Vùng cao Tây Bắc, nơi những dãy núi làm tường thành bảo vệ Tổ quốc, những đỉnh núi cao làm mũi tên nhọn hoắt vươn lên trời cao, cây chè rừng mọc lên từ cội nguồn của dân tộc, hàng thế kỷ vững chãi sinh sôi. Hãy cùng chúng tôi, bắt đầu hành trình này, hành trình từ Tây sang Đông, từ Bắc xuống Nam, men theo những dãy núi cao vòi vọi, khám phá dáng hình và hương sắc của lão chè rừng - tinh túy của đất trời Việt Nam.
Khi thiên nhiên nuôi dưỡng cho cây chè phát triển qua hàng trăm năm thì con người, lại là nhân tố bảo vệ và tôn vinh, chắt lọc tinh hoa ấy vào trong hương vị của trà. Câu chuyện của trà rừng, là câu chuyện của những con người ở nơi cây chè bén rễ, là bản sắc ấn tượng của những người dân tộc gắn với vùng chè thượng cổ, là cả quá trình lớp lớp người, thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, trao truyền cho đời những ngọt ngào sâu lắng của sản phẩm trà rừng đặc sắc, quý giá.
Dãy núi hùng vĩ Hoàng Liên Sơn nằm vắt qua tỉnh Lào Cai, nơi có đỉnh Phan Xi Păng là nóc nhà chói lòa của Đông Dương kỳ bí, những đỉnh chè rừng phát triển mạnh mẽ và phân bố rộng khắp từ hàng trăm năm ở Bản Liền, Hoàng Thu Phố, Tả Củ Tỷ,... Cây chè rừng mọc loang theo các bản làng của người H'Mông, người Dao, người Tày.
Chè rừng Lào Cai chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của địa hình và khí hậu nơi đây. Sự phân hóa độ cao từ 800 đến 3.000 mét so với mực nước biển cùng chất đất feralit đặc trưng, lượng mưa nhiều trong năm từ 1.800-2.000 mi li mét với nhiệt độ vùng núi quanh năm mát mẻ, độ ẩm chiếm 80%, là điều kiện tuyệt vời cho ra những búp chè rừng mơn mởn, thanh mát, óng ánh màu tơ trắng ngọt ngào.
Cần đến hơn 1 giờ di chuyển để từ chân núi đến với vùng chè rừng Hoàng Thu Phố. Khi thị thành lùi xa theo màn đêm hun hút, con đường đến gốc chè xuyên qua bản làng của người H’Mông, chấm phá nét hoang vu xen lẫn kiến trúc truyền thống của những ngôi nhà bản địa.
Ở đây, nhiệt độ ngày đêm chênh lệch khá cao, có thể lên tới 20 độ xê. Cây chè rừng nằm đó, chịu đựng sự biến động dữ dội của khí hậu vùng cao, ẩn mình trong sương giá lúc sáng sớm và khi đêm về.
Hoàng Thu Phố hiện có 10 héc ta chè rừng cổ thụ, với vài nghìn cây, đa phần có tuổi từ 200-300 năm. Nhiều cây cao gần 15 mét, đường kính gốc gần 50 xen ti mét, thân cây chắc khỏe; tán xòe rộng chịu nắng, chống sương. Từng thân chè phủ các lớp rêu xanh mượt che lấp những đám mốc trắng loang lổ, trên những cành búp non mới chớm, ấp đầy sương kết đọng.
Âm thanh xào xạc của đôi bàn chân người phụ nữ H'Mông dẫm trên cỏ cùng tiếng cười lanh lảnh của hai đứa nhỏ “thức” chúng tôi khỏi miền sương mù bạc trắng huyễn hoặc. Chị trèo lên chiếc thang cao để hái những búp chè trong sương sớm. Tà váy áo truyền thống sặc sỡ sắc màu, đôi tay thoăn thoắt hái từng búp, từng búp chè rừng mang đến cảm giác bình yên đến lạ. Hai đứa trẻ hồn nhiên với đôi mắt tròn xoe nô đùa giữa đại ngàn, hình ảnh ấy cứ lấp lánh, lấp lánh, phản chiếu ánh sáng của sự ban sơ tới khi những tia nắng đầu tiên ló rạng.
Đi sang Bắc Hà, cung đường ngoằn ngoèo khúc khuỷu đưa chúng tôi tới Tả Củ Tỷ, một xã nhỏ nằm chênh vênh lọt thỏm giữa một bên là vách núi dựng đứng, một bên là đá tai mèo lô nhô nhọn hoắt. Từng ngôi nhà của người Dao nằm chơ vơ bên những mảnh ruộng bậc thang đang chờ mùa mới, cây chè rừng ở đây cũng không khuất phục thiên nhiên, sinh trưởng giữa muôn vàn thử thách và nghèo nàn, để tắm mình trong nắng mai, sương sớm.
Tả Củ Tỷ sở hữu hơn 40 héc ta chè rừng, trải đều trên các sườn núi và dãy đồi thấp thoáng. Đồng bào nơi đây có thói quen phát nhánh cho trà, bởi thế, thân chè có nhiều chỗ lồi lõm, nhưng vẫn thuần nhất, tự nhiên, không sử dụng bất kỳ loại phân bón nào.
Rời Tả Củ Tỷ trong nỗi niềm mang mang, hành trình tiếp theo để chạm tới những gốc rễ chè rừng Lào Cai là Bản Liền. Con đường được trải bê tông mượt mà, sáng láng, ngôi trường mới khang trang cùng tụi trẻ bên sách vở khiến chúng tôi ấm lòng. Hai bên đường là những đồi chè thăm thẳm, xanh vợi.
Quả nhiên, cây chè ở nơi đây đã vang danh thế giới và đem về cuộc sống ấm no hạnh phúc cho bà con trong vùng. Không chỉ thế, cây chè rừng Bản Liền còn thắp sáng tương lai cho thế hệ học trò, những ngôi trường vang tiếng hát, những lớp học khang trang, sạch đẹp và những nụ cười rạng rỡ tạo nên một bức tranh tươi sáng, đầy hy vọng.
Theo lời kể của thầy Huy - Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú TH&THCS Bản Liền, chương trình SANSE (Sustainable Agriculture and Social Enterprise) hay chỉ đơn giản là “San sẻ” được thành lập từ ý tưởng thiện lành bởi các bạn học sinh cấp 3 Hà Nội. Trong một chuyến đi đến Bản Liền, cảm nhận được sự vất vả của các bạn học cùng trang lứa nơi vùng sơn cước, những bạn học sinh thành phố đã tự tay thiết kế bao bì sản phẩm, vẽ từng hình ảnh thân thương các bạn học vùng cao của mình lên từng hộp trà, từ đó, kể câu chuyện vùng trà.
Một mô hình nhỏ bé của những học sinh cấp ba, một mong muốn cũng nhỏ bé, hiền lành là giúp đỡ cộng đồng, đến nay chương trình SANSE đã lan tỏa mạnh mẽ, theo chân những bạn học sinh Hà Nội ngày nào, tiếp cận thị trường nước ngoài thông qua các hành trình du học ở khắp nơi trên thế giới. Mỗi thế hệ SANSE tốt nghiệp, lớp kế cận tiếp theo lại thắp lửa hành trình, như cây chè rừng vùng cao, bao đời chắt chiu, và trao lại ngọt lành.
Rời đỉnh Phan Xi Păng, chúng tôi tiếp tục hành trình tìm tới lão chè trên đỉnh Putaleng. Trà ngon trên non cao là có thật. Bởi trên cung đường chinh phục và cuốc bộ vén sương mờ, rừng chè cổ thụ kỳ bí và hùng vĩ hiện ra, choáng ngợp, nửa thực, nửa mơ.
Ẩn sâu trong lớp sương mù dày đặc, ở độ cao 1.700 mét so với mực nước biển, những cây chè xanh sống cùng với đồng bào người H’Mông, xanh đất, xanh trời, xanh thăm thẳm cả đời người.
Những âm sắc của gió và lá, những mùi hương của đất ẩm, của lá chè tươi này, cả mùi quần áo thiếu nắng lâu ngày của người đồng bào nơi đây, cùng với làn sương mù bảng lảng, thấm vào hồn chúng tôi - ướt đẫm.
Theo tiếng H'Mông, Sà Dề Phìn có nghĩa là "bãi chè xanh". Vậy, bãi chè xanh này đã có từ bao giờ? Từ trước khi người Mông đến ở chăng? Một sắc tộc di cư và sống rải rác khắp nơi trên trái đất, nhưng ở đâu cao nhất thì dường như ở đó có người H'Mông và có cả cây chè.
Những cây trà cao từ 7-10 mét, cá biệt có cây cao hơn 10 mét, thân to bằng vòng tay của người lớn loang lổ mốc trắng, điểm xuyết thêm những mảng rêu xanh rì mềm mại. Chè nằm trong sương, sương ôm búp chè.
Theo các nhà nghiên cứu rừng chè cổ thụ của Sà Dề Phìn không phải là giống trà shan tuyết cổ thụ thông thường, mà là giống trà shan xanh, chỉ đặc biệt sinh trưởng nơi quanh năm bị mây mờ che phủ. Trà shan xanh có màu sắc búp hơi ngả hồng không có lông tuyết, búp và lá nhỏ. Có lẽ do thời tiết quanh năm sương phủ, mùa nóng chỉ có vài giờ nắng mỗi ngày, mùa lạnh thì hoàn toàn không thấy ánh mặt trời; khiến những cây trà không đủ thời gian quang hợp tạo thành màu sắc đặc trưng của những búp lá.
Chính vị sự khắc nghiệt của thời tiết, mà mỗi năm rừng chè ở Sà Dề Phìn chỉ ra búp hai lần với số lượng thấp. Do thiếu ánh nắng, cây tăng trưởng rất chậm. Những thân trà chỉ cỡ một bàn tay người lớn mà tuổi thọ đã hơn trăm năm. Điều đó khiến hương vị của trà Sà Dề Phìn thêm phần đặc biệt, tựa như càng sinh trưởng trong môi trường khó khăn, cây chè lại càng tạo ra những hương vị thơm lành, nồng đậm.
Từng búp lá thấm đẫm hơi sương được búng lấy bằng đôi tay thân thuộc của người đồng bào. Những cây chè cao thật cao đến mức phải bắc thang lên hái. Chè vẫn ở đấy, hết đời này sang đời khác, cùng con người trải qua vạn bể dâu.
Màu nước chè vàng sánh, thơm nhẹ và đắng rất dịu. Uống trà shan thường ít khi đạt được có cảm giác đậm đà như loại chè trung du ngay từ đầu. Trà rừng của Sà Dề Phìn thì càng cần một cái lưỡi tinh ý, một chút cảm nhận chậm thật chậm, một khoảng thời gian đủ lâu để thấm mới thấy cảm cái hậu và chất của trà.
Chúng tôi ngồi quanh một chiếc bàn nhỏ, nghe cụ Chan Thị Sua kể về chuyện của cây chè từ bao đời nay. Chuyện những người H’Mông từ rất lâu về trước đã hồn nhiên hái những lá trà giá đem đến chợ phiên bán. Nhưng lá trà già chẳng ai mua, bởi đồng bào H'Mông nào nhà cũng có vài gốc trà, còn người miền xuôi thì lại không biết dùng thức uống giản dị ấy. Mãi đến sau này, khi có những nhà khoa học, đoàn khảo sát tìm đến. Thì giá trị của cây chè Sà Dề Phìn mới được tỏ lộ cho những người yêu trà trên khắp cả nước và thế giới.
Những cây chè cao thật cao đến mức phải bắc thang lên hái. Chè vẫn ở đấy, hết đời này sang đời khác, cùng con người trải qua vạn bể dâu. Video: Công ty Cổ phần Chè Tam Đường
Nằm ở độ cao 3096 mét so với mực nước biển, vùng chè rừng cổ thụ Putaleng ở xã Tả Lèng, lại là báu vật của mênh mông trời đất. Những cây chè ở đây đã tồn tại không biết bao nhiêu niên kỷ, được suối rừng, thác dữ nuôi lớn. Cắm rễ sâu dưới lớp đá vôi cằn cỗi, cây trà vươn cao khỏi mây mù sương muối, hấp thụ tinh hoa nhật nguyệt hàng trăm năm để rồi đến ngày nay, dáng hình của cây cũng hùng vĩ nhưng dáng hình của núi.
Câu chuyện về vùng chè Putaleng được kể như cổ tích, man mác những duyên lành đan kết giữa tự nhiên và con người. Bởi lẽ hàng trăm năm nay, chính những đồng bào người H'Mông, người Dao sống quanh đỉnh Putaleng cũng không biết đến sự tồn tại của vùng chè này dù đã bao lần đi qua.
Tựa những vị sơn thần thông tuệ, cây chè khéo léo ẩn mình quan sát, ngắm nhìn đất trời luân chuyển, chờ cơ hội thích hợp để tỏ lộ thân phận của mình. Chỉ đến khi hoa chè rơi xuống nền rừng tựa một lời ngỏ ý, thì kẻ hành hương lạc bước mới nhận ra mình đang lạc giữa tiên cảnh cõi trần.
Nhìn ngắm rừng chè nghìn năm tuổi giữa rừng nguyên sinh, không khiến chúng tôi khỏi thắc mắc về cội nguồn của cây chè ở chốn này. Liệu các loài chim hay những ngọn gió đã gieo hạt, khiến vô số mầm xanh nảy chồi từ thuở ban sơ của rừng núi? Hay cây chè của Putaleng là một tạo vật của đất trời, dần dần trưởng thành qua năm tháng. Để đến ngày nay, cả một quần thể chè tồn tại, kỳ vĩ mà cũng đầy huyền bí?!
Tham khảo trong tài liệu của các nhà khoa học Việt Nam, đã có một nhóm nhà thực vật ở Đại học Nông nghiệp 1, dày công nghiên cứu về cây chè. Trong phương pháp nghiên cứu của họ, có cả việc đo đạc thân cây. Trong 10 năm các nhà khoa học liên tục lấy thông số phát triển của cây trà và nhận thấy suốt 10 năm trời, mà đường kính thân cây không to thêm milimet nào.
Nghỉ chân dưới một tán cây rừng, chúng tôi hái nắm lá chè tươi, múc nước suối rừng đun với ngọn lửa được thắp lên giữa đại ngàn, chỉ để tâm hồn phiêu lãng theo muôn trùng viễn cảnh giữa trùng điệp đất trời.
Tất cả chúng tôi đều im lặng, ngước lên ngắm những tán lá đan xen vào nhau thành tầng tầng lớp lớp. Ai biết được trong những xanh ngắt xa vời đâu là cây rừng đâu là búp lá? Chỉ thấy trong lòng dâng lên những tâm tư mênh mông, bí ẩn. Tựa như tự bản thân mỗi người đã được lắng nghe một lời tỏ lộ ngọt ngào của đất trời thông qua những vị trà cổ thụ.
Dãy Hoàng Liên Sơn và Pú Luông ở phía Tây nằm kẹp giữa sông Đà và sông Hồng, sau đó đến dãy núi Con Voi kẹp giữa sông Hồng và Sông Chảy. Yên Bái là tỉnh được kiến tạo bởi ba dãy núi hùng vĩ và những con sông lớn. Lượng nước dồi dào từ các con sông kết hợp với thổ nhưỡng phong phú, những vùng chè rừng đã tồn tại từ lâu đời tập trung chủ yếu tại các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải, sống yên lành tiếp nối bên bản làng của đồng bào dân tộc thiểu số: Tày, Dao, H’Mông,...
Ở biên độ 900-1.500 mét so với mực nước biển, rừng chè Phình Hồ (Trạm Tấu - Yên Bái) hình thành men theo những sườn núi, quanh năm nằm giữa mây trời. Những thân trà hớp sương, uống nắng; được thời tiết khắc nghiệt vùng cao trui rèn và đất đai trù phú ấp ôm, để từ đó từng búp chè đều thấm đầy hương vị tích tụ từ trăm năm cho đến hiện tại.
Như bao vùng chè rừng chúng tôi từng đi qua, ở Phình Hồ, không ai biết được những gốc chè rừng đầu tiên mọc từ bao giờ, cây chè rừng bao nhiêu tuổi? Chỉ biết mùa nối mùa, năm tháng nối đuôi nhau, những gốc chè rừng vẫn ở đó, không rời. Và cuộc đời cứ tiếp diễn như thế, từng thế hệ sinh ra và lớn lên, rồi ra đi tựa vô số giọt sương ngưng đọng giây lát rồi rũ mình rơi xuống. Số phận mỗi con người ở chốn này được tự nhiên vây bọc, lớn lên như cây rừng, chảy mãi như sông thác mà chẳng cần phải nghi ngại hay suy tư điều gì.
Người dân ở nơi đây, thức dậy là thấy núi đồi đã phủ xanh những cây chè cổ thụ. Họ sống hồn nhiên giữa mây núi, cỏ cây; ngày ngày thu hái thứ lộc trời ban ấy, đem vào chén nước những câu chuyện đời, chuyện cưới hỏi, đón dâu; chuyện thờ cúng tiên tổ. Tất cả vạn vật, chè với người, trời với đất đều thân quen như một phần nối dài của thân thể và tâm hồn, đến nỗi chẳng cần phải chỉ mặt đặt tên hay gieo thêm bất cứ định nghĩa nào. Mỗi gốc cây, tán lá chè rừng đều gắn với bao kỷ niệm của cả đời người, cùng thời gian trường tồn qua không biết bao nhiêu thế hệ.
Trà – là cuộc đời. Bởi vậy, trong những bản làng ở lưng đồi thấp thoáng bóng dáng cây chè. Không một người dân nào nghĩ đến việc đốn chặt, hạ bỏ, hay thay thế cây chè bằng những cây nông nghiệp ngắn ngày khác để mưu sinh. Cây chè sống hiền hòa với cuộc đời người H'Mông từ bao đời nay. Từng thân trà theo năm tháng mốc trắng, rêu phong che phủ, lan mọc từng chùm… Nhìn ngắm những dáng cây cheo leo bên sườn núi, chúng tôi bị hớp hồn bởi sự kỳ vĩ của biển mây - núi bạc mà trong đó, tựa như những thân cây chè cổ thụ chính là dấu gạch nối của hiện tại, giữa trùng điệp tháng năm.
Theo anh Giàng A Lầu, một nghệ nhân làm trà ở Phình Hồ thì muốn có trà ngon ta phải hái vào sáng sớm, khi những giọt sương còn đọng trên nõn trà rồi đưa vào chế biến ngay. Chính vì những điều kiện khắt khe này mà hương vị trà cổ thụ Phình Hồ càng thêm đặc sắc và riêng biệt.
Rời núi rừng Tà Chử, chúng tôi đến với Giàng Pằng (Sùng Đô - Văn Chấn - Yên Bái), Đường lên Giàng Pằng chập chùng những dãy núi ẩn hiện sau biển mây trắng xoá. Điểm xuyết là vài cây chè nhỏ mọc ven đường, nhoài thân về phía vực thẳm tựa như một loài chim đang sắp sửa vươn cánh bay lên. Là một thôn nhỏ nằm kẹt giữa mây trời ở độ cao 1.600 mét so với mực nước biển, Giàng Pằng không phải cung đường dành cho những người “yếu tim”. Nhưng đây nhất định là điểm đến của những người tâm huyết với chè rừng. Ở Giàng Pằng, có quần thể 100 cây chè rừng đã được “Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam” công nhận là di sản.
Có một định luật mà chúng tôi đã nhận ra trên chuyến hành trình của mình, rằng cây chè càng quý giá, búp chè càng ngon, thì càng khó tiếp cận. Tựa vị cao nhân ẩn cư, những rừng chè cổ thụ luôn mọc trên những ngọn núi cao nhất của từng vùng. Cũng từ đó chắt lọc được tinh hoa của đất trời mang vào trong hương vị.
Chiếc xe máy của người dân địa phương chở chúng tôi ngồi trên con đường độc đạo, những pha giằng xóc trên cung đường bẻ cua cùi chỏ hung hiểm, khiến chúng tôi thấm thía sự quý giá của những chén trà Giàng Pằng hơn bao giờ hết. Nếu chỉ ngồi ở thị thành, trong một trà quán, trả một khoản tiền nhỏ khoảng 2 giờ làm việc cho một tuần trà thơm thì không bao giờ chúng tôi có thể hiểu hết giá trị của những búp chè rừng quý giá làm sao, công thu hái và chế biến vất vả nhường nào…
Theo cụ Vàng A Tu, một bậc cao niên ở thôn: Những cây trà cổ thụ trong quần thể 100 cây di sản được đánh số, mỗi năm chỉ còn ra búp một lần. Đa phần đều đã đi đến gần cuối vòng đời của mình. Càng cao tuổi cây trà lại càng phát triển chậm hơn, nhưng cũng chính vì vậy mà hương vị của chúng lại càng đặc biệt.
Và để giữ được hương vị ấy câu chuyện lại càng khó khăn hơn, bởi sau khi thu hái, trà phải được chế biến ngay lập tức, nếu búp trà tươi để quá lâu không được xử lý sẽ mất hương vị. Chính vì thế việc giữ vị trà là một cuộc đua với thời gian và giống trà càng quý, chất lượng tốt thì lại càng đòi hỏi kinh nghiệm từ người nghệ nhân, cũng như nỗ lực không ngừng của những người thu hái.
Quần thể những cây trà nằm giữa những mái nhà được lợp ngói gỗ đang ấp đầy những búp lá mơn mởn. Ở giữa mạng lưới ấy, trên một khoảng đất rộng và bằng phẳng là cây trà tổ của Giàng Pằng với tấm bia di sản đặt ngay bên cạnh. Sau hơn sáu niên kỷ tồn tại, dường như những dáng hình của núi, của mây, của trời cũng đã hiện hữu trên cây trà tổ. Cây cao khoảng 15 mét với đường kính 120 cen ti mét, tán xòe rộng ít lá. Trên những cành nhánh uốn lượn là các đốm mốc trắng, rêu xanh, lan rừng bám dày đặc tạo nên sự kỳ vĩ và tráng lệ tựa đất trời.
Thôn Giàng Pằng tuy có vốn quý là cây trà cổ thụ, nhưng cho đến nay đời sống của đồng bào còn rất nhiều khó khăn. Toàn thôn chỉ có một trường mẫu giáo bằng gỗ, cơ sở vật chất thiếu thốn và nhân lực chỉ là hai cô giáo trẻ lặn lội từ miền xuôi lên vùng núi giúp đỡ bản làng.
Tuy vậy, nhưng những người dân trong thôn Giằng Pằng đều có tinh thần vui vẻ và khỏe mạnh. Ngồi trong gian nhà đơn sơ trên bộ ván gỗ đen bóng, được mời chén trà xanh thơm ngọt. Chúng tôi bỗng nghĩ rằng phải chăng chính thứ trà lấy từ những cây cổ thụ lâu đời là bí quyết trường thọ của người trong thôn?
Bởi lẽ, đối với người dân ở Giàng Pằng, trà là thứ thức uống hằng ngày không thể thiếu. Họ đã uống từ thủơ mới lọt lòng cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. Nên phải chăng đến một lúc nào đó, chính con người cũng mang trong mình sự lâu dài, thoát tục của những cây trà trấn giữ núi rừng thăm thẳm.
Với mong muốn nêu bật chất lượng cũng như vị trí của trà rừng Suối Giàng so với các vùng chè đặc sản khác. Giúp độc giả hiểu rõ thêm về một danh trà đã nổi tiếng từ lâu của Việt Nam. Cung cấp thêm những thông tin khoa học làm rõ thêm những kiến thức về trà. Cũng như tầm quan trọng của cây trà Suối Giàng từ ngàn xưa trong văn hóa đồng bào người H'Mông ở huyện Văn Chấn, và những đóng góp vào kinh tế của chè rừng ở hiện tại. Chúng tôi mạo muội trích dẫn dưới đây, những thông tin khoa học mà chúng tôi đã khai thác được, trong hành trình tìm kiếm, khảo sát và liên tục đặt câu hỏi về nguồn gốc của chè rừng Việt Nam.
Xã Suối Giàng được thiên nhiên ưu đãi cho một khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp với cây chè. Nhờ được vây bọc bởi núi non và địa hình hiểm trở, nằm trên độ cao hơn 1.400 mét so với mực nước biển mà khí hậu của Suối Giàng quanh năm mát mẻ, sương phủ vây phủ.
Suối Giàng có khí hậu khắc nghiệt đặc trưng với nhiệt độ chênh lệch ngày đêm lên tới 10 độ xê. Mùa đông, nhiệt độ giảm xuống rất mạnh, có khi chỉ còn 2 độ xê. Thổ nhưỡng nghèo nàn, cấu thành từ đá mắc ma a xít và đá cát, khiến các loài thực vật ở đây đều mạnh mẽ và có sức sống cao.
Dưới điều kiện khí hậu cực đoan, cây chè rừng nơi đây đã phát triển hàng ngày năm, viện sĩ nổi tiếng người Liên Xô đã khẳng định điều đó qua rất nhiều nghiên cứu.Từ sự tồn tại lâu đời của chè rừng Suối Giàng, ông đưa ra giả thiết cây chè ở Việt Nam, là tổ mẫu của mọi cây chè khác trên thế giới. Giả thuyết này còn được thuyết phục thông qua những bằng chứng lâu đời về truyền thuyết và tục cúng lễ cây chè tổ của người H’Mông ở Suối Giàng.
Theo truyền thuyết của người H'Mông, vốn từ ngàn xưa vùng đất này đã bị bao phủ bởi mây mù quanh năm, cỏ cây phát triển tươi xanh nhưng chẳng có bóng dáng con người. Thấy được vùng đất yên bình, ẩn mình trong sương khói, một ngày nọ có vị nữ thần từ thiên giới giáng trần và mang theo những hạt giống của cõi trời xuống gieo trên mặt đất. Chẳng bao lâu sau, những hạt ấy nảy mầm và mọc thành cây xanh tốt. Từ đó cây chè bắt đầu loang khắp các vùng núi cao, qua mỗi năm lại rải hạt của mình đi xa hơn, dần dần phủ xanh mặt đất. Khi người H’Mông di cư đến nơi đây, thiếu thốn lương thực, thời tiết khắc nghiệt đã khiến cho cộng đồng bị dịch sốt rét hành hạ. Thấy loài cây xanh tốt mọc giữa non cao, họ liền ăn thử và kỳ lạ, cây chè giúp họ tỉnh táo, khỏe khoắn lạ thường. Ngày qua ngày, họ hái lá chè đem đun với nước suối uống, tất cả đều lấy lại được sức khỏe như trước. Cho là được trời cứu giúp, người H’Mông cắm bản, dựng nhà và ở lại với cây chè, đặt tên vùng đất là Suối Giàng (suối của trời). Hình tượng cây chè rừng từ đó đã ăn sâu vào tập tục và văn hóa của bà con trong vùng và có lễ cúng cây tổ hàng năm.
Vào ngày cúng tổ, nhân dân trong bản đã sẵn vật cúng gồm rượu, hương, cơm nếp, giấy vàng, giấy đỏ và một con gà trống... Lễ vật được một đoàn người hộ tống đem đến trước cây trà cổ xưa nhất trong vùng. Chủ lễ là già làng thay mặt nhân dân cúng tế cây chè tổ. Lễ cúng này thường được diễn ra vào khoảng tháng 9, tháng 10 hàng năm.
Từ những truyền thuyết và phong tục trên, ta có thể thấy được vị trí đặc biệt của quần thể trà rừng ở Suối Giàng, sự gắn bó lâu đời của trà và người có lẽ đã lên đến cả ngàn năm, ngay từ thủơ hồng hoang khi con người mới xuất hiện trên những cao nguyên phía cực Bắc của Tổ Quốc. Điều đó càng khẳng định thêm sự xa xưa, lâu đời của cây trà ở Suối Giàng.
Theo nhiều nghiên cứu của cộng đồng khoa học trong và ngoài nước, những búp trà rừng ở Suối Giàng có hàm lượng Catechin đặc biệt cao, thậm chí nhà viện sĩ Djemmukhatze còn khẳng định hàm lượng Catechin ở các vùng trà miền núi phía cực Bắc Việt Nam trong đó có Suối Giàng là cao nhất thế giới.
Chính vì vậy trà Suối Giàng thu hút những khách yêu trà trên thế giới bởi hương vị cổ phong thơm ngát, quyến rũ từ những búp trà to mơn mởn lông tuyết trắng xoá. Vị đắng nhẹ, hậu ngọt đậm và thanh mát dài lâu trong vòm miệng được chất chứa bởi tinh hoa của núi rừng. Những cây trà cổ thụ trải qua hàng trăm năm sống trong khí hậu trong lành, được đồng bào H'Mông dung dưỡng với phương pháp tự nhiên, hưởng nguồn nước sạch từ các suối thác thượng nguồn. Để trở thành một thức uống vừa cao sang lại gần gũi, cũng là một vị thuốc cho cả cơ thể lẫn tâm hồn.
Cả buổi sáng chúng tôi đã lang thang khắp nẻo rừng chè ở Suối Giàng mà vẫn chưa đi hết. Trong hàng vạn cây trà cổ thụ, mỗi cây lại kể một câu chuyện của riêng mình. Qua dáng hình của thân, màu sắc của lá; bằng những đốm mốc trắng, cùng những mảng rêu xanh. Có cây hùng vĩ tựa núi, có cây thăm thẳm như rừng, có dáng hình mềm mại lả lơi như đang đùa với gió, có dáng hình vươn cao khỏe khoắn như cố vờn mây. Quả thật là mênh mông như đất, vô tận như trời. Khiến ai lỡ lạc vào cõi chè rừng trùng điệp đều như say, như ngây.
Tuy vậy, đâu đó vẫn có những thân chè trơ lá nằm đơn độc. Những cây bị mối ăn, thân gỗ dần mục ruỗng. Mối mọt quả thật là một vấn đề nan giải trong việc bảo tồn rừng chè Suối Giàng. Chúng tôi đã quan sát được hàng chục gốc trà bị mối đục, nằm rải rác khắp nơi. Theo đồng bào trong vùng, hiện tượng này chỉ mới xuất hiện vài năm trở lại đây, do trước kia có những cây khác nên mối chưa ăn cây chè. Gần đây những loài cây khác đã dần mất đi nên rừng chè cũng bị xâm hại.
Đối với người H'Mông ở Suối Giàng, cây chè rừng là báu vật mà đất trời đã ban tặng cho con người. Những gì quý giá nhất của thiên nhiên đã hội tụ vào trong những búp lá, được giữ lại với từng lông tuyết trắng ngần, ướp vào thứ hương vị tuyệt luân khiến người yêu trà say đắm.
Chính vì quý giá như vậy nên trà cũng là loại cây thanh sạch và quý phái bậc nhất, chỉ cần một thay đổi nhỏ trong môi trường, vài nhiễu động của thổ nhưỡng cũng có thể khiến búp giảm chất lượng, cây không sinh trưởng hoặc thậm chí là chết mục. Cây chè phải mất hàng chục năm mới có thể cao ngang ngực một người lớn, cả trăm năm mới vượt qua đầu người và phải hàng trăm năm mới trở nên to lớn, kỳ vĩ. Sự nhạy cảm và lâu dài ấy tựa loài trai sống dưới biển sâu se từng hạt cát thành ngọc, những cây chè cổ thụ cũng kết luồng mây, ngọn gió thành hương thành vị.
Với số lượng chè rừng lớn, phân bố trên một địa hình rộng giữa núi non hiểm trở, nhiều nơi gần như chỉ có đường mòn. Việc quản lý rừng chè là một nhiệm vụ hết sức khó khăn. Để làm được điều đó không chỉ cần mối liên kết chặt chẽ của chính quyền địa phương lẫn người dân bản địa, mà còn cần sự vào cuộc của các nhà khoa học, với một công trình nghiên cứu đầy đủ cũng như sự chung tay các nhà máy sản xuất trong khu vực.
Và ta chỉ có thể làm được thành công khi thật sự yêu quý và tôn trọng cây chè. Cũng như gần gũi thiên nhiên, mây núi đã cho con người hương vị của trà, cả đắng chát và ngọt thơm quyện vào nhau tựa như cuộc đời.
Ký sự "Những vùng chè trên mây" được thực hiện bởi sự hỗ trợ của Helvetas Việt Nam và thông tin, hình ảnh được cung cấp bởi Liên minh chè đặc sản hữu cơ Việt Nam (VOSTEA).