Tiến sĩ Đặng Minh Tuấn: Bản chất ChatGPT như một con vẹt

Đắc Quang
20:36 - 15/02/2023
Công dân & Khuyến học trên

Tại tọa đàm chuyên đề "ChatGPT và các góc nhìn đa chiều", Tiến sĩ Đặng Minh Tuấn cho biết ChatGPT chỉ học và lặp lại những gì được học mà không hiểu ngữ nghĩa mình nói.

Ngày 15/2, Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ Trẻ Việt Nam (VAYSE) tổ chức tọa đàm chuyên đề "ChatGPT và các góc nhìn đa chiều". 

Tiến sĩ Đặng Minh Tuấn: Bản chất ChatGPT như một con vẹt - Ảnh 1.

Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ Trẻ Việt Nam (VAYSE) tổ chức tọa đàm chuyên đề "ChatGPT và các góc nhìn đa chiều". Ảnh: Đắc Quang

Diễn giả của tọa đàm bao gồm: Tiến sĩ Đặng Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng CMC, Trưởng phòng Lab Blockchain – Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Phước Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Trung Đông và Châu Phi, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ, chuyên gia về công nghệ giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; Tiến sĩ Phạm Hiển, Trưởng phòng Biên tập - Trị sự Tạp chí Ngôn ngữ, Viện Ngôn ngữ học và Tiến sĩ Chử Đức Hoàng, Chánh văn phòng Quỹ đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ Quốc gia.

Toạ đàm giúp đội ngũ tri thức trẻ và những người có cùng mối quan tâm về ChatGPT có cơ hội phân tích, đánh giá lợi ích và hạn chế của sản phẩm trí tuệ này dưới một góc nhìn đa chiều.

ChatGPT dựa trên mô hình ngôn ngữ xác suất

Tại chương trình, Tiến sĩ Đặng Minh Tuấn chia sẻ tổng quan, bản chất, khả năng ứng dụng, hạn chế và những đánh giá về ChatGPT.

Tiến sĩ Đặng Minh Tuấn: Bản chất ChatGPT như một con vẹt - Ảnh 2.

Tiến sĩ Đặng Minh Tuấn đã chia sẻ tổng quan, bản chất, khả năng ứng dụng, hạn chế và những đánh giá về ChatGPT. Ảnh: Đắc Quang

Chatbot (ChatterBot) là phần mềm có khả năng tương tác, hội thoại với người dùng qua text hoặc voice (CallBot) thường dùng để trả lời các câu hỏi, hỗ trợ, tư vấn khách hàng. 

Công nghệ này thường sử dụng AI trong lõi để hiểu ý định người hỏi (intent), tìm câu hỏi tương đồng trong bộ câu hỏi được xây dựng sẵn để đưa ra câu trả lời. Chatbot được sử dụng tại Việt Nam từ năm 2016 với nhiệm vụ hỗ trợ bán hàng.

ChatGPT (Chat Generative Pre-trained Transformer) là Chatbot được OpenAI phát hành vào 30/11/2022, dựa trên GPT-3.

Đặc điểm của công cụ này là trả lời câu hỏi (tốt nhất hiện nay), được huấn luyện trên dữ liệu lớn với 175 tỉ tham số và 300 tỉ từ, thông tin đa lĩnh vực, đa ngôn ngữ, đa trường hợp sử dụng.

Và ChatGPT được xây dựng dựa trên mô hình ngôn ngữ xác suất (transformer), không phải hệ cơ sở dữ liệu tri thức, do đó không hiểu nghĩa câu trả lời.

"Bản chất ChatGPT như một con vẹt. Nó chỉ học và lặp lại những gì được học mà không hiểu ngữ nghĩa mình nói như nhiều người vẫn tưởng", Tiến sĩ Đặng Minh Tuấn cho biết.

ChatGPT có thể ứng dụng ở hầu hết các ngành nghề

Theo Tiến sĩ Đặng Minh Tuấn, ChatGPT có khả năng áp dụng hầu hết các ngành nghề, bởi lẽ công việc nào cũng cần thông tin và tạo thông tin.

Trong đó, ChatGPT có 4 điểm ứng dụng chính: Tra cứu thông tin qua câu hỏi (trả lời thẳng vào câu hỏi, ngắn gọn); tạo nội dung (ý tưởng, kịch bản phim, truyện, khóa luận, viết bình luận, làm thơ, viết mã công nghệ thông dạng code, trả lời email); dịch thuật và tóm tắt văn bản.

Tiến sĩ Đặng Minh Tuấn: Bản chất ChatGPT như một con vẹt - Ảnh 3.

Tiến sĩ Đặng Minh Tuấn: "Những câu trả lời của ChatGPT phụ thuộc vào dữ liệu và ý chí của người phát triển, nên có thể điều khiển được". Ảnh: Đắc Quang

Tuy nhiên, ChatGPT hiện có nhiều hạn chế. Trước hết, câu trả lời có thể không chính xác hoặc vô nghĩa, dẫn đến thiên kiến, gây tranh cãi. Nhiều câu trả lời của ChatGPT chưa cập nhật thông tin sau năm 2021.

Các phản hồi của công nghệ này phần lớn thiếu dẫn nguồn, minh chứng. Do đó, người sử dụng có thể phải mất nhiều thời gian để kiểm chứng.

ChatGPT cũng có thể "bắt chước" phản hồi tiêu cực từ người dùng, gây nên những phản hồi tiêu cực về sau. Khả năng tạo ra các câu ngắn và có nghĩa, ví dụ như thơ ngắn, còn hạn chế.

Công cụ này không có khả năng sáng tạo mới. Những sáng tạo của chúng hiện tại chỉ trong khuôn khổ tổng hợp những gì đã được huấn luyện.

Đặc biệt, vì không phải là hệ cơ sở dữ liệu trí thức nên khả năng suy diễn của ChatGPT còn hạn chế (chỉ dựa vào xác suất, độ tương đồng ngữ nghĩa và số).

Bên cạnh đó, với những đặc điểm của mình, ChatGPT cũng có thể được sử dụng để làm phương tiện gian lận hay tạo ra đoạn văn để lừa đảo. 

"Bình thường, kẻ lừa đảo phải nghĩ nội dung hấp dẫn để gửi link độc qua email mọi người. Giờ đây, ChatGPT có thể giúp chúng tạo ra những nội dung đó", Tiến sĩ Đặng Minh Tuấn giải thích.

Một điểm hạn chế nữa là những câu trả lời của ChatGPT phụ thuộc vào dữ liệu và ý chí của người phát triển, nên chúng có thể điều kiển được.

Người dùng cần kiểm chứng câu trả lời của ChatGPT

Tại tọa đàm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng CMC Đặng Minh Tuấn nêu lên những nhận định về ChatGPT trong thời gian gần đây: "Có nhiều ý kiến lo ngại quá mức, hay thổi phồng sức mạnh của ChatGPT. 

Cho rằng công nghệ này có thể thay thế con người, làm biến mất nhiều ngành nghề. ChatGPT đặt ra vấn đề bản quyền sở hữu trí tuệ; trách nhiệm về hậu quả của câu trả lời trong trường hợp ai đó nghe theo lời khuyên của công nghệ này và gặp nạn".

Tiến sĩ Đặng Minh Tuấn nhận định, ChatGPT chỉ là công cụ phân tích dữ liệu và mô hình tìm kiếm tương đồng ngữ cảnh theo xác suất thống kê và trọng số (không phải hệ tri thức).

Do đó, con người có thể sử dụng công cụ này để nâng cao năng suất lao động (tìm kiếm nhanh, gợi ý ý tưởng...)

"ChatGPT có mặt ưu việt và có những hạn chế. Người sử dụng cần kiểm chứng thông tin câu trả lời; có trách nhiệm khi sử dụng và khi quyết định ứng dụng chúng", Tiến sĩ Đặng Minh Tuấn nêu quan điểm.

Sau chia sẻ của Tiến sĩ Đặng Minh Tuấn, các diễn giả đã cùng thảo luận về ứng dụng và các mối đe dọa của ChatGPT đối với các lĩnh vực giáo dục, ngôn ngữ, nghiên cứu khoa học, quản lý nhà nước.

Qua đó, cung cấp cho khán giả những hiểu biết cơ bản và cách đối diện với ChatGPT nói riêng, những thành quả của phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) nói chung.