Nguyên nhân nhiều trường bỏ xét tuyển học bạ trong tuyển sinh đại học 2024

PV
13:58 - 05/01/2024
Công dân & Khuyến học trên

Mùa tuyển sinh năm 2024, nhiều trường đại học bỏ phương thức tuyển sinh bằng xét học bạ, tăng chỉ tiêu của các phương thức khác, đặc biệt là sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy.

tuyển sinh đại học 2024

Mùa tuyển sinh năm 2024, nhiều trường đại học bỏ phương thức tuyển sinh bằng xét học bạ. Ảnh: Ngọc Dương

Tuyển sinh đại học 2024, giảm xét tuyển học bạ, tăng xét tuyển bằng kết quả các kỳ thi riêng

Theo phương án tuyển sinh đại học 2024, Trường Đại học Kinh tế quốc dân bỏ phương thức tuyển sinh bằng học bạ dù những năm trước nhóm thí sinh này chiếm khoảng 10% chỉ tiêu tuyển sinh. 

Bên cạnh đó, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng giảm tỉ lệ tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông xuống 18% (giảm 7% so với năm 2023) và tăng tỉ lệ xét tuyển theo đề án riêng lên 80%. Còn lại 2% chỉ tiêu cho tuyển thẳng.

Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh chỉ tuyển sinh theo 2 phương thức: Xét tuyển sớm theo đề án tuyển sinh của trường (chiếm 45% tổng chỉ tiêu, trong đó bao gồm cả xét tuyển thẳng) và xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông với 55% tổng chỉ tiêu. Như vậy, chỉ tiêu tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp của trường đã giảm 5% so với năm học trước.

Trường Đại học Y Hà Nội và một số trường đại học top đầu không sử dụng phương thức tuyển sinh bằng học bạ trong đề án tuyển sinh 2024. Đại học Bách khoa Hà Nội cũng bỏ tiêu chí điểm học bạ các môn trong tổ hợp phải đạt từ 7 trở lên khi thí sinh xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Năm 2024, Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh tăng 5% chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, chiếm 10-15% tổng chỉ tiêu tuyển sinh. 

Nguyên nhân nhiều trường bỏ xét tuyển học bạ trong tuyển sinh đại học 2024- Ảnh 2.

Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Kinh tế quốc dân.

Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều trường đại học sử dụng phương thức tuyển sinh bằng điểm thi đánh giá năng lực. Trong đó, hàng năm các trường thành viên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh dành 45-60% chỉ tiêu tuyển sinh bằng phương thức này. 

Một số trường đại học khác như Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng dành 10-15% chỉ tiêu tuyển sinh cho phương thức sử dụng điểm thi đánh giá năng lực.

Xét tuyển học bạ không phản ánh thực chất năng lực học sinh?

Lý giải việc bỏ xét tuyển theo phương thức kết hợp giữa điểm trung bình học bạ 3 năm học (lớp 10, 11, 12) của bậc trung học phổ thông với điểm 2 môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông đối với học sinh giỏi trường chuyên và trường trọng điểm quốc gia, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết nguyên nhân là do nhóm thí sinh đăng ký xét tuyển theo phương thức kết hợp trên có học lực tốt, gần như đáp ứng các điều kiện ở phương thức xét tuyển khác như xét tuyển kết hợp với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, điểm thi đánh giá năng lực.

Vì vậy, tỉ lệ trùng lặp giữa nhóm thí sinh trên khá cao, dẫn đến tỉ lệ ảo tăng. Việc bỏ nhóm thí sinh này nhằm giảm lọc ảo, ít ảnh hưởng đến kết quả tuyển sinh chung và quyền lợi của thí sinh.

Ngoài ra phương án tuyển sinh năm 2024, Trường Đại học Kinh tế quốc dân tăng chỉ tiêu cho phương thức sử dụng kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy uy tín như HAS, APT, TSA… nhằm giảm phụ thuộc vào kết quả học tập và kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Một số chuyên gia giáo dục nhận định, việc tuyển sinh bằng kết quả học bạ 3 năm trung học phổ thông là thiếu công bằng và là nguyên nhân dẫn đến nhiều vấn đề tiêu cực trong việc chấm điểm, khiến tình trạng "mua điểm", "làm đẹp học bạ" tăng cao. 

Các thí sinh xét tuyển đại học bằng học bạ thường có nhiều ưu thế hơn, trong khi độ tin cậy của điểm học bạ đang sụt giảm, không phản ánh đúng thực chất năng lực của học sinh. Do đó việc bỏ tuyển sinh đại học bằng kết quả học bạ là điều hoàn toàn hợp lý. 

Chia sẻ với báo chí, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhận định: "Hiện nay chất lượng các cơ sở giáo dục ở nước ta vẫn chưa đồng đều, nên việc chấm điểm cho học sinh ở mỗi cơ sở cũng là khác nhau. Vì thế, nếu dựa vào việc xét học bạ để xét tuyển đại học sẽ là không công bằng với học sinh. Theo tôi, điểm học bạ chỉ nên là một tiêu chí phụ, bổ trợ cho điểm thi của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông".