Nguy cơ ô nhiễm vùng biển tĩnh nuôi thủy hải sản

Thụy Văn
17:48 - 24/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Nhiều vùng biển tĩnh (dạng vịnh, tùng, áng) của nước ta được xem là có lợi thế rất lớn cho nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, khi tiềm năng bị khai thác quá mức, nguy hại ô nhiễm môi trường không nhỏ.

Vùng biển huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) có 160 ngàn ha mặt nước biển thì hiện đã có tới 3.600 ha diện tích nuôi thuỷ, hải sản. Mật độ nuôi quá dày, diện tích nuôi tăng nhanh khiến khu vực này đứng trước nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng. 

Nguy cơ ô nhiễm vùng biển tĩnh nuôi thủy hải sản - Ảnh 1.

Vùng biển bị ô nhiễm khiến hàu nuôi Vân Đồn ngày càng nhỏ. Ảnh: Thụy Văn

"Chật chội" mặt biển vì nuôi hàu 

Vùng biển bị ô nhiễm khiến hàu nuôi thiếu dưỡng khí, thiếu dưỡng chất, đáy biển bị các chất thải loại trong quá trình nuôi thủy hải sản xâm chiếm. Các cục phao, xốp, dây buộc bè, dây treo hàu bị người nuôi đẩy xuống biển khi thay mới lồng, giàn nuôi. Tự làm hỏng môi trường sống của thủy hải sản khiến vật nuôi không lớn được, thời gian nuôi kéo dài, nhuyễn thể không còn vị ngon đặc sắc như nhuyễn thể tự nhiên sinh sống bằng nguồn nước trong lành của đại dương. 

Vùng biển tĩnh ở bờ biển Quảng Ninh trải dài từ Hạ Long đến Vân Đồn, Móng Cái gồm các vịnh liền kề nhau như: Hạ Long, Bái Tử Long, Vân Đồn, Tiên Yên, Móng Cái... chỉ sâu trên dưới 10m, được các dãy núi lô nhô chắn sóng ở vòng ngoài nên nước lặng và êm thuận. Cùng với đó, nguồn nước đối lưu dạng trung bình nên không đủ sức tự làm sạch trước tốc độ xả thải tăng lên hằng ngày, hằng mùa khiến vùng vịnh ngày càng ô nhiễm như ao tù. 

 - Ảnh 1.

Giàn nuôi hàu dày đặc trên mặt biển Vân Đồn (Quảng Ninh). Ảnh: Thụy Văn

Những năm gần đây, Vân Đồn, Quảng Yên và Cẩm Phả nở rộ các mô hình nuôi hàu với hình thức bán tự nhiên. Người dân sau khi thả giống xuống các bè tại các khu vực khoanh nuôi trên biển phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên bao gồm thời tiết, khí hậu và nguồn nước. Các bè nuôi dùng các can nhựa làm phao nổi để giăng dây treo giá thể là các tấm lợp xi măng làm nơi cho hàu bám vào sinh sống. Trong quá trình thu hoạch, sơ chế vỏ, hàu chết được thả luôn xuống biển để thay mới. 

 - Ảnh 2.

Hàu vừa thu hoach tập kết ở cảng Cái Rồng, Vân Đồn.

Ảnh: Thụy Văn

Sở dĩ nghề nuôi hàu phát triển nóng là do mặt hàng này gần đây có thể xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Đài Loan, giống như sứa, tu hài... và một vài loại nhuyễn thể khác tại vùng biển này. Khi dịch COVID-19 làm gián đoạn chuỗi cung cầu, người dân buộc phải bán sản phẩm tiêu thụ nội địa với giá rẻ hơn. 

Điều này lý giải việc thị trường tiêu thụ nội địa gần đây xuất hiện nhiều hàu nuôi Vân Đồn giá rẻ. Tuy nhiên, việc này cũng dẫn tới kết cục là người nuôi bán giá thấp, thiếu nguồn tái đầu tư, hàu thương phẩm cỡ nhỏ, kém ngon. Thiếu chi phí cho nhân công và vật tư nuôi trồng dẫn tới việc vệ sinh vùng nuôi bị cắt xén công đoạn, dây treo, hàu chết thải loại bị cắt bỏ xuống biển khiến vùng nước càng ô nhiễm.

Theo kết quả công bố của cơ quan quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc tiến hành kiểm nghiệm chất lượng nguồn nước tại các khu vực khoanh nuôi tại Vân Đồn tháng 8, 9,10 (thời điểm cuối năm 2021), các vùng nuôi hàu tập trung tại Vân Đồn đều có thông số ô nhiễm vượt ngưỡng cho phép. Mật độ coliform và Vibrio lần lượt cao hơn từ 1,29 - 1,42 lần so với ngưỡng giới hạn. Việc nguồn nước, hàu nuôi nhiễm vi khuẩn Vibrio mediterranei, Vibrio vulnificus và fluvialis cũng được bắt gặp với tần suất cao.

Hàu nuôi nhiễm khuẩn các loài thuộc nhóm vi khuẩn Vibrio làm cho người tiêu dùng ăn sống bị tiêu chảy hoặc ngộ độc thực phẩm.

Biện pháp giữ gìn môi trường chưa quyết liệt

Nghề nuôi hàu Vân Đồn đang phải đối mặt với thách thức lớn là suy thoái và ô nhiễm môi trường nước. Trước nguy cơ này, huyện Vân Đồn có chủ trương vận động người nuôi hàu chuyển đổi việc dùng phao xốp nuôi hàu sang phao nổi nhựa HDPE - loại vật liệu thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, người nuôi hàu không mặn mà vì cho rằng độ chịu tải của phao nhựa không bằng phao xốp. Phao nhựa bị hà bám nhiều hơn so với phao xốp. Phao nhựa cũng không đảm bảo độ nổi bằng phao xốp trong khi giá thành đầu tư phao nhựa cao hơn nhiều. 

Bên cạnh đó, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản Quảng Ninh cũng đã khuyến cáo người nuôi hàu phải thực hiện nghiêm túc duy trì mật độ nuôi phù hợp, không thả nuôi hàu với mật độ cao dẫn đến thiếu nguồn thức ăn cho hàu phát triển, làm hàu yếu, tăng nguy cơ nhiễm bệnh vi khuẩn.

Đồng thời người nuôi hàu phải thường xuyên vệ sinh khu vực bè nuôi, rổ, dây hàu, loại bỏ rong rêu, các vật bám, tạo độ thông thoáng cho bãi nuôi nhằm làm giàu nguồn thức ăn, tăng chất lượng môi trường nước khu vực nuôi. Tuy nhiên, các giải pháp khắc phục theo khuyến cáo của cơ quan chức năng chưa được người nuôi hàu tuân thủ, thậm chí họ không thực hiện mà vẫn chỉ duy trì cách làm "ăn xổi" gây nguy hại cho môi trường biển.  

Chưa kể, các vùng nuôi tự phát lan ra mặt vịnh khá nhanh, người dân tự ý khoanh nuôi, tận dụng phao xốp, mật độ quá dày thiếu kỹ thuật. Trên thực tế đã từng có vùng nuôi hàu tại Móng Cái bị thất thu vì hàu chết hàng loạt vào tháng 6 năm nay. 

Tại khu vực cửa sông Bắc Luân, khoảng 100 hộ dân các phường Trà Cổ, Hải Hòa đã thả nuôi hàu treo dây nuôi trên 300 giàn hàu. Đáng lưu ý là tháng 6/2022, các giàn hàu chết tới 60% khi mới xuống giống được vài tháng. 

Nếu không có biện pháp kịp thời giảm tải cho các vùng nước tĩnh, nghề nuôi hàu có thể đối mặt với thiệt hại lớn trong thời gian tới vì nguyên nhân cận kề là ô nhiễm môi trường biển.  

Bình luận của bạn

Bình luận