Những cây bàng phủ bóng thời gian ở Côn Đảo

Trịnh Thông Thiện
06:00 - 27/11/2022
Công dân & Khuyến học trên

Đến Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu), có một việc "bất khả thi" đối với du khách là thử tính xem huyện đảo chỉ rộng 76 km vuông này có bao nhiêu cây bàng. Cây bàng mọc từ trường học, bên vệ đường, ở mọi ngóc ngách đường phố; bàng ven biển, bàng trên sườn núi…

Cây bàng như "nhân chứng sống" chứng kiến sự đi lên của huyện đảo "từ địa ngục trần gian" thời Pháp thuộc và kháng chiến chống Mỹ đến "thiên đường du lịch" ngày nay.

Những cây bàng - "cư dân" của Côn Đảo

Nếu trong đất liền, cây bàng lá mỏng, thân cây tròn trịa, dáng cây nghiêng ngả thì cây bang sinh trưởng ở Côn Đảo độc đáo và đặc hữu: lá bàng cứng dày và xanh biếc, dáng thẳng tắp sừng sững vươn lên trời. Vỏ cây sần sùi, nứt nẻ, thân cây nổi nhiều u bướu như xà cừ cổ thụ. Có những cái bướu to ngang phần thân cây còn lại và có hình thù kì lạ. Những u bướu đó là "đề tài" cho những câu chuyện của những du khách đến đây.

Cây bàng ở Côn Đảo hiện diện ở khắp nơi như thể loài cây này cũng là một sinh thể sống, là "cư dân" của huyện đảo này. Ở Côn Đảo, có những con đường chỉ duy nhất có sự hiện diện của cây bàng cổ thụ mà nhiều người quen gọi là "con đường bàng". Đó là đường Lê Duẩn với 11 cây bàng di sản. Rồi đường Tôn Đức Thắng – con đường ven biển đẹp nhất Côn Đảo chạy qua cầu tàu 914 (nơi 914 tù nhân chính trị đã hy sinh khi xây dựng cầu này) cũng có đến 19 "cụ" bàng di sản, mọc thành hàng thẳng tắp, đứng ngạo nghễ giữa đất trời.

Cư dân Côn Đảo kể về những cây bàng cổ thụ với niềm tự hào xen lẫn trìu mến. Tự hào trước hết vì cây bàng đã gắn bó với đảo xa tự bao đời nay, kiên cường chống chọi với bao thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên để vươn lên mạnh mẽ, như những chứng nhân đã trải qua bao thăng trầm cùng với lịch sử của hòn đảo này. Giữa bạt ngàn nắng gió biển khơi, vẫn xanh ngắt những cây bàng cổ thụ, như bức tường thành vững chãi che chắn cho hòn đảo trước bao cơn sóng dữ, bão giông.

Những cây bàng cổ thụ ở Côn Đảo cao lớn, hùng vĩ, trầm mặc, cổ lão, gốc xoải rộng đến 5 - 7 mét thường gây ấn tượng với du khách. Có phải khí hậu nơi đây thích hợp với loại cây ưa sáng này khi ánh sáng trên đảo tràn trề để chúng tồn tại với thời gian, hay những cây bàng ấy buộc phải vĩnh cửu để nói với hậu thế về những gì mà mình đã chứng kiến suốt hơn 150 năm, kể từ khi thực dân Pháp đặt viên gạch đầu tiên để hình thành nên "địa ngục trần gian"?

"Nhân chứng" về tộc ác chiến tranh ở Côn Đảo

Đến Côn Đảo, khi tham quan hệ thống nhà tù, du khách còn được hướng dẫn viên kể về những câu chuyện liên quan đến cây bàng và cuộc sống của những người tù chính trị khổ sai trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Bởi thế, cây bàng cũng được coi là "chứng nhân" trong nhiều giai đoạn lịch sử của Côn Đảo.

Gắn liền với giai đoạn "địa ngục trần gian", cây bàng góp phần cứu sống nhiều tù nhân. Mỗi lần được cai ngục cho ra ngoài, người tù thường lén hái những lá bàng non và cả trái bàng xanh, giấu trong người, ngậm trong miệng..., đem vào phòng giam chia cho đồng đội cùng ăn. Ban đầu, việc ăn lá bàng hay trái bàng chỉ đơn thuần vì người tù quá thiếu rau xanh. Sau đó, người tù nhận ra, lá bàng có thể giúp vết thương bớt đau nhức, mưng mủ, chữa tiêu chảy… "Nhiều người tù cũng lấy lá bàng thay giấy để viết thơ ca, để truyền tin cho nhau", ông Phan Hoàng Oanh nhớ lại.

Ông Phan Hoàng Oanh là cựu tù chính trị Côn Đảo, nguyên Trưởng ban Quản lý di tích Côn Đảo. Ông kể, những chiếc lá bàng vàng héo rụng vô tình trên sân được người tù gom nhặt dành lót nằm mong ủ chút hơi ấm trên nền đá lạnh trại giam. Những chiếc lá bàng non và quả bàng được dành làm thức ăn bổ sung dưỡng chất, vitamin cho người tù đã suy kiệt, phù thũng do bữa ăn tù chỉ có cơm hẩm cá mục kéo dài. Không chỉ thế, người tù còn đốt lá bàng khô để lấy tro làm mực viết thư truyền thông tin cho nhau; chọn gốc bàng xù xì nhiều rễ nổi, bướu gỗ tạo thành hang hốc làm hộp thư liên lạc bí mật. Những tù nhân Côn Đảo đã dành lá bàng nguyên lành để chép những vần thơ tràn đầy khí phách người cách mạng, tố cáo tội ác dã man của kẻ thù, động viên nhau giữ vững ý chí chiến đấu, vượt qua gian lao...

Người dân đảo cũng tự hào về những cây bàng cổ thụ trong khuôn viên dãy nhà tù Côn Đảo đã gắn liền với lịch sử đấu tranh kiên cường của những chiến sĩ cách mạng, những người yêu nước từng bị lưu đày nơi đây. Trong sân trại Phú Tường, Phú Hải, vẫn còn đó những gốc bàng cổ thụ trầm mặc lặng lẽ ghi đậm chứng tích lịch sử bi hùng của tù chính trị, nơi mà bàng trở thành người bạn thân thiết của những người đang chịu cảnh đọa đày, tra tấn dã man.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, những cây bàng vẫn sừng sững giữa đất trời, để giờ người dân Côn Đảo luôn nhắc đến chúng với sự tự hào và trìu mến.

Ngày nay, người dân Côn Đảo còn dùng trái bàng để chế biến thành món ăn đặc sản như: hạt bàng rang, mứt hạt bàng...
Những cây bàng phủ bóng thời gian ở Côn Đảo - Ảnh 1.

Những cây bàng tỏa bóng mát trên tuyến đường Tôn Đức Thắng ở thị trấn Côn Sơn, huyện Côn Đảo.

Những cây bàng phủ bóng thời gian ở Côn Đảo - Ảnh 2.

Cứ vào tháng 8-12 hằng năm, những cây bàng cổ thụ ở Côn Đảo lại nhú chồi non ở những gốc cây già nua, xù xì.

Những cây bàng phủ bóng thời gian ở Côn Đảo - Ảnh 3.

Hai tuyến đường có nhiều cây bàng cổ thụ được công nhận "cây di sản" nhất đảo là đường Tôn Đức Thắng
với 19 cây và đường Lê Duẩn 11 cây.

Những cây bàng phủ bóng thời gian ở Côn Đảo - Ảnh 4.

Những khối u xù xì ở một gốc bàng cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng.

Những cây bàng phủ bóng thời gian ở Côn Đảo - Ảnh 5.

Những cây bàng cổ thụ đi qua thăng trầm lịch sử cùng những người tù cách mạng trong di tích trại giam Phú Hải.

Những cây bàng phủ bóng thời gian ở Côn Đảo - Ảnh 6.

Những cây bàng cổ thụ do cố Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng trồng trong trại giam Phú Hải.

Những cây bàng phủ bóng thời gian ở Côn Đảo - Ảnh 7.

Bàng đã cùng tù nhân Côn Đảo vượt qua những năm tháng đấu tranh cách mạng ở chốn "địa ngục trần gian". Bị bắt, bị tra tấn, bị bỏ đói nhưng các chiến sĩ vẫn không sờn lòng, họ nhiều khi phải ăn lá bàng non để duy trì sự sống. Vì thế, trong các hệ thống trại giam, nhà tù Côn Đảo đến nay vẫn còn rất nhiều cây bàng cổ thụ, như những chứng nhân lịch sử.

Những cây bàng phủ bóng thời gian ở Côn Đảo - Ảnh 8.

Nhà tù Côn Đảo với những cây bàng hàng trăm năm tuổi gắn liền với những trang lịch sử oai hùng của dân tộc.

Những cây bàng phủ bóng thời gian ở Côn Đảo - Ảnh 9.

Những cây bàng cổ thụ ở Côn Đảo gắn liền với ký ức về những người cựu tù chính trị năm xưa.

Những cây bàng phủ bóng thời gian ở Côn Đảo - Ảnh 10.

Trải qua hàng trăm năm, dù chống chọi với bao thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên nhưng những cây bàng Côn Đảo
vẫn phát triển, vẫn xanh tốt, vẫn tỏa bóng che mát những khoảng không, những con đường.

Những cây bàng phủ bóng thời gian ở Côn Đảo - Ảnh 11.

Những cổ thụ này có tuổi từ 130 đến 150 năm, hình dáng to lớn, hùng vĩ và trầm mặc.

Những cây bàng phủ bóng thời gian ở Côn Đảo - Ảnh 12.

Từ tháng 7- 11 hằng năng, lá bàng ở Côn Đảo xanh mướt, và từ tháng 12 – 3 là mùa lá rụng.

Những cây bàng phủ bóng thời gian ở Côn Đảo - Ảnh 13.

Vào thời điểm tháng 11, những cây bàng cổ thụ ở Côn Đảo bắt đầu đến mùa thay lá, lá xanh chuyển sang lá vàng, lá đỏ.

Những cây bàng phủ bóng thời gian ở Côn Đảo - Ảnh 14.

Cây bàng cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng được vinh danh là Cây Di sản Việt Nam.

Những cây bàng phủ bóng thời gian ở Côn Đảo - Ảnh 15.

Một gốc bàng già nua trước di tích lịch sử Chúa Đảo.

Những cây bàng phủ bóng thời gian ở Côn Đảo - Ảnh 16.

Những gốc bàng cổ thụ đan xen với những nét kiến trúc Pháp tạo nên vẻ đẹp cổ kính của Côn Đảo.

Những cây bàng phủ bóng thời gian ở Côn Đảo - Ảnh 17.

Một chồi xanh mọc lên trên tấm thân xù xì già nua của cây bàng cổ thụ.

Những cây bàng phủ bóng thời gian ở Côn Đảo - Ảnh 19.

Cổ xưa và hiện đại hòa lẫn với nhau ở Côn Đảo.

Huyện Côn Đảo có 53 cây bàng cổ thụ được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE) vinh danh là Cây Di sản Việt Nam. 53 cây bàng này có tuổi đời từ 130 đến 150 năm, tính từ năm thực dân Pháp bắt đầu xây dựng nhà tù (1862). Những cây này thường cao trung bình 15 mét, gốc cây 2 hoặc 3 người ôm. Những cây bàng di sản tập trung trong khuôn viên các nhà tù (trại Phú Hải, Phú Sơn) có 15 cây, trong di tích nhà Chúa Đảo có 8 cây.