Nỗi khổ phải cố vào "trường chuyên, lớp chọn"

Quang Minh
18:00 - 12/06/2023
Công dân & Khuyến học trên

Một góc nhìn vào thực tế các bậc cha mẹ phụ huynh thành phố hiện nay trong cuộc đua thi cử, vào "chuyên, chọn" là một mục tiêu cuối cùng để phấn đấu, liệu có phải cách thức đúng đắn?

Người cha giờ đã là một họa sỹ tên tuổi đàn anh, nổi tiếng và được nhiều người nể trọng bằng tài năng và tâm huyết của chính mình. Nhưng không ai biết, khi lớn lên anh đã bỏ học cấp III để đi vẽ. Sau khi lang thang khắp nơi, được bố mẹ động viên, anh đã tìm tới cánh cửa trường Đại học Mỹ thuật Đông Dương và đạt thành công chỉ bằng một tấm bằng tại chức cấp III.

Ngày anh vào Đại học, cả nhà thở phào và chính anh cũng cảm thấy mình đã đi đúng con đường mình muốn. Anh chỉ thích vẽ và được vẽ.

Khác với bất kỳ đồng trang lứa nào, trong khi bạn bè cứ cố gắng vào trường chuyên, lớp chọn... anh đã chọn được cho mình một lối đi riêng! Không cần cố vào trường chuyên, lớp chọn, anh đã được thỏa niềm đam mê và thành công chỉ bằng một "khe cửa" khác, đó là tấm bằng tại chức.

Nhưng, câu chuyện không dừng lại ở đó...

Anh giờ đã làm cha của 2 cô con gái xinh đẹp. Cha là họa sỹ nổi tiếng, hai đứa lớn lên đều có ít nhiều đam mê từ cha. Nhưng, anh chẳng đủ bản lĩnh để nói với con có thể thỏa sức theo đuổi niềm đam mê ấy như anh.

Khi cùng vợ nói chuyện hướng nghiệp cho 2 cô con gái, thì thật mệt mỏi, mẹ của lũ trẻ đều "thúc ép": Con phải vào trường chuyên! Mẹ đã làm được, con cũng phải làm được!

Theo sự "phân công" của người mẹ, hai đứa rồi cũng cố vào trường chuyên, lớp chọn. Cô chị "làm đầu tàu" sau một thời gian "đầu bù tóc rối", cũng thi được vào một lớp chuyên của trường chuyên Chu Văn An, Hà Nội.

Vì yêu cầu khắt khe của mẹ là bằng mọi giá phải đỗ chuyên, nên cô nàng đành "căn răng" chọn chuyên Sử, vì biết khả năng của mình không thể giành giật những suất "chuyên" môn khác.

Học ở cái lớp Sử đó, với cá tính của một con gái họa sỹ, cô cảm thấy lạc lõng mà như cô mô tả là: "giữa một "mớ ngu ngơ" giở ông giở thằng, cháu không thể chịu nổi!". Trong khi đó, tài vẽ đẹp vốn có của con ngày một lu mờ, tương lai chưa rõ phương hướng...

Cô con gái thứ hai với tài vẽ tỏa sáng hơn chị cả, nhưng trong năm học mới, cô phải vượt qua cái "đích" cao hơn mà mẹ cô đặt ra: Phải vào bằng được trường chuyên Hà Nội - Amsterdam!

Nhìn cô bé gày gò, với cặp mặt sáng nhưng nay đã sưng vù, quầng thâm vì thức bao đêm ôn luyện. Chưa biết kết quả ra sao nhưng cô, dì, chú, bác đều thấy thương cảm. Tại sao cứ phải vào "trường chuyên, lớp chọn?" - trong khi con có tài năng và có thể chọn một cánh cửa khác cho con?

Làm cha mẹ, phải suy nghĩ như thế nào cho thấu đáo?

Có thể nói, trong cuộc chiến "sinh tử" khi vào cánh cửa cấp III - một cánh cửa duy nhất để thành công đang là một áp lực đè nặng lên vai của bất cứ đứa trẻ thành phố nào.

Theo thống kê của ngành giáo dục, năm 2023, tỉ lệ chọi vào lớp 10 công lập của Thành phố Hà Nội ở mức cao kỷ lục trong vòng 3 năm qua.

Vậy, nếu con cái chúng ta không thể vượt qua những cánh cửa được cho là duy nhất này, thì bậc cha mẹ phải làm sao?

Đối với mỗi bậc cha mẹ, cần nghiêm túc suy nghĩ rất nhiều về việc phải dạy bọn trẻ những gì, đó mới là điều quan trọng trong cuộc đời này.

Tạm gạt câu chuyện thi cử sang một bên, chúng ta nhìn vào những kỹ năng, khả năng của con trẻ trong cuộc sống. Hãy nhìn chúng trưởng thành theo cách tự nhiên nhất, trong mỗi đứa trẻ đều được tạo hóa ban tặng những tài năng, khả năng riêng.

Vậy, chúng ta có cần phải bằng cấp này kia mới là thành đạt? Thực tế, câu chuyện thành đạt của nhiều người chúng ta đều nhuộm những sắc màu khác nhau. 

Một người cha đã chia sẻ điều này để dạy con: Biết cố gắng, biết ơn và biết chia sẻ.

Những đứa trẻ biết cố gắng cần được hiểu rằng, đường đời không bằng phẳng. Sẽ có những tai ương, chướng ngại, các con phải vượt qua; cố gắng để lĩnh hội tri thức, nhận thức được thế giới xung quanh mình; cố gắng để vượt qua chính mình, đạt được những mục đích, kế hoạch của đời mình, khẳng định bản thân và để cảm nhận được hạnh phúc.

Biết ơn là phẩm chất tối thiểu của con người, bởi cha mẹ sinh ra thân thể mình, cho mình cuộc sống, thầy cô dạy dỗ, bạn bè yêu thương, gia đình và xã hội cho mình được sống trong môi trường người…, và thiên nhiên mang đến cho mình bao điều tươi đẹp, thú vị. Biết ơn là biết cách trả lại những gì tốt đẹp mà mình đã nhận được từ thế giới này.

Biết chia sẻ bởi cuộc sống chỉ thật sự đáng sống và thật sự hạnh phúc khi được nhận và được cho, biết nhận và biết cho, biết thấu hiểu niềm vui nỗi buồn của những người thân thiết.

Học cách nhận và học cách cho cũng là quá trình khẳng định giá trị của mình ở thế giới này; đặc biệt là biết quan tâm và chia sẻ với những người thiệt thòi, thiếu may mắn hơn mình; lòng tốt như hoa thơm, tỏa hương an lành.

Những lời chia sẻ dành cho thế hệ trẻ là vậy nhưng cũng là những điều người lớn cần ghi nhớ lại cho chính mình. Khi biết ơn, biết chia sẻ cho đi và cố gắng nỗ lực vì điều đó, bạn sẽ thấy cuộc sống đáng giá và hạnh phúc đến nhường nào.