học tiêu biểu để học tập. 

Ông "Phúc Khuyến học": nhận nhiệm vụ là hết mình  - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Phúc trao quà khuyến học cho học sinh nghèo học giỏi

Trên cương vị là Chủ tịch Hội Khuyến học, ông Phúc cùng Ban Thường vụ Hội Khuyến học xã xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động sát với thực tiễn của địa phương, tìm ra mô hình học tập phù hợp.

Toàn xã Bình Phục hiện có 20 chi hội, ban khuyến học trực thuộc với 1.875 hội viên. Ông Nguyễn Phúc cùng với Thường trực Hội Khuyến học tích cực tham mưu cho Ủy ban Nhân dân xã Bình Phục thành lập Ban chỉ đạo xã hội học tập ở xã và các văn bản phát động đăng ký, công nhận các mô hình học tập. Đến nay toàn xã đã xây dựng được 2.024/2.810 gia đình học tập, đạt tỷ lệ 72%; 14/17 dòng họ học tập, đạt 82%; xây dựng cộng đồng học tập ở 3/4 thôn, đạt tỷ lệ 75% và có 4/4 đơn vị học tập. 

Ông Phúc cho rằng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền hơn nữa để mọi người, mọi nhà nhận thức sâu sắc về vai trò, tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, từ đó chung tay xây dựng phong trào khuyến học, khuyến tài ngày một phát triển. Với ông, làm công tác khuyến học phải có tâm và am hiểu thực tế địa phương mới làm tốt được. Vì thế, ông luôn sát sao cơ sở, dành nhiều thời gian tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân, đặc biệt là các gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn để có hình thức giúp đỡ phù hợp.

Minh bạch, công khai quỹ khuyến học để huy động nguồn lực

Để bảo đảm những chương trình tài trợ cho khuyến học những năm trước được duy trì, ông cùng với Hội Khuyến học thực hiện tốt việc huy động và tiếp nhận; tận tụy khảo sát các gia đình có học sinh, sinh viên khó khăn để kịp thời giúp đỡ hoặc đề xuất xin tài trợ từ doanh nghiệp, hội khuyến học cấp trên và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài... để quản lý và sử dụng có hiệu quả các chương trình tài trợ cho khuyến học. 

Nhờ đó, nguồn lực huy động được duy trì ổn định và tăng hằng năm, góp phần đáng kể trong việc giúp được nhiều học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Trong năm 2021, Hội Khuyến học xã đã huy động và tiếp nhận nguồn lực trị giá hơn 200 triệu đồng. Từ nguồn quỹ này, Hội đã hỗ trợ học bổng, tặng nhiều hiện vật (sách, vở, xe đạp) và khen thưởng cho học sinh, sinh viên như: học bổng của tổ chức vòng tay Thái Bình, học bổng ngân hàng Carthay United Chu Lai, học bổng “Tiếp sức đến trường” của Báo Tuổi trẻ, học bổng bác sĩ Brooks... 

“Năng động, nhiệt tình, tâm huyết với công tác khuyến học, khuyến tài” - đó là lời nhận xét của những người làm khuyến học dành cho ông Nguyễn Phúc. Ông Phúc chia sẻ: “Khi làm công tác khuyến học tôi luôn trăn trở phải làm sao hạn chế được tình trạng học sinh bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn. Thêm một cháu cố gắng vượt qua nghịch cảnh, được cắp sách đến trường là chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh”.

Ông Nguyễn Phúc chia sẻ bản thân luôn trăn trở, mong muốn là làm sao vận động được nhiều nguồn quỹ để chăm lo nhiều hơn cho các em học sinh. Chính vì vậy, ông thực hiện đổi mới các hình thức vận động như vận động tiền, dụng cụ học tập, phương tiện đi học chăm lo cho học sinh nghèo, học giỏi bằng giải pháp như xây dựng quỹ hội từ nguồn ủng hộ của các nhà hảo tâm, các tập thể, cá nhân đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, doanh nhân, từ các cơ sở tôn giáo... 

Để sử dụng nguồn quỹ đúng mục đích, đúng đối tượng thì kê khai quỹ phải công khai, minh bạch để các nhà hảo tâm biết, tin tưởng và luôn đồng hành cùng Hội Khuyến học trong công tác chăm lo cho các em học sinh học giỏi. 

Ông "Phúc Khuyến học": nhận nhiệm vụ là hết mình  - Ảnh 3.

Công tác khuyến học phát triển qua từng kỳ đại hội khuyến học ở Bình Phục, Thăng Bình, Quảng Nam.

Ngoài việc được biết đến là một Chủ tịch Hội Khuyến học hết lòng vì công tác khuyến học, ông Nguyễn Phúc còn là một đảng viên, một Bí thư chi bộ tận tụy, gương mẫu, hết lòng vì công việc. Trước khi làm Chủ tịch Hội Khuyến học xã Bình Phục, ông Phúc từng làm Bí thư Chi bộ thôn Bình Hiệp.Ông luôn nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, thực hiện tốt mọi công việc được giao, đồng thời phải tạo sự đoàn kết cao trong chi bộ, sự đồng thuận của nhân dân ở khu dân cư.

Với cương vị là Bí thư Chi bộ thôn, ông đã cùng chi bộ xây dựng và thực hiện tốt mô hình học tập và làm theo Bác như: Đi họp đúng giờ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, nêu gương, dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới,... Từ việc “học tập” chuyển sang “làm theo” tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ông luôn trăn trở phải làm sao để đội ngũ cán bộ, đảng viên và người dân thấy được việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác là cần thiết, trở thành công việc thường xuyên.

Ông Nguyễn Phúc là người có tính tình hòa nhã, giản dị. Dù ở cương vị công tác nào, ông cũng luôn thể hiện tính tiên phong, gương mẫu và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong 5 năm liền (2012-2016) ông Phúc luôn đạt danh hiệu đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Ban Thường vụ Huyện uỷ Thăng Bình tặng Giấy khen, 3 năm liền (2019-2021) là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng uỷ xã Bình Phục tặng giấy khen.

Chia sẻ về những kinh nghiệm làm công tác khuyến học đem lại kết quả cao trong thời gian qua, ông Phúc cho biết: là người đảng viên phải gương mẫu, làm công tác khuyến học phải có tâm trong sáng, có uy tín, có năng lực tập hợp và vận động, biết liên kết phối hợp mọi tổ chức và cá nhân để huy động sức mạnh tổng hợp, đóng góp nguồn lực cho sự nghiệp trồng người.

Đồng thời, cần xây dựng kế hoạch chỉ đạo cụ thể, sâu sát, cùng với cơ sở tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình hoạt động. Làm tốt công tác vận động, phối hợp, liên kết các đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội người cao tuổi; tổ chức nhiều mô hình làm khuyến học sáng tạo, hợp lòng dân để đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tại địa phương...