"Những anh linh bất tử - Bảo vệ Thành cổ Quảng Trị - 1972" - cuốn sách sâu nặng ân tình
Nhân dịp kỉ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2002) và Kỉ niệm 50 năm Trận chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành cuốn sách "Những anh linh bất tử - Bảo vệ Thành cổ Quảng Trị - 1972".
Sách do Ban Liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 48 - Thạch Hãn biên soạn, Đại tá Trần Ngọc Long chủ biên.
Sách dày 343 trang với thông tin như họ tên, nguyên quán, đơn vị, ngày hi sinh của hơn 4.000 liệt sĩ .
Một số trang trong cuốn sách. Ảnh: Năng Lực
Nội dung cuốn sách được chia thành 3 phần. Phần 1 là "Cuộc chiến đấu kiên cường, anh dũng của quân dân ta trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (từ ngày 28/6 đến ngày 16/9/1972)" với những hình ảnh, tư liệu sinh động, chân thực.
Phần 2 là "Liệt sĩ thuộc các đơn vị trực tiếp chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm", liệt kê danh sách 1.901 liệt sĩ.
Phần cuối là "Liệt sĩ thuộc các đơn vị chiến đấu trên các hướng tại chiến trường Quảng Trị trong thời gian bảo vệ Thành cổ 81 ngày đêm", gồm danh sách 2.237 liệt sĩ.
Ân tình của người chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị
Để hoàn thành cuốn "sách thờ" này, từ năm 2009, được sự đồng ý của Thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đại tá Trần Ngọc Long đã tiếp xúc với các đơn vị có lực lượng trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu dưới sự chỉ huy của Ban Chỉ huy Bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972.
Ông đã làm việc với các cơ quan thuộc Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, các Quân khu, Quân chủng, Binh chủng, Ủy ban Nhân dân, Ban Chỉ huy quân sự, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh trong cả nước để sưu tầm tài liệu chính thống, lập nên danh sách này.
Là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 48 - Thạch Hãn, trực tiếp chiến đấu và chỉ huy chiến đấu suốt 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, đã nhiều lần chôn cất đồng đội, Đại tá Trần Ngọc Long và Ban Liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 48 - Thạch Hãn luôn trăn trở trước nỗi đau của gia đình thân nhân liệt sĩ. Ông hi vọng những dòng tên đặt bên di ảnh liệt sĩ sẽ thay cho nấm mồ không thể có được, để thân nhân, gia tộc liệt sĩ được nguôi ngoai phần nào nỗi mong mỏi trong vô vọng.
Đại tá Trần Ngọc Long cho biết, phần lớn các liệt sĩ hi sinh tại Thành cổ Quảng Trị không thể tìm thấy hài cốt do bom đạn quá ác liệt. Nhiều chiến sĩ hi sinh khi vượt sông Thạch Hãn dưới bom đạn từ máy bay, pháo bầy của Mỹ - ngụy, xác chìm dưới lòng sông.
Cuốn sách đã được in hơn 5.200 bản để tặng mỗi gia đình liệt sĩ Thành cổ và liệt sĩ Mặt trận Quảng Trị trên cả nước có tên trong sách. Đại tá Trần Ngọc Long hi vọng, quyển sách ân tình này có thể an ủi phần nào những người mẹ, người vợ, con cháu, họ hàng, thân nhân, gia tộc liệt sĩ.
Các địa phương, thư viện các tỉnh cũng được Ban Liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 48 - Thạch Hãn tặng sách để phục vụ công tác "Đền ơn đáp nghĩa", giáo dục truyền thống.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google