Những sự kiện nào sẽ tác động tới thị trường tuần này?

17:55 - 07/11/2022
Công dân & Khuyến học trên

Cuộc bầu cử ở Mỹ, dữ liệu lạm phát của Mỹ, động thái tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Hội nghị về biến đổi khí hậu COP27 vừa khai mạc, và các Ngân hàng Trung ương, Trung Quốc điều chỉnh các chính sách trong chiến dịch chống COVID-19... là những sự kiện có thể tác động mạnh.

Bầu cử giữa kỳ ở Mỹ

Mỹ đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử giữa kỳ vào thứ Ba, nơi quyền kiểm soát của Quốc hội và chương trình nghị sự của Tổng thống Joe Biden trong hai năm còn lại của nhiệm kỳ đang bị đe dọa.

Sự kiện nào sẽ tác động tới thị trường tuần này? - Ảnh 1.

Mỹ đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử giữa kỳ vào thứ Ba 8/11. Ảnh: IT

Đảng Cộng hòa đã dẫn đầu trong các cuộc thăm dò và nhiều nhà phân tích tin rằng kết quả có thể sẽ là một chính phủ chia rẽ, với sự kiểm soát của Đảng Cộng hòa tại Hạ viện và cũng có thể là Thượng viện trong nửa sau nhiệm kỳ của Biden.

Hy vọng bầu cử của đảng Dân chủ đã bị dập tắt bởi những lo ngại của cử tri về lạm phát cao, và tỷ lệ chấp thuận của công chúng đối với Biden đã duy trì dưới 50% trong hơn một năm, đạt mức 40% trong một cuộc thăm dò gần đây.

Các nhà phân tích cho biết một chiến thắng bất ngờ của đảng Dân chủ có thể làm dấy lên lo ngại về chi tiêu tài khóa nhiều hơn và triển vọng lạm phát.

Theo dữ liệu của Reuters, chứng khoán Hoa Kỳ đã hoạt động tốt hơn trong thời kỳ chính phủ bị chia rẽ, với lợi nhuận trung bình hàng năm của S&P 500 là 14% trong một Quốc hội chia rẽ và 13% trong một Quốc hội do Đảng Cộng hòa tổ chức dưới thời tổng thống Dân chủ, so với với 10% khi đảng Dân chủ kiểm soát cả nhiệm kỳ tổng thống và Quốc hội.

Hội nghị về khí hậu – sự quan tâm của cả thế giới

Các vấn đề về khí hậu trở thành trung tâm chú ý của toàn cầu khi các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới khởi động các cuộc đàm phán COP27 về việc kiềm chế khí thải tại khu nghỉ mát ven biển Sharm el-Sheikh của Ai Cập vào thứ Hai (5/11), dự kiến kéo dài đến 18/11.

Với cuộc xung đột ở Ukraine, các vấn đề cung cấp thực phẩm và năng lượng cũng như lạm phát gia tăng đang chiếm phần lớn trong chương trình nghị sự, và khiến hội nghị giảm tập trung vào những cam kết mới để giảm lượng khí thải, mà thay vào đó là tập trung nhiều hơn vào việc duy trì các hoạt động hiện nay.

Điều quan trọng là những bước mà thế giới phát triển sẽ thực hiện để giúp các nước nghèo hơn cắt giảm lượng khí thải và điều chỉnh nền kinh tế của họ dưới những tác động của biến đổi khí hậu cũng như những hậu quả mà biến đổi khí hậu gây ra.

Dự kiến Hội nghị cũng sẽ có những bản cập nhật và cam kết mới về một loạt các cam kết đã được ký vào năm ngoái ở Glasgow, bao gồm cả về nạn phá rừng, thị trường khí mê-tan và carbon.

Dữ liệu lạm phát tại Mỹ  

Dự kiến báo cáo về dữ liệu lạm phát cho tháng 10 sẽ được Hoa Kỳ công bố vào thứ Năm với các dấu hiệu hạ nhiệt của áp lực giá cả sau một loạt các đợt tăng lãi suất "khủng" của FED. 

Chủ tịch FED Jerome Powell tuần trước cho biết các nhà hoạch định chính sách có thể sẽ áp dụng lãi suất cao hơn mức tưởng tượng trong nỗ lực kiềm chế lạm phát tăng vọt, do đó, một dữ liệu lạm phát nóng hơn dự kiến có thể sẽ củng cố.

Nhưng mặt khác, nếu một kết quả về lạm phát tốt hơn mong đợi có thể sẽ khiến các thị trường tập trung hơn vào khả năng xảy ra suy thoái.

Các nhà kinh tế đang kỳ vọng tỷ lệ lạm phát hàng năm là 8,0% và tỷ lệ lạm phát hàng tháng sẽ tăng 0,7%.

Trung Quốc và các biện pháp chống COVID-19

Những tin đồn về việc Trung Quốc mở cửa thị trường trở lại đã tạo cớ cho việc mua các tài sản của Trung Quốc trong những ngày gần đây, nhưng sự trồi sụt của đồng Nhân dân tệ còn chịu thêm tác động từ sức khỏe nền kinh tế, đặc biệt là tâm lý và chi tiêu của người tiêu dùng. Các dự liệu về lạm phát và tín dụng sẽ được công bố trong tuần tới, từ đó có thể giúp cho thị trường có thêm cơ sở để dự đoán về chính sách chống COVID 19 của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Nhưng sự tập trung chú ý nhất có thể sẽ là dự trữ ngoại hối, trong bối cảnh đồng nhân dân tệ đang có năm giảm giá mạnh nhất kể từ 1994.

Giảm 8 tháng liên tiếp, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đang ở mức dưới ngưỡng tâm lý - 3 nghìn tỷ USD. Sự sụt giảm đó sẽ là một tấm gương phản chiếu về sức mạnh của đồng đô la, và có lẽ ở khắp Bắc Á, nơi dự trữ ngoại hối đang giảm ở khắp nơi, từ Seoul đến Đài Bắc và Tokyo.

Các ngân hàng tiếp tục thắt chặt tiền tệ 

Sau khi 10 nền kinh tế phát triển nhất thế giới đã tăng lãi suất tổng cộng 2.300 điểm cơ bản trong chu kỳ thắt chặt mà họ đang tiến hành, các thị trường đang hy vọng các ngân hàng sẽ xoay trục sang hướng ôn hòa hơn.

Tuy nhiên, hy vọng đó gần như không có cơ hội trở thành hiện thực. FED và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) vừa đưa ra mức tăng lãi suất mạnh mẽ 0,75%. Giới phân tích cho rằng, động thái này còn có thể tiếp diễn thêm nhiều lần nữa.

Nhưng có lẽ những động thái đó có thể sẽ ít quyết liệt hơn, như nhận xét từ Giám đốc FED Jerome Powell gợi ý. Ngân hàng trung ương Úc đã giảm tốc độ tăng lãi suất và chỉ tăng nhẹ vào thứ Ba. Dữ liệu và các bình luận của ngân hàng trung ương trong những ngày tới sẽ vẫn được xem xét kỹ lưỡng. Hy vọng rất nhiều về sự xoay trục sang hướng ôn hòa vẫn xa vời, và các thị trường thế giới đang bị "vùi dập" có thể sẽ vẫn phải chịu áp lực thêm một thời gian nữa.

GDP của Vương quốc Anh

Vương quốc Anh sẽ công bố dữ liệu sơ bộ về tăng trưởng quý thứ Ba vào thứ Sáu, dự kiến cho thấy nền kinh tế giảm 0,5% trong ba tháng tính đến tháng Chín.

Trước đó như đã đề cập, Ngân hàng Trung ương Anh tăng lãi suất mạnh, tìm cách chống lại rủi ro từ tỷ lệ lạm phát trên 10% và cảnh báo về một cuộc suy thoái kéo dài.

BoE dự báo lạm phát sẽ đạt mức cao nhất trong 40 năm là khoảng 11% trong quý hiện tại, nhưng nước Anh đã bước vào một cuộc suy thoái có khả năng kéo dài hai năm – lâu hơn cả trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009.

Nguồn: P.V (Tổng hợp)