Khởi tố, bắt tạm giam Phó Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng về tội "Cưỡng đoạt tài sản"

Hồng Ngọc
12:03 - 15/11/2023
Công dân & Khuyến học trên

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã khởi tố, bắt tạm giam ông Lưu Bình Nhưỡng (sinh năm 1963) - Phó Trưởng Ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội để điều tra về tội "Cưỡng đoạt tài sản".

Khởi tố, bắt tạm giam Phó Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng về tội "Cưỡng đoạt tài sản"- Ảnh 1.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình công bố các Quyết định và Lệnh đối với ông Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh: Công an tỉnh Thái Bình

Ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt

Theo Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Thái Bình, ngày 14/11/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Lưu Bình Nhưỡng (sinh năm 1963) để điều tra về tội Cưỡng đoạt tài sản quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự.

Các Quyết định, Lệnh nêu trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình phê chuẩn.

Công an tỉnh Thái Bình cho biết, đây là kết quả điều tra mở rộng vụ án Phạm Minh Cường (sinh năm 1986, thường gọi là Cường “quắt”, trú tại xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) về tội "Cưỡng đoạt tài sản" quy định tại Khoản 4, Điều 170 Bộ luật Hình sự. Đây là đối tượng hình sự có 3 tiền án.

Quá trình bắt, khám xét, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu có dấu hiệu vi phạm pháp luật phục vụ công tác điều tra mở rộng vụ án.

Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án theo quy định.

Ông Lưu Bình Nhưỡng sinh năm 1963, quê Thái Bình, là Tiến sĩ Luật. Hiện ông là Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trước đó, ông Lưu Bình Nhưỡng là Đại biểu Quốc hội khóa 14 (2016-2021) thuộc Đoàn đại biểu tỉnh Bến Tre, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội (2016-2021), Phó Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Việt Nam - Thụy Sĩ.

Ông Nhưỡng từng là Ủy viên Thường trực Ủy ban về Các vấn đề Xã hội của Quốc hội khóa 14 (tới năm 2018).

Vụ án chiếm đoạt tiền đặc biệt nghiêm trọng

Ngày 10/5/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Phạm Minh Cường (tức Cường "quắt") về tội "Cưỡng đoạt tài sản".

Khởi tố, bắt tạm giam Phó Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng về tội "Cưỡng đoạt tài sản"- Ảnh 2.

Đối tượng Phạm Minh Cường. Ảnh: Công an tỉnh Thái Bình

Trước đó, khi biết một số doanh nghiệp được Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình cấp phép khai thác cát tại mỏ cát ven biển xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, Phạm Minh Cường và đồng bọn đã tự ý xác lập quyền sử dụng trái phép các bãi triều để sử dụng làm “phương tiện” gây sức ép, buộc các doanh nghiệp phải miễn cưỡng trả tiền theo khối lượng cát khai thác được hoặc bán lại một phần cho Cường với giá rẻ hơn giá thị trường. Với thủ đoạn trên, từ năm 2020 đến năm 2022, tổng số tiền mà Cường và đồng bọn chiếm đoạt được của các doanh nghiệp lên đến hàng tỷ đồng.

Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, bị can đã chiếm đoạt số tiền lớn, gây bức xúc trong nhân dân, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư của tỉnh. Hiện, Công an tỉnh Thái Bình đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, đặc biệt tập trung làm rõ các đối tượng có hành vi tiếp tay, giúp sức cho bị can thực hiện hành vi phạm tội để xử lý triệt để theo quy định của pháp luật.

Tội "Cưỡng đoạt tài sản"

Điều 170, Bộ luật Hình sự về tội "Cưỡng đoạt tài sản" quy định như sau:

1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.