Hai chị em tử vong nghi do ăn phải trứng cóc

Nhật Minh
18:15 - 29/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Hai chị em ruột ở vùng cao tại Quảng Trị trong lúc bố mẹ đi vắng đã nhặt trứng cóc nấu ăn dẫn tới ngộ độc và tử vong trong chiều 28/6.

Được biết, khi cha mẹ đang đi làm rẫy thì cháu H.T.N.L. (sinh năm 2015), em H.N.T (sinh năm 2016) và H.H.Đ. (sinh năm 2020) tại thôn Xa Vi, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông ở nhà nhặt trứng cóc và nấu để ăn trưa.

Hai chị em tử vong nghi do ăn phải trứng cóc - Ảnh 1.

Trứng cóc Ngộ độc do độc tố cóc tiên lượng rất nặng, tỷ lệ tử vong rất cao. Ảnh: IP

Sau khi nấu và ăn xong bữa trưa 2 em L. và Đ. có triệu chứng buồn nôn, mệt, co giật nhẹ nghi bị ngộ độc. Riêng em T. không ăn nên sức khỏe vẫn bình thường.

Thấy sự việc đó, hàng xóm đã phát hiện và đưa đi cấp cứu nhưng 2 em đã tử vong trên đường đi cấp cứu.

Hàng xóm của các em cho biết, bố mẹ trước khi lên rẫy chuẩn bị cơm sẵn, nhưng 3 chị em đã lấy da và trứng cóc ai đó bỏ ở gần nhà về nấu ăn.

Hiện nay, Trung tâm y tế huyện Đakrông đã lấy mẫu thức ăn còn sót lại trong nồi đem đi xét nghiệm, nhằm làm rõ nguyên nhân.

Hai chị em tử vong nghi do ăn phải trứng cóc - Ảnh 2.

Lãnh đạo huyện Đakrông thăm hỏi, trao tiền hỗ trợ cho gia đình nạn nhân. Ảnh: Tiền Phong

Sau khi xảy ra vụ việc, Ủy ban nhân dân xã Hướng Hiệp, Ủy ban nhân dân huyện Đakrông đã đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ gia đình nạn nhân. 

Hiện gia đình đang tổ chức mai táng theo phong tục địa phương.

Không nên chế biến món ăn tùy tiện từ cóc

Các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên chế biến món ăn từ cóc vì sự nguy hiểm của các chất độc có trong một số bộ phận trên cơ thể cóc.

Theo các bác sĩ, khi ăn phải chất độc của cóc, sau vài giờ nạn nhân thấy chóng mặt, quay cuồng, đau như châm chích ở đầu ngón tay, ngón chân, tiếp theo là ói mửa dữ dội, kéo dài, tiêu chảy, đau bụng, nhịp tim đập chậm lại, tụt huyết áp. Phần lớn tử vong do rối loạn dẫn truyền thần kinh tim không hồi phục. Một số trường hợp xuất hiện suy thận cấp, suy gan.

Ngộ độc do độc tố cóc tiên lượng rất nặng, tỷ lệ tử vong rất cao nên cần phát hiện sớm, sơ cứu, cấp cứu kịp thời ở những trung tâm y tế mới có hiệu quả.

Tốt nhất và an toàn nhất là không ăn cóc và sản phẩm tự chế biến từ cóc. Nếu vẫn muốn sử dụng cóc làm thực phẩm thì tuyệt đối không ăn trứng và gan cóc. Trong quá trình chế biến, tuyệt đối không để da cóc, nội tạng cóc, nhựa cóc lẫn vào cơ cóc hay thịt cóc.

Những việc cần làm khi có người bị ngộ độc cóc

- Phát hiện dấu hiệu ngộ độc sớm (người bệnh còn tỉnh táo): cần gây nôn chủ động; chuyển bệnh nhân nhanh chóng đến cơ sở có điều kiện hồi sức cấp cứu.

- Chống rối loạn tim mạch, hô hấp, thần kinh và tiết niệu bằng dịch truyền, thuốc điều trị triệu chứng, thở ô xy, thở máy, máy tạo nhịp, lợi tiểu, lọc thận....

- Thải trừ chất độc bằng cách rửa dạ dày, uống than hoạt tính, thụt, tháo...