Ninh Thuận: 3 cháu nhỏ bị ngộ độc khi ăn hạt cây dầu mè

Dũng Minh
18:27 - 18/07/2023
Công dân & Khuyến học trên

Vào chiều ngày 18/7, 3 cháu nhỏ ở thôn Đá Hang, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận đã được cấp cứu kịp thời khi bị ngộ độc do ăn phải hạt cây dầu mè. Các cháu được xác định là Cao Thị Ngọc K (5 tuổi), Tà La Văn Đ (4 tuổi) và Tà La Văn K (1 tuổi).

Ninh Thuận: 3 cháu nhỏ bị ngộ độc khi ăn hạt cây dầu mè - Ảnh 1.

Bệnh nhi được chăm sóc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận sau khi ngộ độc do ăn phải hạt cây dầu mè. Ảnh: TTXVN

Các bậc phụ huynh cần cho trẻ biết, ăn hạt cây dầu mè bị ngộ độc 

Khi đưa đến bệnh viện, các cháu trong tình trạng ngộ độc cấp, đều có biểu hiện mệt mỏi, da xanh, niêm mạc nhợt nhạt, đau bụng và nôn nhiều. Ngay sau đó, các bác sĩ Khoa Nhi đã tích cực hỗ trợ hô hấp, truyền dịch và rửa dạ dày bằng than hoạt tính. Sau thời gian cấp cứu, sức khỏe các cháu dần hồi phục và hiện đã ổn định trở lại.

Theo người nhà các cháu, trước đó, các cháu đi chơi, thấy hạt cây dầu mè rụng nên đã tự đập vỏ lấy nhân để ăn. Trước khi nhập viện khoảng 6 giờ, các cháu đã nôn, đau bụng nhiều nên gia đình đã đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Hường - Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận cho biết, hạt cây dầu mè có chứa 25% chất dầu và chất độc Curcin. Dầu hạt chỉ được dùng trong công nghiệp, thay dầu thắp đèn, làm xà phòng. Tuy nhiên, khi ăn phải hạt cây dầu mè, nếu không được cấp cứu kịp thời, độc tố Curcin sẽ gây rối loạn tiêu hóa nặng, nguy hiểm đến tính mạng.

Cây dầu mè có rất nhiều ở các vùng thôn quê. Khi hạt chín và rụng xuống, theo thời gian sẽ nảy mầm và lớn nhanh. Theo khuyến cáo của các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận, hạt dầu mè có chứa chất dầu, mùi thơm nên trẻ em hay thích đập nát vỏ ngoài để ăn nhân bên trong. Do có độc tố nên các bậc phụ huynh cần khuyên răn trẻ không ăn loại hạt này.

Mùa hè cần lưu ý tránh ngộ độc cho trẻ em khi ăn các loại quả rừng

Một số loại quả rừng có thể gây ngộ độc nghiêm trọng cho người ăn, thậm chí có thể tử vong. Đối tượng dễ bị ngộ độc nhất là trẻ em, đặc biệt là các em học sinh vùng cao, vùng sâu, vùng xa của các dân tộc thiểu số. Các em thường hái ăn quả rừng khi đi học, đi chăn bò, lấy củi mà không biết đến sự nguy hiểm của chúng.

Các loại quả rừng có nguy cơ gây ngộ độc bao gồm: Quả Hồng Châu, quả Chí Chụa, quả dâu rừng, quả Mắc Rạc, quả Mỡ... Nếu ăn phải những loại quả này, người bị ngộ độc có thể có các triệu chứng như: buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, co giật, hôn mê...

Để phòng ngừa và giảm thiểu các vụ ngộ độc do ăn quả rừng, Trung tâm Y tế huyện Mèo Vạc (Hà Giang) đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền và giáo dục cho người dân, nhất là học sinh và giáo viên. Các hoạt động này được tổ chức thông qua các buổi học ngoại khoá, các buổi chợ phiên, các buổi họp thôn bản... Trong các hoạt động này, người dân được hướng dẫn cách nhận biết các loại quả rừng có thể gây ngộ độc và cách xử lý khi bị ngộ độc.

Ngoài ra, các cấp chính quyền địa phương, gia đình và nhà trường cũng cần phối hợp trong việc tăng cường giáo dục kiến thức an toàn thực phẩm cho trẻ em. Người lớn cần nhắc nhở và kiểm soát trẻ em, tuyệt đối không được ăn các loại rau, quả rừng không rõ nguồn gốc. Chỉ nên ăn những loại rau, quả đã được kiểm tra và xác nhận là an toàn.


Nguồn: TTXVN/Tổng hợp