Ông Lưu Bình Nhưỡng tiếp tục bị khởi tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi

Minh Châu
19:28 - 26/12/2023
Công dân & Khuyến học trên

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã quyết định khởi tố bổ sung bị can Lưu Bình Nhưỡng về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi. Đây là diễn biến mới trong quá trình mở rộng điều tra vụ án Cưỡng đoạt tài sản xảy ra tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Ông Lưu Bình Nhưỡng tiếp tục bị khởi tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi- Ảnh 1.

Bị can Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Thái Bình

Khởi tố bổ sung bị can Lưu Bình Nhưỡng về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi

Theo Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Thái Bình, ngày 26/12/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự số 13/QĐ-CSĐT, quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can số 05/QĐ-CSĐT đối với Lưu Bình Nhưỡng về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi quy định tại khoản 4, Điều 358 Bộ luật Hình sự. Quyết định trên đã được Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình phê chuẩn.

Đây là diễn biến mới trong quá trình mở rộng điều tra vụ án Cưỡng đoạt tài sản xảy ra tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình do cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình thụ lý, ngày 14/11/2023 đã khởi tố bị can đối với Lưu Bình Nhưỡng về tội Cưỡng đoạt tài sản quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự. 

Kết quả điều tra cho thấy: Ngoài hành vi cưỡng đoạt tài sản, trong thời gian giữ chức vụ Đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng ban Dân nguyện, Lưu Bình Nhưỡng đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Bước đầu cơ quan điều tra xác định được số tiền trục lợi hàng trăm nghìn đô la Mỹ.

Cơ quan Cảnh sát điều tra đang đẩy nhanh tiến độ điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ phục vụ việc giải quyết vụ án; đồng thời mở rộng điều tra vụ án, đảm bảo xử lý toàn diện, triệt để đúng quy định của pháp luật.

Khai trừ ông Lưu Bình Nhưỡng ra khỏi Đảng 

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 34 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương diễn ra từ ngày 18-20/12/2023 tại Hà Nội, xem xét đề nghị của Ban Thường vụ Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương về thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy: nguyên Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đã suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi; vi phạm Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cơ quan nhà nước.

Căn cứ quy định của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định kỷ luật Khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Lưu Bình Nhưỡng.

Ông Lưu Bình Nhưỡng sinh năm 1963, quê Thái Bình, là Tiến sĩ Luật. Trước khi giữ chức vụ Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông là Đại biểu Quốc hội khóa 14 (2016-2021) thuộc Đoàn đại biểu tỉnh Bến Tre, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội (2016-2021), Phó Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Việt Nam - Thụy Sĩ. Ông Nhưỡng từng là Ủy viên Thường trực Ủy ban về Các vấn đề Xã hội của Quốc hội khóa 14 (tới năm 2018).

Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi

Điều 358, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi như sau:

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian đòi, nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây dưới mọi hình thức để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ hoặc làm một việc không được phép làm, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 6 năm:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

b) Lợi ích phi vật chất.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 6 năm đến 13 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 2 lần trở lên;

c) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.