Những thay đổi trong học tập của học sinh khi vào lớp 10

Ngọc Trân
13:57 - 22/08/2023
Công dân & Khuyến học trên

Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, cấp trung học phổ thông là "giai đoạn giáo dục nghề nghiệp" nên có những thay đổi so với chương trình cũ. Học sinh lớp 10 cần chuẩn bị tâm thế mới và sẵn sàng đón nhận những thay đổi mới khác biệt so với lớp 9 trung học cơ sở.

Những thay đổi trong học tập của học sinh khi vào lớp 10 - Ảnh 1.

Học sinh lớp 10 bước vào giai đoạn giáo dục nghề nghiệp. Ảnh: Ngọc Ánh

Những thay đổi về môn học, phương pháp học tập

Học sinh lớp 9 của năm học vừa qua vẫn còn học chương trình 2006 nên về cơ bản đều học các môn học như nhau và đều là các môn học bắt buộc. Việc kiểm tra, đánh giá, xếp loại học tập được thực hiện theo Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Tuy nhiên, khi lên lớp 10, học sinh sẽ làm quen với chương trình giáo dục phổ thông 2018 với các môn học bắt buộc, môn học lựa chọn, chuyên đề học tập. Theo hướng dẫn của Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT thì học sinh học sinh cấp trung học phổ thông sẽ có 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, bao gồm: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Lịch sử; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục địa phương.

Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh số môn học lựa chọn còn 9 môn và không chia thành các nhóm môn. Học sinh chọn 4 môn học trong 9 môn lựa chọn. Các môn lựa chọn gồm: Địa lí; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lí; Hóa học; Sinh học; Công nghệ; Tin học; Âm nhạc; Mĩ thuật. Bên cạnh các môn học bắt buộc, lựa chọn sẽ có các chuyên đề học tập: Mỗi môn học Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật. Thời lượng dành cho mỗi chuyên đề học tập là 10 tiết hoặc 15 tiết; tổng thời lượng dành cho cụm chuyên đề học tập của một môn học là 35 tiết/năm học.

Vì thế, việc đầu tiên là học sinh sẽ phải lựa chọn các môn học lựa chọn cho tổ hợp và các chuyên đề học tập. Điều này cũng đồng nghĩa, dù học cùng trường, cùng khối với nhau nhưng các lớp học sẽ có môn học lựa chọn và chuyên đề học tập khác nhau. Chính vì vậy, việc chuyển lớp, chuyển trường ở cấp trung học phổ thông cũng sẽ khó khăn và phức tạp hơn trước đây rất nhiều.

Về phương pháp học tập của học sinh lớp 10 cũng có những điểm khác biệt cơ bản so với năm học lớp 9 vừa qua vì chương trình 2006 là truyền thụ kiến thức, giáo viên vẫn là người truyền đạt kiến thức cho học sinh nhưng khi học chương trình 2018 thì hướng tới phát triển phẩm chất năng lực cho học trò nên học sinh phải chủ động và làm việc nhiều hơn khi học tập trên lớp cũng như những lúc ở nhà. Nếu học sinh thụ động, khả năng trao đổi, thảo luận nhóm không tốt sẽ khó tiếp cận được những kiến thức bài học.

Thay đổi về xếp loại học lực, rèn luyện và kiểm tra, đánh giá học tập

Khi học lớp 9, học sinh đang thực hiện việc kiểm tra, đánh giá, xếp loại học lực, rèn luyện theo hướng dẫn của Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT nhưng khi lên lớp 10 sẽ thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT. Vì thế, sẽ có nhiều khác biệt so với trước đây.

Nếu như ở cấp trung học cơ sở, học sinh học chương trình 2006 đã quen với cách xếp loại học lực theo 5 mức: Giỏi, Khá, Trung bình, Yếu, Kém và cuối học kỳ, cuối năm học, học sinh sẽ được khen thưởng theo danh hiệu: Học sinh Giỏi; Học sinh Tiên tiến. Thế nhưng, lên lớp 10 sẽ học chương trình 2018 thì không còn danh hiệu Học sinh Tiên tiến nữa. Thay vào đó, cách xếp loại học lực theo hướng dẫn của Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT sẽ có 4 mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt. Danh hiệu khen thưởng cuối học kỳ, cuối năm học sẽ được gọi là Học sinh Xuất sắc và Học sinh Giỏi. Môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ không còn khống chế việc xếp loại học lực và danh hiệu khen thưởng như trước đây.

Việc xếp loại hạnh kiểm cũng được thay đổi thành "rèn luyện" theo hướng dẫn của Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT và chia làm 4 mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt chứ không gọi hạnh kiểm: Tốt; Khá, Trung bình, Yếu, Kém như trước.

Đặc biệt, trong kiểm tra, thi cử cũng có những thay đổi, đặc biệt là môn Ngữ văn. Nếu như các năm học ở cấp trung học cơ sở chủ yếu học gì, kiểm tra, thi ở đó nhưng khi lên lớp 10, học sinh sẽ thực hiện theo hướng dẫn của Công văn 3175 nên những văn bản nào đã học trong sách giáo khoa sẽ không được lấy làm ngữ liệu cho phần đọc hiểu và viết trong kiểm tra, thi môn Ngữ văn.

Hiểu một cách nôm na là những văn bản văn học trong sách giáo khoa sẽ không được dùng trong kiểm tra, thi cuối cấp mà tất cả là phải lấy ngoài sách giáo khoa. Vì thế, những học sinh lâu nay quen lệ thuộc vào văn mẫu phải thay đổi cách học mới phù hợp với cách kiểm tra mới của môn Ngữ văn.

Chính từ những khác biệt này, học sinh lớp 10 thời gian đầu có thể sẽ có những bỡ ngỡ nhất định. Vì thế, rất cần các em chủ động trong học tập để hòa nhập môi trường học tập mới với nhiều khác biệt sẽ phát huy tốt được khả năng, năng lực của mình và định hình khối thi, xét tuyển đại học sau này một cách tốt nhất cho tương lai.