Nhiều trường đại học bỏ xét tuyển học bạ là tín hiệu đáng mừng?

Ly Hương
16:14 - 20/02/2024
Công dân & Khuyến học trên

Năm 2024, nhiều trường đại học đã bỏ xét tuyển điểm học bạ và tăng chỉ tiêu cho phương thức tuyển sinh riêng theo đề án của nhà trường.

Nhiều trường đại học bỏ xét tuyển học bạ là tín hiệu đáng mừng?- Ảnh 1.

Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các trường đại học có phương án tuyển sinh riêng. Minh hoạ: xdcs

Nhiều trường đại học đã công bố phương án tuyển sinh, không xét tuyển học bạ

Cho đến thời điểm này, nhiều trường đại học, học viện đã công bố phương án tuyển sinh năm học 2024. Theo đó, nhiều cơ sở giáo dục đã không xét tuyển học bạ trung học phổ thông.

Chẳng hạn, Trường Đại học Y Hà Nội đã có thông báo không xét tuyển bằng điểm học bạ. Nhiều trường đại học khối y, dược cũng không sử dụng điểm học bạ của học sinh trung học phổ thông để tuyển sinh.

Hay Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ tuyển sinh theo 2 phương thức: xét tuyển sớm theo đề án tuyển sinh của trường chiếm 45% tổng chỉ tiêu, trong đó bao gồm cả xét tuyển thẳng, xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp với 55% tổng chỉ tiêu, tức không còn phương thức xét tuyển học bạ đơn thuần.

Bên cạnh đó, một số trường đại học sẽ bổ sung thêm chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển bằng kết quả của các kỳ thi riêng như thi đánh giá năng lực.

Theo phương án tuyển sinh năm 2024 của Học viện Kỹ thuật quân sự, ngoài các phương thức xét tuyển truyền thống, năm nay là năm đầu tiên nhà trường dành một tỷ lệ chỉ tiêu nhất định cho phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Tương tự, năm 2024, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức 3 đợt thi đánh giá năng lực (tăng thêm một đợt so với năm ngoái) để xét tuyển đầu vào.

Tuyển sinh theo phương thức lấy điểm học bạ có đủ độ tin cậy?

Liên quan đến điểm học bạ, nhiều giáo viên bậc trung học phổ thông cho rằng, điểm học bạ của những trường chuyên hay trường tốp đầu thường có độ tin cậy cao.

Bởi vì, học sinh lớp 10 đã được tuyển chọn gắt gao qua kì thi tuyển sinh. Cùng với đó, việc kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kì ở những trường này cũng được thực hiện khá khắt khe, nghiêm túc.

Minh chứng, kết quả phân tích điểm trung bình tích lũy được thực hiện trên dữ liệu của hơn 10.000 sinh viên trúng tuyển vào Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh trong 3 năm 2020, 2021 và 2022 cho thấy:

Điểm trung bình tích lũy của sinh viên theo phương thức xét tuyển học bạ trung học phổ thông là 3,19/4,0 còn sinh viên trúng tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông là 2,94/4,0.

Hoặc kết quả đối sánh điểm thi tốt nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023 và điểm học bạ lớp 12 tại nhiều trường trung học phổ thông ở địa phương này cho thấy có sự tương đồng.

Tuy vậy, thầy giáo Phan Anh – giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh – cho biết vẫn còn không ít trường trung học phổ thông tốp giữa, tốp cuối và trường tư thục đánh giá kết quả học tập của học sinh còn lỏng lẻo.

Thầy giáo Phan Anh lấy ví dụ, 2 trường trung học phổ thông công lập trên cùng địa bàn ở Thành phố Hồ Chí Minh lấy điểm đầu vào tuyển sinh 10 như nhau nhưng đầu ra cuối năm lớp 10, 11, 12 là khác nhau hoàn toàn.

Cụ thể, số lượng học sinh có học lực giỏi, khá (theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT là tốt, khá) giữa 2 trường có tỉ lệ chênh lệch nhau.

"Sở dĩ có chuyện này là do việc kiểm tra đánh giá giữa 2 trường có sự chặt, lỏng khác nhau. Chỉ cần nội dung đề kiểm tra cuối kì ra dễ là học sinh sinh dễ dàng lấy điểm khá, giỏi (nhân hệ số 3), dẫn đến điểm trung bình môn cũng cao theo.

Năm học 2022-2023, tôi dạy 1 lớp 12 ở trường trung học phổ thông công lập. Lớp này có 46 học sinh lực học khá tốt, cuối năm có 15 em được xếp loại loại giỏi (điểm trung bình các môn trên 8,0).

Tôi dạy 1 lớp 12 ở trường trung học phổ thông tư thục có 36 học sinh, nhiều em học trung bình, yếu. Nhưng có đến 30 em được xếp loại giỏi, còn lại đạt loại khá và điểm trung bình môn ở mức dao động từ 7,4 đến 7,9.

Như vậy, có thể một học sinh được xếp loại loại giỏi ở trường A nhưng lực học chỉ bằng học sinh có lực học khá, thậm chí loại trung bình ở trường B.

Giáo viên dạy ở các trường tốp dưới, trường tư thục, ai cũng ngầm hiểu, nếu đánh giá học sinh theo đúng năng lực thì nhiều em sẽ rớt tốt nghiệp", thầy giáo Phan Anh chia sẻ về việc đánh giá học sinh không đều tay giữa trường công lập và tư thục.

Thầy giáo Phan Anh nói thêm, theo quy định hiện nay, việc xét tốt nghiệp cho học sinh lớp 12 theo công thức 70% dựa vào điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, còn 30% là điểm trung bình học bạ lớp 12.

Học sinh rớt tốt nghiệp thì nhà trường mang tiếng với phụ huynh và thầy cô cũng chẳng vui vẻ gì. Với tâm lí đó, nhiều giáo viên cho điểm rất thoáng, không phù hợp với khả năng của từng học sinh.

Bên cạnh đó, học sinh có điểm học bạ cao sẽ được lợi kép trong việc xét tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển vào các trường đại học.

"Phải chăng đây cũng là lí do khiến nhiều trường đại học "nói không" với phương thức xét tuyển lấy điểm học bạ trung học phổ thông", thầy giáo Phan Anh nghi vấn.

Thông tin trên báo chí cho biết, cũng có một số trường đại học tiến hành đối sánh kết quả học tập của sinh viên so với điểm xét học bạ.

Kết quả đối sánh cho thấy, kết quả học tập của sinh viên xét bằng phương thức học bạ có tỷ lệ tốt nghiệp tương đương so với sinh viên xét theo phương thức điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

"Tuy vậy, tôi vẫn băn khoăn về kết quả đối sánh này vì nhiều trường đại học (tốp đầu và tốp giữa) cho biết tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc tăng theo từng năm.

Hay nói cách khác, nếu kết quả đầu ra được đánh giá dễ dãi thì việc đối sánh với điểm học bạ (điểm đầu vào) không có cơ sở tin cậy.

Tôi tin tưởng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông và đánh giá cao một số phương thức tuyển sinh như thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy... của các đại học, trường đại học.

Dẫu biết rằng Luật Giáo dục đại học năm 2018 cho phép các trường đại học tuyển sinh bằng các phương thức thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển.

Tuy vậy, nhiều trường đại học, học viện bỏ xét tuyển theo phương thức lấy điểm học bạ năm 2024, theo tôi là tín hiệu đáng mừng", thầy giáo Phan Anh nêu băn khoăn về việc xét tuyển đại học theo phương thức lấy điểm học bạ.

Thầy giáo Phan Anh đề xuất, các trường đại học nên coi điểm học bạ là một tiêu chí phụ trong những tiêu chí phụ khác để xét tuyển. Chất lượng tuyển sinh tốt sẽ góp phần đào tạo được nhiều nhân tài cho đất nước.

Bình luận của bạn

Bình luận