Nhiều cây xăng đóng cửa, Bộ Công Thương cho biết đã lập biên bản

PV
11:53 - 06/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Trước tình trạng nhiều cây xăng đóng cửa do nguồn cung khan hiếm, găm hàng chờ giá hay không đủ chí phí vận hành, Bộ Công Thương cho biết đã đi kiểm tra và lập biên bản đối với một số trường hợp.

Nhiều cây xăng đóng cửa, Bộ Công Thương cho biết đã kiểm tra và lập biên bản  - Ảnh 1.

Nhiều cây xăng tại các tỉnh thành phố đóng cửa, treo biển ngừng bán. Ảnh: Nhật Hồ/Báo Lao động

Nhiều cây xăng đóng cửa

Mấy ngày gần đây, tình trạng các cây xăng đóng cửa, treo biển ngừng bán xăng xuất hiện rộng khắp tại nhiều tỉnh thành, từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, đến Bình Dương, Bình Phước…

Từ ngày 3/10, tức ngày Liên Bộ Công Thương - Tài chính công bố giá xăng dầu cơ sở mới, tại xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước đã xuất hiện tình trạng hàng loạt trạm xăng đóng cửa, treo bảng hết xăng. Đến tối 5/10, thông tin với báo chí, ông Nguyễn Minh Hóa, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đắk Ơ cho biết tình trạng trên hiện vẫn tiếp diễn trên địa bàn.

Còn tại Bình Dương, cũng ghi nhận nhiều cây xăng đóng cửa, thông báo tạm ngưng kinh doanh. 

Tại Sóc Trăng, cũng xảy ra tình trạng tương tự dù theo ông Võ Văn Chiêu, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng, một số cây xăng xin tạm ngưng hoạt động nhưng chưa được sự cho phép của Sở vì những lý do doanh nghiệp đưa ra không chính đáng. Tuy nhiên, bất chấp việc cơ quan chức năng chưa đồng ý, có cây xăng trên địa bàn vẫn cho nhân viên kéo cổng rào đóng cửa, từ chối bán xăng vào sáng 3/10.

Viện đủ lý do để "từ chối" bán xăng

Trước tình trạng cây xăng đóng cửa gây khó khăn cho người dân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đắk Ơ cho biết nguyên nhân là do tình trạng khan hiếm xăng trên địa bàn xảy ra từ ngày 3/10 đến nay. Thực tế, đây là tình trạng chung trên địa bàn huyện Bù Gia Mập, không riêng gì xã Đắk Ơ.

Tại Bình Dương, giải thích về tình trạng trên, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh, ông Nguyễn Phương Đông cho biết, trước đó, các doanh nghiệp đầu mối đã cam kết đảm bảo cung cấp cho hệ thống xăng dầu, cho các đại lý, cây xăng để bán cho người dân. Nhưng do một số điểm bán hết xăng cục bộ vì nguồn xăng dầu khan hiếm, việc nhập và vận chuyển xăng dầu về chậm. Từ đó một số cây xăng phải tạm ngưng bán để chờ xe bồn chở xăng về.

Nhiều cây xăng đóng cửa, Bộ Công Thương cho biết đã kiểm tra và lập biên bản  - Ảnh 3.

đành đóng cửa. Ảnh: N.M/Báo Dân trí

Bên cạnh lý do nguồn cung khan hiếm, còn rất nhiều nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng cây xăng đóng cửa. Trong đó, một số ý kiến cho rằng các cây xăng đang tranh thủ găm hàng chờ tăng giá khi giá xăng dầu đang thấp nhất kể từ tháng 9/2021. 

Ngoài ra, với chiết khấu tại kho bằng 0, các doanh nghiệp, đại lý bán lẻ xăng dầu cho rằng không thể bù đắp chi phí, càng bán càng lỗ. Hàng loạt chi phí như chi phí hao hụt tồn, chứa, nhập, xuất; chi phí khấu hao tài sản; tiền điện, nước; chi phí trang thiết bị phòng cháy - chữa cháy, bảo hiểm cháy nổ; chi phí về quản lý tại cửa hàng; chi phí lãi vay vốn lưu động; lương nhân viên; bảo hiểm cho người lao động... đã trở thành gánh nặng khiến các cửa hàng, đại lý bán lẻ xăng dầu thà đóng cửa còn hơn chịu lỗ.

Chưa kể, với các đại lý xa khu trung tâm thành phố, tỉnh lỵ, chi phí quản lý, vận chuyển càng đội lên cao hơn.

Không để đứt gãy nguồn cung

Bộ Công Thương cho biết đoàn công tác của Tổng cục Quản lý thị trường đã đi kiểm tra và lập biên bản đối với một số trường hợp.

Trước tình trạng nhiều cây xăng đóng cửa, Bộ Công Thương vừa có văn bản yêu cầu Vụ Thị trường trong nước bảo đảm ổn định thị trường, giá cả, nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống.

Cụ thể, Bộ Công Thương yêu cầu Vụ Thị trường trong nước chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, cơ quan liên quan, bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, chủ động điều hành giá xăng dầu theo đúng thẩm quyền, quy định của pháp luật, bảo đảm ổn định thị trường, giá cả, nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống; sử dụng linh hoạt, hiệu quả Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Vụ Thị trường trong nước cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, tình hình thị trường các mặt hàng thiết yếu, nhất là mặt hàng xăng, dầu; có giải pháp không để đứt gãy nguồn cung, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước, nhất là thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán.

Từ ngày 3/10 vừa qua, mỗi lít xăng RON 95 giảm 1.140 đồng/lít, về 21.440 đồng/lít và E5 RON 92 giảm 1.050 đồng/lít, về 20.730 đồng/lít.

Dầu diesel giảm 330 đồng/lít, có giá bán tối đa là 22.200 đồng/lít. Dầu hỏa cũng giảm 760 đồng/lít, còn 21.680 đồng/lít. Dầu mazut giảm 650 đồng/kg, chỉ còn 14.090 đồng.

Cơ quan điều hành cũng trích lập quỹ bình ổn với xăng là 451 - 600 đồng/lít, còn dầu là 300 - 741 đồng/lít hoặc kg.

Nguồn: Tổng hợp
Bình luận của bạn

Bình luận