Quảng Ninh: "Cột" trách nhiệm người đứng đầu để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ cơ sở

img
Quảng Ninh: "Cột" trách nhiệm người đứng đầu để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ cơ sở - Ảnh 1.

Một buổi sinh hoạt chi bộ tại thôn Bình Minh, xã Đại Bình. Ảnh: MT

Ngày 28/2/2022, Huyện ủy Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành chỉ thị của Ban Thường vụ Huyện ủy về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.

Theo đó, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 30/3/2007 của Ban Bí thư "về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ", huyện Đầm Hà đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của sinh hoạt cho bộ.

Các cấp ủy, cán bộ, đảng viên phải coi sinh hoạt chi bộ là hoạt động trọng tâm của chi bộ, là cơ sở, môi trường để phát huy dân chủ trong Đảng. Các chi bộ bám sát hướng dẫn số 12-HD/BTCTW ngày 6/7/2018 của Ban Tổ chức Trung ương về "Một số vấn đề nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ". Thực hiện nghiêm chế độ họp chi ủy (hội ý bí thư, phó bí thư ở những nơi không có chi ủy) để thống nhất, chuẩn bị kỹ nội dung sinh hoạt, chọn những việc cụ thể, thiết thực liên quan đến thực hiện nhiệm vụ của chi bộ và quyền lợi của đảng viên, quần chúng, những vấn đề bức xúc, nổi cộm, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để đưa ra thảo luận, bàn biện pháp khắc phục.

Quảng Ninh: "Cột" trách nhiệm người đứng đầu để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ cơ sở - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh dự sinh hoạt chi bộ thôn Cái Giá, xã Tân Bình, huyện Đầm Hà. Ảnh: CTV

Thực hiện đúng nguyên tắc tổ chức sinh hoạt, đảm bảo tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu. Thông qua sinh hoạt chi bộ, cấp ủy phải nắm được tình hình tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống và kết quả thực hiện nhiệm vụ của đảng viên.

Duy trì và đảm bảo số lượng đảng viên tham gia sinh hoạt theo qui định của Điều lệ Đảng. Đảm bảo nội dung công tác, chính trị, tư tưởng trong mỗi kỳ sinh hoạt, trong đó chọn những nội dung thời sự, các vấn đề của tỉnh, huyện, cơ quan, đơn vị phù hợp chức năng, nhiệm vụ của chi bộ, chủ trương, nghị quyết, văn bản của các cấp trên cần phổ biến đến đảng viên.

Duy trì nghiêm lịch sinh hoạt hàng tháng và sinh hoạt chuyên đề theo quy định. Đối với các chi bộ thôn, bản, khu phố, trên cơ sở điều kiện cụ thể, chi ủy chi bộ bố trí, sắp xếp lịch sinh hoạt (từ mùng 3 đến không quá mùng 10 hằng tháng), đảm bảo hợp lý, linh hoạt để tạo điều kiện thuận lợi cho đảng viên tham gia sinh hoạt, nhất là đảng viên đang làm việc tại các khu công nghiệp, làm ăn xa.

Quảng Ninh: "Cột" trách nhiệm người đứng đầu để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ cơ sở - Ảnh 3.

Một buổi sinh hoạt chi bộ ở Quảng An, huyện Đầm Hà, Quảng Ninh. Ảnh: Quảng An

Gắn trách nhiệm cá nhân các Bí thư, đảng bộ với việc lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Các cấp ủy viên được phân công phụ trách chi bộ chịu trách nhiệm về việc chỉ đạo, hướng dẫn chi bộ sinh hoạt đảm bảo chất lượng. Lấy kết quả hoạt động của chi bộ là một trong những tiêu chí đánh giá, xếp loại đảng viên cuối năm đối với các đồng chí được phân công chỉ đạo, theo dõi.

Các ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ huyện bám sát quy chế làm việc của Ban chấp hành Đảng bộ huyện bố trí thời gian để dự sinh hoạt chi bộ tại các đơn vị được phân công phụ trách (theo hình thức đột xuất không báo trước), chịu trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, giám sát chỉ đạo việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.

Ban Tuyên giáo Huyện ủy - Trung tâm Chính trị huyện hằng tháng trên cơ sở Bản tin sinh hoạt chi bộ của Tỉnh ủy, cập nhật chủ trương, văn bản mới, định hướng, tóm lược các nội dung chi bộ cần tập trung quán triệt, triển khai tại các kỳ sinh hoạt chi bộ. Chủ trì, phối hợp các cơ quan, ban Đảng, văn phòng Huyện ủy thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, nâng cao trình độ về công tác đảng cho đội ngũ Bí thư, Phó Bí thư, cấp ủy chi bộ.


Quảng Ninh: "Cột" trách nhiệm người đứng đầu để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ cơ sở - Ảnh 4.

Ông Vũ Quốc Hưng - Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Đầm Hà. Ảnh: Tuệ Nhi

Theo Huyện ủy Đầm Hà, trên cơ sở Ban thường vụ Tỉnh ủy có chỉ thị tập trung nâng cao chất lượng sinh hoạt. Trong đó đầu tiên là công tác cán bộ, tức là người đứng đầu của các chi đảng bộ cơ sở, hoặc các đảng bộ trực thuộc cơ sở. Đây là những người sẽ bằng trình độ, năng lực để đưa những cái mới xuống cấp xã.

Ông Vũ Quốc Hưng, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy cho biết: "Về nâng cao chất lượng thảo luận tại sinh hoạt chi bộ, muốn thảo luận tốt thì vấn đề cốt lõi là năng lực đảng viên phải tốt. Nội dung sinh hoạt phải bám sát thực tiễn đời sống của đảng viên. Muốn kéo được mọi người tham gia sinh hoạt thì buổi sinh hoạt đó phải gắn với đời sống như việc làm, thu nhập… Cái khó nhất để một buổi sinh hoạt chi bộ đạt hiệu quả là việc các đảng viên tham gia đóng góp ý kiến. Vì vậy người đứng đầu phải biết gợi mở, phải hiểu nội dung sinh hoạt và cần nhất là những nội dung gần gũi bám sát đời sống hàng ngày. Đến nay, có thể nói chất lượng sinh hoạt tại các chi bộ ngày một nâng cao. Từ sinh hoạt thường kỳ hay sinh hoạt chuyên đề đều bài bản, qui tắc và khoa học chứ không theo thói quen, ngẫu hứng như trước đây".

Bà Nguyễn Thị Hoa, Trưởng Ban Tuyên giáo huyện Đầm Hà nhìn nhận: "Công tác nâng cao chất lượng sinh hoạt là chủ trương của tỉnh từ đã lâu. Tuy nhiên áp dụng vào thực tiễn thì mỗi thời kỳ một khác. Đối với huyện Đầm Hà vẫn duy trì và hiệu quả. Có những chỉ thị, nghị quyết được tỉnh tổ chức trực tuyến tới tận các chi đảng bộ xã. Như vậy, từ chỉ thị đến khâu thực hiện trước kia rất lâu nhưng nay đã thông suốt. Báo cáo viên đều là những lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, những vấn đề gợi mở khi họp, định hướng thì rất là sâu.

Quảng Ninh: "Cột" trách nhiệm người đứng đầu để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ cơ sở - Ảnh 5.

Bà Nguyễn Thị Hoa, Trưởng Ban Tuyên giáo huyện Đầm Hà. Ảnh: Tuệ Nhi

Bên cạnh đó, sau khi chỉ thị ra thì các đơn vị đề phải dự thảo, hoặc kế hoạch hoặc chương trình hành động. Như vậy các nội dung của văn bản chỉ thị phải tiếp thu, vận dụng vào các loại hình tổ chức cơ sở đảng như nào cho phù hợp. Trên cơ sở đó, đảng viên được học rồi về chi bộ mới thảo luận. Ngoài những văn bản của trung ương và tỉnh thì hàng quý thì huyện cũng tổ chức hội nghị quán triệt đến tất cả các chi bộ. Thuận tiện hơn khi trực tuyến với các xã. Khối chi bộ các cơ quan thì được học tập tại hội trường. Như vậy là đã được quán triệt về các đồng chí chỉ thảo luận và về ban hành các chương trình hành động, kế hoạch của mình".


Quảng Ninh: "Cột" trách nhiệm người đứng đầu để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ cơ sở - Ảnh 6.

Một buổi sinh hoạt chi bộ ở thôn Nà Thổng, xã Quảng An. Ảnh: TC

Tại buổi sinh hoạt chi bộ của Chi bộ thôn Tán Trúc Tùng, xã Quảng An, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh được bắt đầu vào 19 giờ 30 tối một ngày đầu tháng.

Ông Chìu A Sám, Bí thư chi bộ cho biết, chi bộ có 7 đảng viên. Lý giải về việc tổ chức sinh hoạt vào buổi tối ông Chìu A Sám cho biết, do các đảng viên đều là nông dân và lao động tự do nên đây là một cách làm linh hoạt để các đảng viên được dự sinh hoạt đầy đủ. Cũng theo ông Chìu A Sám, cuộc họp chi bộ thời gian gần đây luôn có nhiều ý kiến của các đảng viên từ việc nâng cao chất lượng sinh hoạt đến bàn về sản xuất sao cho hiệu quả… Sau đó cùng nhau trao đổi, góp ý, bàn bạc cụ thể để có cách làm hiệu quả nhất.

Đối với chi bộ có 6 đảng viên của thôn Nà Thổng, cùng xã Quảng An do ông Lỷ Văn Nhì là Bí thư chi bộ thì trước đây các buổi sinh hoạt thường nặng về phổ biến nội dung các nghị quyết nhưng những năm gần đây chi ủy đã chọn những vấn đề thực thế, gần gũi, cấp bách mà người dân đang quan tâm để tập trung thảo luận.

Chi bộ cũng xây dựng quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ từng đảng viên tuyên truyền các chủ trương của cấp ủy các cấp, làm tốt việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, kịp thời phản ánh những vấn đề nổi cộm, bức xúc đến chi ủy chi bộ và Đảng bộ, thực hiện tốt công tác kiểm tra giám sát tại từng chi bộ, phát huy vai trò của mỗi đảng viên trong tự phê bình và phê bình, công tác nêu gương trong tham gia thực hiện các nhiệm vụ của người đảng viên và phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Theo bà Chu Thị Hảo, Bí thư xã Quảng An, thôn Nà Thổng là một trong nhiều chi bộ thôn của xã duy trì nghiêm túc nề nếp sinh hoạt, nội dung sinh hoạt cũng được chuẩn bị kỹ. Trong sinh hoạt, đảng viên hăng hái tham gia đóng góp ý kiến xây dựng. Chi bộ cũng dành nhiều thời gian bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn và những vấn đề thực tế đặt ra.

Cũng theo bà Hảo, xã duy trì sinh hoạt chi bộ hàng tháng, sinh hoạt chuyên đề, phân công các đồng chí đảng ủy viên sinh hoạt tại các chi bộ thôn và trực tiếp quán triệt, truyền đạt các chủ trương chỉ đạo của huyện, tỉnh, xã theo đúng tinh thần Chỉ thị số 13-CT/HU ngày 28/2/2022 của Ban Thường vụ Huyện ủy. Thường xuyên kiểm tra, giám sát 17/17 chi bộ tổ chức sinh hoạt định kỳ hàng tháng, nội dung tổ chức sinh hoạt theo chuyên đề của các chi bộ đã xây dựng.

Đảng bộ huyện Đầm Hà hiện có 34 chi, đảng bộ cơ sở, 158 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở, với tổng số 2.362 đảng viên. Để duy trì, đảm bảo sức mạnh, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, Đảng bộ đã thực hiện nghiêm lịch sinh hoạt chi bộ hằng tháng và sinh hoạt chuyên đề theo quy định. Đối với các chi bộ thôn, khu phố, trên cơ sở điều kiện cụ thể, chi ủy chi bộ bố trí, sắp xếp lịch sinh hoạt trong thời gian từ ngày 3 đến ngày 10 hằng tháng và đảm bảo hợp lý, linh hoạt để tạo điều kiện thuận lợi cho đảng viên tham gia đầy đủ, nhất là đối với đảng viên làm ăn nơi xa.