Nỗi khổ của giáo viên khi phải đáp ứng kì kiểm tra định kì

Ly Hương
11:55 - 12/03/2023
Công dân & Khuyến học trên

Đối với học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông, mỗi năm học các em phải thực hiện 4 bài kiểm tra định kì – gồm 2 bài giữa kì và 2 bài cuối kì. Việc kiểm tra tập trung khiến cả thầy và trò đều gặp áp lực vì những lí do khác nhau.

Nỗi khổ "bệnh thành tích"

Nỗi khổ của giáo viên khi phải đáp ứng kì kiểm tra định kì - Ảnh 1.

PGS Chu Cẩm Thơ-Viện Khoa học giáo dục Việt Nam.

Chia sẻ về việc kiểm tra tập trung, Phó Giáo sư Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nói rằng hầu hết các giáo viên đều có nỗi khổ khi dạy học đáp ứng kì kiểm tra này. 

Nỗi khổ dễ thấy nhất, chính là tâm lí "sợ kết quả không tốt", nên các giáo viên đều rất trách nhiệm trong việc sưu tầm đề kiểm tra, ôn luyện cho học sinh. Chuyện này không hề dễ dàng, bởi chính các giáo viên phải bỏ nhiều thời gian, công sức, đôi khi cả "rèn luyện để có mối quan hệ", làm sao việc luyện tập, chuẩn bị cho học sinh thật sự hiệu quả.

"Tuy vậy, có nỗi khổ khác mà nhiều giáo viên giỏi, tự tin cảm thấy đau khổ khi mắc phải. Đó là, dù họ rất tự tin vào chuyên môn của mình, có quan điểm giáo dục tích cực, muốn phát triển cho học sinh theo đúng triết lí, mong đợi, nhưng vì chuyện kiểm tra, mà họ phải "gò mình", đôi khi đánh mất hết cả ý chí để chạy vào đường đua chung cho tất cả mà kì kiểm tra chung kia đã tạo ra. Ai chẳng sợ kết quả! Ai chẳng biết một bài kiểm tra đâu phản ánh đúng bản chất! Nhưng có kết quả rồi, kết quả hiện hữu đó, ai có thể đứng ngoài cuộc được", Phó Giáo sư Chu Cẩm Thơ nêu nỗi khổ của giáo viên với "bệnh thành tích".

Giáo viên ra đề và coi kiểm tra cũng rất áp lực

Cũng theo Phó Giáo sư Chu Cẩm Thơ, liên quan đến việc kiểm tra tập trung, giáo viên lo khi bị triệu tập vào "nhóm ra đề". Đây là thử thách chuyên môn vinh dự, nhưng rất lo vì năng lực có thể hiện được không, lo bị o bế, bị trúng đến lộ đề,… Bị căng thẳng là chuyện đương nhiên. Vì người ta nói, ra đề kiểm tra chung cần những kĩ thuật chuyên nghiệp, rất là chuyên môn sâu, đâu phải cứ giáo viên có kinh nghiệm mà làm được.

Cùng với đó, giáo viên bị triệu tập đi coi kiểm tra cũng đáng sợ. Sơ sẩy là làm sai quy chế. Là coi kiểm tra chéo, chấm kiểm tra chéo. Dù không phải môn được chọn để kiểm tra, được nghỉ dạy để đi coi kiểm tra!

"Hỏi ra thì nhà quản lí cũng sợ! Vì sợ nên ráo riết thúc anh em đồng nghiệp dạy cho tốt, chuẩn bị kì kiểm tra cho tốt; rồi tổ chức kiểm tra ở trường mình, ở trường khác (nơi được phân công đến coi/chấm kiểm tra), rồi hồi hộp chờ kết quả, mọi thứ căng như dây đàn", Phó Giáo sư Chu Cẩm Thơ nói thêm về khâu chuẩn bị cho kì kiểm tra tập trung được tốt.

Khổ nhất là giáo viên chủ nhiệm

"Riêng giáo viên chủ nhiệm, giáo viên dạy môn được chọn thi thì cứ phải nhắn tin, nhắc nhở lẫn nhau, nhắc phụ huynh, nhắc học sinh,… Mỗi lần tin nhắn phát ra, đến tay người nhận, biết rằng người ta sẽ nhăn mày, khó chịu,… nhưng phải làm thôi. Không làm thì bảo thiếu nhiệt tình, nhỡ kết quả thấp thì thấy lỗi lầm quá lớn! Mà làm thì "nghiệp" mệt thế biết làm sao. 

Tôi tin hỏi thêm nữa, thì chẳng ai bảo là "không sợ, không lo, không mệt" với kì kiểm tra chung cho hàng nghìn học sinh như thế! Vậy vì sao một năm đôi lần có không ít địa phương vẫn quyết tâm làm!", Phó Giáo sư Chu Cẩm Thơ nêu áp lực mà giáo viên phải khi đối mặt với kì kiểm tra tập trung.

Ngoài ra, một điều mà Phó Giáo sư Chu Cẩm Thơ cũng rất băn khoăn đó là, khi Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT về đánh giá học sinh sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông, nhiều giáo viên dạy các môn nhiều tiết rất vui sướng vì giờ đây điểm hệ số 2 chỉ còn 1 lần kiểm tra ở lần đánh giá giữa kì chứ không phải có 3-4 đầu điểm như trước. Nhưng nếu Phòng/Sở Giáo dục và Đào tạo lại yêu cầu kiểm tra chung thì giáo viên còn khổ hơn!