Đánh giá kỹ 2 phương án mở rộng Cảng hàng không Côn Đảo

Thế Bằng
09:22 - 18/11/2022
Công dân & Khuyến học trên

Liên quan đến Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Côn Đảo, Cục Hàng không Việt Nam đánh giá đầu tư theo phương án đầu tư công sẽ khả thi hơn so với phương thức đối tác công tư (PPP) do đã có các chủ đầu tư dự án thành phần theo quy định pháp luật hiện hành.

Sau khi xem xét báo cáo của Bộ Giao thông vận tải về tình hình đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Côn Đảo, tại Công văn số 7696/VPCP-CN ngày 16/11/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải lấy ý kiến của các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Quốc phòng, Tài chính, Tư pháp, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và các cơ quan liên quan về việc đánh giá kỹ lưỡng 2 phương án đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Côn Đảo, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/11/2022.

Đánh giá kỹ lưỡng 2 phương án đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Côn Đảo - Ảnh 1.

Hiện tại, sân bay Côn Đảo hiện khai thác các chặng đi và đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, tần suất 20-22 chuyến trên ngày, công suất 400.000 khách trên năm. Ảnh: Vietnam+

Theo Cục Hàng không Việt Nam, có 2 phương án đầu tư đồng bộ sân bay Côn Đảo: Phương án 1 theo Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công; Phương án 2 theo Luật Đầu tư, phương thức đối tác công tư (PPP).

Nếu triển khai đầu tư Cảng hàng không Côn Đảo theo phương án 1, Cục Hàng không Việt Nam sẽ làm chủ đầu tư dự án.

Nếu thực hiện theo phương án 2 để huy động nguồn vốn xã hội đầu tư thì UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ quan có thẩm quyền dự án PPP Cảng Hàng không Côn Đảo.

Khoảng thời gian 51 tháng này bao gồm 12 tháng triển khai các thủ tục để đảm bảo điều kiện triển khai đầu tư Cảng hàng không Côn Đảo theo hình thức PPP (sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật; xử lý tài sản công; bàn giao đất, bàn giao tài sản từ quốc phòng sang dân dụng ....); 15 tháng lựa chọn nhà đầu tư và 24 tháng thực hiện dự án.

Phân tích về những lợi thế của mỗi phương án, Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, theo phương án 1 thì sẽ đảm bảo quyền của doanh nghiệp cảng, doanh nghiệp Nhà nước tại cảng hàng không, sân bay; đảm bảo sự ổn định trong phối hợp khai thác, đảm bảo ổn định vai trò quốc phòng an ninh của cảng hàng không, sân bay khai thác dùng chung…. Tuy nhiên, khó khăn của phương án này là hiện tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) chưa cân đối được kinh phí đầu tư giai đoạn 2021-2025 để triển khai đầu tư các hạng mục Dự án thành phần 3 theo đúng Quy hoạch Cảng Hàng không Côn Đảo đã được phê duyệt.

Cục Hàng không Việt Nam cũng đánh giá đầu tư theo phương án 1 sẽ khả thi hơn do đã có các chủ đầu tư dự án thành phần theo quy định pháp luật hiện hành. Thực tế, việc kêu gọi đầu tư PPP theo phương án 2 với tổng mức đầu tư ước tính 4.400 tỉ đồng đối với Cảng hàng không Côn Đảo có công suất dưới 2 triệu hành khách/năm sẽ không hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia nếu xét về phương án hoàn vốn cũng như hiệu quả đầu tư.

Với phương án 2, ưu điểm là huy động được nguồn vốn của xã hội đầu tư vào kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay; giảm áp lực về nguồn vốn cho nhà nước cũng như doanh nghiệp nhà nước là ACV. Tuy nhiên nhược điểm là thay đổi về vai trò doanh nghiệp cảng, theo đó doanh nghiệp Nhà nước không còn đóng vai trò là doanh nghiệp cảng. Thay đổi cơ chế khai thác, theo đó ảnh hưởng đến công tác phối hợp ổn định về quốc phòng an ninh của Cảng Hàng không Côn Đảo từ trước đến nay.

Côn Đảo là một trong những sân bay cổ nhất Việt Nam, có đường băng ngắn hai đầu là biển, bao quanh là núi. Sân bay Côn Đảo hiện là sân bay cấp 3C và sân bay quân sự cấp 2, tức là đủ điều kiện tiếp nhận máy bay ATR72, F70 và tương đương.

Hiện tại, sân bay Côn Đảo hiện khai thác các chặng đi và đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, tần suất 20-22 chuyến trên ngày, công suất 400.000 khách trên năm.

Lượng khách những năm qua tăng cao, trung bình 15% mỗi năm, song hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu nên sân bay chỉ khai thác máy bay nhỏ, không thể bay đêm.

Theo quy hoạch Sân bay Côn Đảo sẽ được mở rộng bãi đỗ từ 4 lên 8 vị trí; nâng cấp hệ thống giao thông nội bộ, kho xăng dầu, nhà ga và các công trình phụ trợ đảm bảo sân bay khai thác 24/24. Cảng hàng không sau khi nâng cấp dùng chung quân sự và dân dụng, công suất 2 triệu khách, 4.400 tấn hàng hóa mỗi năm, có thể khai thác máy bay Airbus A320, A321 hoặc tương đương.



Nguồn: VGP
Bình luận của bạn

Bình luận