Nửa cuối năm 2022, ngành bất động sản tiếp tục rơi vào thế khó

Li Lê
16:48 - 15/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), dòng tiền chảy vào thị trường bất động sản đang có xu hướng giảm rõ rệt, cùng với sự phát triển lệch pha trong phân khúc khiến giá nhà bị đẩy lên cao, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) công bố báo cáo thị trường bất động sản quý II/2022 sáng 15/7.

Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) công bố báo cáo thị trường bất động sản quý II/2022 sáng 15/7.

Nền kinh tế Việt Nam đã bước qua nửa năm 2022 với dấu hiệu phục hồi rõ nét sau đợt tàn phá bất ngờ bởi dịch bệnh COVID-19 nửa cuối năm 2021. GDP quý II.2022 tăng trưởng 7,72% so với cùng kỳ, là mức tăng trưởng GDP quý II cao nhất trong vòng một thập kỷ vừa qua. 

Kim ngạch xuất khẩu, giải ngân vốn FDI, thu ngân sách, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động… đều có kết quả khả quan.

Tuy nhiên, những rủi ro từ nguy cơ lạm phát trên quy mô toàn cầu sau những tác động của dịch bệnh COVID-19, chiến tranh Nga - Ukraine gây đứt gãy chuỗi cung ứng,... vẫn đang hiện hữu.

Trong một cuộc khảo sát gần đây của VARS với các hội viên, 90% cho rằng giá căn hộ sẽ tăng trong nửa cuối năm nay. Tuy nhiên, chỉ 53% tin rằng giao dịch bất động sản sẽ sôi động trong thời gian tới.

Dữ liệu của VARS cũng cho thấy, thanh khoản trên thị trường bất động sản đang có xu hướng giảm rõ rệt, đặc biệt so với giai đoạn sốt đất nửa cuối năm trước và đầu năm nay. Cùng với đó là sự thiếu vắng nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở giá bình dân, là giá nhà tăng liên tục và chưa có tín hiệu dừng lại. 

Dòng tiền đang chờ đợi những cơ hội lớn hơn trong tương lai và thận trọng hơn với những quyết định đầu tư ở thời điểm hiện tại.

Bất động sản phát triển lệch pha 

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) - Chủ tịch VARS chia sẻ, dữ liệu của VARS cũng cho thấy thanh khoản trên thị trường bất động sản đang có xu hướng giảm rõ rệt, đặc biệt so với giai đoạn sốt đất nửa cuối năm trước và đầu năm nay.

Theo ông Đính, hiện tượng sốt đất xuất hiện ở nhiều nơi, giá bất động sản bị đẩy lên mức rất phi lý. 

Bên cạnh đó, cơ cấu của bất động sản không phù hợp với nhu cầu thực khi thiếu vắng nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở giá bình dân, trong khi sản phẩm cao cấp lại rất nhiều.

Đây cũng chính là điều khiến các doanh nghiệp bất động sản gặp khó trong nửa đầu năm. Việc nguồn cung khan hiếm, trong khi nhu cầu cao, dẫn đến việc lách luật, "xé rào" để tìm kiếm nguồn hàng. 

Nguy cơ lạm phát một lần nữa thúc giục nhu cầu sở hữu và cất giữ tài sản. Trong đó bất động sản là một trong những lựa chọn hàng đầu khiến nhu cầu càng đẩy lên cao. 

Ông Đính nhận định đây là giai đoạn dòng tiền chờ đợi những cơ hội đầu tư vững chắc, đồng thời cân nhắc kỹ càng những biến số vĩ mô, địa chính trị xung quanh. Giai đoạn dòng tiền dễ đã thực sự đi qua, cùng với đó là chính sách kiểm soát tín dụng thận trọng trong mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trong đó có bất động sản.

Ngoài ra, dòng vốn vào thị trường cho phát triển bất động sản rất khó khăn. Theo phản ánh của các doanh nghiệp, gần như họ đều không tiếp cận được vốn vay trong thời gian vừa qua. Thực tế tồn tại một bất cập đó là nguồn vốn chảy vào đầu cơ nhiều, nhưng vốn dành cho khách hàng mua nhà ở lại gặp khó.

Nửa cuối năm 2022, ngành bất động sản tiếp tục rơi vào thế khó - Ảnh 1.

Ngành bất động sản được dự báo sẽ còn khó khăn trong nửa cuối năm nay. Ảnh: VARS

Ngành bất động sản còn gặp khó 

"Chúng tôi khẳng định ngành bất động sản còn đối mặt với nhiều khó khăn trong thời gian tới", ông Nguyễn Văn Đính nhận định về tình hình thị trường nửa cuối năm 2022. 

Theo dự báo của VARS, thị trường đang trải qua thời kỳ tái cân bằng, giá nhà sẽ chịu áp lực tăng do chi phí tăng bởi lạm phát, nhu cầu về nhà ở cao mà nguồn cung hạn chế... Trong khi đó, thanh khoản lại giảm bởi dòng tiền dễ không còn. Các nhà đầu tư cũng có xu hướng cho dòng tiền nghỉ ngơi và trở nên thận trọng hơn.

Nếu những nút thắt này không sớm được tháo gỡ thì thị trường có thể rơi vào giai đoạn đóng băng dài và gây đổ vỡ cho doanh nghiệp. Giai đoạn này cần có chính sách hỗ trợ để quá trình tái cân bằng của thị trường diễn ra “mềm”. 

VARS kiến nghị, Nhà nước cần thúc đẩy nhanh việc sửa đổi luật để tạo ra một hành lang thông thoáng; việc kiểm soát dòng tiền cần cân đối với việc hỗ trợ các phân khúc một cách chọn lọc. Bên cạnh đó, VARS cho rằng, Nhà nước nên tạo hành lang thuận lợi cho kênh phát hành trái phiếu, quỹ đầu tư tín thác để đa dạng hóa nguồn vốn; đồng thời, có biện pháp kiểm soát thích ứng lạm phát. Về phía các nhà đầu tư, VARS đưa ra khuyến nghị về việc sử dụng vốn minh bạch, hiệu quả, đặc biệt từ các nhà đầu tư thứ cấp; không nên tham gia vào vòng xoáy của cơn sốt đất; các sàn giao dịch nghiêm túc thực hiện vài trò của mình...

Sáng 15/7, tại Hà Nội, Hiệp hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) chính thức ra mắt Ban Công nghệ - Truyền thông & Nghiên cứu thị trường và Ban Tư vấn & Xúc tiến đầu tư, nhằm kiện toàn bộ máy VARS để cung cấp và phát triển các sản phẩm mới phục vụ thị trường như: Xây dựng bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh dành cho các doanh nghiệp môi giới bất động sản; hoàn thiện bộ dữ liệu thị trường, giúp thị trường bất động sản hoạt động hiệu quả và minh bạch hơn; đánh giá tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư tại các tỉnh, thành phố.

Theo đó, ông Trương Trí Vĩnh - Phó Tổng Thư ký thường trực VARS được bổ nhiệm làm Trưởng ban Công nghệ - Truyền thông & Nghiên cứu thị trường. Ông Nguyễn Đình Cương được bổ nhệm làm Trưởng ban Tư vấn & Xúc tiến đầu tư.

Tại buổi ra mắt, đại diện hai ban đã ký kết hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức.