Nhiễm độc từ những vụ cháy cơ sở có hóa chất
Xưởng hoá chất rộng 1.000m2 của Công ty thức ăn chăn nuôi trên đường Trần Đại Nghĩa, khu công nghiệp Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh phát cháy từ khuya 9.7, lửa trùm lên xưởng và lan sang nhiều nhà dân lân cận.
Dù cảnh sát cứu hỏa nhiều lần nỗ lực khống chế, nhưng xưởng chứa nhiều bột Clo và Canxi cacbonat (CaCO3) nên cháy mạnh, khó khống chế, chỉ bơm nước để dập lửa và giảm phát tán chất độc.
Đến trưa 13.7, lửa khói vẫn bốc nghi ngút cùng với mùi hóa chất nồng nặc tỏa ra một vùng bán kính khoảng 300m. Đất, cây cỏ, mái nhà… khu vực quanh xưởng phủ lớp bột trắng xóa, những vũng nước đọng gần xưởng đổi màu nâu, nổi váng.
Người dân không thể chịu nổi vì hóa chất phát tán
Anh Nguyễn Dũng, 37 tuổi, ở cạnh xưởng nói, cả nhà anh và gần 20 hộ dân phải ra ở khách sạn vì "không thể chịu nổi". Hoá chất phát tán làm ngứa rát tay, chân, khó thở, tức ngực, chóng mặt...
Một người nhà của anh sống gần xưởng đang phải nằm bệnh viện Chợ Rẫy do hít phải khí độc. Bà Phạm Thị Sương, 73 tuổi nói, đám cháy âm ỉ mấy ngày qua, ngay thì khói bốc nghi ngút, đêm có khi đám lửa nhỏ lại bùng lên; "mấy ngày qua tôi rất mệt, rát cổ do hít phải khói". 16 hộ gia đình thuê trọ dãy phòng của bà Trần Thị Loan, cách xưởng 50m, phải trả phòng để dời đi, chấp nhận mất tiền trả trước.
Anh Luận, 27 tuổi, một người trong số họ nói, hít khói một lúc thấy cổ đau rát, tức ngực, rất khó chịu và không thể chịu được đến 2 phút…
Clo bột thực chất là Canxi hypochlorit (Ca(ClO)2) hoặc Canxi oxychlorit, ở dạng bột trắng, mịn (gọi chung là Chlorine), dùng để khử trùng làm sạch nước nuôi thủy sản...
Theo cảnh báo của Hệ thống mức độ độc hại các loại vật liệu (Hazardous Materials Identification System - HMIS) Mỹ thì: Chlorine là chất sinh nhiệt; mùi sốc đặc trưng; có thể cháy, nổ khi tiếp xúc với vật liệu khác. Tiếp xúc da làm khô, ngứa, mẩn đỏ, đau, viêm da, có thể bỏng nghiêm trọng do phá hủy mô. Nuốt gây bỏng miệng, họng, thực quản, dạ dày và có thể nguy hiểm tính mạng. Gây mờ, đỏ mắt; đau buốt và phỏng các mô, có thể mù mắt. Vào đường thở gây nóng rát; ho; khó thở; buồn nôn, nhức đầu; hít nhiều gây viêm phù nề thanh, phế quản. Người có bệnh mắt, da và hô hấp dễ bị tổn thương hơn.
Clo dư thừa trong nước tạo ra nhóm sản phẩm phụ Trihalomethan (ba trong bốn nguyên tử hydro của metan được thay thế bằng các nguyên tử halogen - Clo là một halogen), trong đó có nhiều chất gây ung thư hoặc có hại cho trẻ em, người mang thai; gây hen suyễn; suy giảm miễn dịch và chức năng gan.
Clo và Amoniac do khu công nghiệp thải ra làm cỏ cây ở khu công nghiệp Lê Minh Xuân bị bạch tạng, là giải thích của Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc trung tâm chuyển giao tiến bộ nông nghiệp, Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam - tất nhiên đây là hậu quả của một quá trình "đầu độc" lâu dài.
Đại học Boston, Mỹ đã kiến nghị loại Clo ra khỏi danh mục khử trùng nước.
Chất độc hại phát tán trong các vụ cháy
Năm 2021, toàn quốc có 2.245 vụ cháy, làm chết 85 người, bị thương 130 người, thiệt hại tài sản ước tính 374,42 tỉ đồng và 3.670ha rừng. Ngoài thiệt hại tính mạng con người và tài sản, các vụ cháy còn phát tán ra môi trường nhiều chất độc hại tác hại rất xấu cho sức khỏe con người.
Cơ quan y tế New York, Mỹ, khẳng định: Khói, tro từ bất cứ loại hỏa hoạn nào đều là hỗn hợp bụi hóa chất sinh ra do đốt cháy hoàn toàn hoặc không hoàn toàn vật liệu. Đó là các chất độc Carbon monoxide (CO), Carbon dioxide (CO2), Aldehyde, acid bay hơi, Sulfur dioxide (SO2), các Nitro oxide (N2O, NO, NO2, N2O3, N2O4, N2O5), các Hydrocarbon thơm đa vòng, kim loại nặng, Dioxin và nhiều chất độc khác…
Bụi (nói chung) được phân loại kích thước theo chỉ số PM (Particulate Matter - nghĩa là các hạt vật chất rắn hoặc lỏng cực nhỏ lơ lửng trong không khí) bằng đơn vị micromet (μm - 1μm bằng 1/triệu mét). Trong đó bụi kích thước PM2.5 đến PM10 đã được gọi là bụi mịn; kích thước dưới 2,5 μm cũng là bụi mịn nhưng nguy hiểm hơn; PM1.0 trở xuống là bụi siêu mịn; PM0,1 là bụi nano.
Những bụi này nguy hiểm vì sinh ra từ các hợp chất Nitơ, Carbon, Sulfur, Crom, Cadmium, Niken và Aldehyde… Chúng có thể vào tận phế nang phổi, vượt qua hệ thống lông chuyển trên bề mặt lòng khí - phế quản, vốn có nhiệm vụ giữ lại bụi, mầm bệnh trong không khí hít vào.
Một mặt chúng cản trở trao đổi Oxy và Cacbonic ở vách phế nang - làm giảm thông khí phổi, cản trở Oxy liên kết với Hemoglobin (màu đỏ trong hồng cầu) - "chiếc xe" vận chuyển Oxy đến tế bào - gây thiếu máu tế bào; mặt khác chúng xâm nhập máu, ngoài gây độc với các thành phần của máu, làm rối loạn đông máu, còn tồn tại lâu dài trong Đại thực bào (bạch cầu "ăn" dị vật), do bạch cầu không tiêu hủy được những chất độc này, làm suy yếu và chết những "người lính" tiên phong của hệ miễn dịch.
Các khí dễ hòa tan trong nước như Clo, Amoniac, Sulfur dioxid, axit Chlohydric) bị hòa tan nhiều ngay ở đường thở trên, kích ứng màng nhầy đường thở (làm ho, hắt hơi…), sẽ cảnh báo cho người thoát khỏi nơi nguy hiểm. Nhưng các loại khí ít hòa tan trong nước như Nitơ dioxit, Phosgen (Carbonyl dichlorid - COCl₂), ozon - (O3), do ít bị hòa tan ở niêm mạc đường thở trên, nên thường vào tận phế nang, gây viêm tiểu phế quản nghiêm trọng; có khi gây phù phổi cấp mà không có dấu hiệu cảnh báo.
Khói, bụi và thủy ngân
Khói bụi làm không khí ngột ngạt, khó thở, khiến sinh hoạt đảo lộn, gây hoang mang, lo sợ và làm thay đổi trạng thái tâm thần. Kích ứng mắt, mũi, họng, đường thở làm chảy nước mắt, ho, hắt hơi. Ngoài những ca bệnh cấp tính và làm trầm trọng ngay lập tức những ca bệnh phổi mãn tính thì lâu dài bụi gây các bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD - viêm phế quản mãn; giãn phế quản, phế nang; hen) không chữa được hay ung thư phổi.
Bụi tác động đến hệ thống thần kinh tự động của tim, cơ tim làm bùng phát nhồi máu cơ tim ngay cả khi bệnh lý hệ thống mạch vành còn nhẹ (đại học Harvard, Mỹ, khảo sát 25.000 người bệnh tim thấy, tử vong tăng 10 - 27%) khi bụi PM2.5 đến 10microgam/m3 không khí). Bụi đẩy nhanh suy giảm nhận thức gây chứng mất trí nhớ, tăng nguy cơ đột quỵ, trầm cảm. Làm thai nhi chậm phát triển, sinh ra nhẹ cân; nguy cơ tự kỷ, suy nhược thần kinh.
Bụi PM2.5 trở xuống là sát thủ giấu mặt, làm rối loạn chức năng gan; đẩy nhanh tiến triển xơ gan; tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa; thúc đẩy phát sinh tiểu đường. Bụi mịn PM 1.0 (1μm), đặc biệt bụi nano (PM0,1) tác động đến cấu trúc ADN gây đột biến gene.
Những vụ cháy cơ sở có hóa chất còn phát tán chất độc hại hơn nhiều và phụ thuộc vào những loại chất độc mà cơ sở đó dùng làm vật liệu sản xuất.
Vụ cháy nhà máy bóng đèn, phích nước Rạng Đông, Hà Nội, năm 2019 là một ví dụ. Phát cháy từ khoảng 18h ngày 28.8, nhưng theo số liệu xét nghiệm từ 30.8 - 1.9 của liên cơ quan Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc, Tổng cục môi trường; Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế; Sở tài nguyên và môi trường Hà Nội thấy: 1/12 mẫu nước bề mặt cách nhà máy Rạng Đông 1.500m có Thuỷ ngân vượt ngưỡng 1,3 lần; 1/8 mẫu nước ở hố ga cạnh xưởng sản xuất bóng đèn led có Thủy ngân vượt ngưỡng; 12/13 mẫu bùn (trầm tích) thu cách cống xả nhà máy 1.000m có Thủy ngân vượt ngưỡng 6,1 lần; mẫu không khí ở phía trước khu vực cháy và trong nhà kho cháy có Thủy ngân vượt ngưỡng của Tổ chức y tế thế giới 10 - 30 lần - ngưỡng ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe con người khu vực đô thị.
Chắc không ít người biết Thủy ngân đơn chất tự bay hơi, độc; ở dạng muối và hợp chất hữu cơ đều độc hoặc rất độc (ví dụ Thủy ngân clorua II (HgCl2) và Metyl thủy ngân - (CH3)2Hg) và mức độ nhiễm độc tùy thuộc lượng chất, thời gian phơi nhiễm.
Nhiễm Thủy ngân nồng độ thấp (như hít phải Thủy ngân phát tán trong vụ cháy) nhưng kéo dài sẽ mất ngủ, mệt mỏi, đau đầu, giảm cân, căng thẳng, cáu bẳn; viêm miệng, kèm vị đắng khó chịu, loét niêm mạc, có đường viền màu đen ở lợi, hơi thở thối, hai hàm răng run lập cập; viêm ruột, chảy máu tiêu hóa. Rối loạn thần kinh: Run chân tay, yếu cơ, kém phối hợp động tác; dị cảm: tê bì hay đau nhói ở môi, ngón tay, ngón chân; nổi mẩn da; giật mí mắt, viêm kết mạc (lòng trắng) mắt, thu hẹp thị trường (diện bao quát khi mắt nhìn thẳng), giảm sức nhìn; giảm sức nghe; suy giảm khả năng nhớ và nói khó khăn.
Chì
Ngay cả những vụ cháy tưởng như không có những chất rất độc hại nhưng vẫn có. Chẳng hạn vụ cháy nhà thờ Đức Bà, Paris, Pháp, năm 2019, được cho là phát tán vào không khí khoảng 300 tấn Chì (được dùng trong cấu trúc hỗ trợ xây dựng). Hay vụ cháy rừng lan vào khu dân cư Slave Lake, Alberta, Canada, năm 2011, phát hiện lượng chì gấp ba lần mức khuyến cáo trong đất ở; lượng Dioxin và Fufuran (một Aldehyte gây ung thư, buộc phải không có trong rượu) cao hơn từ 13 - 52 lần mức khuyến cáo.
Hạn chế nhiễm độc do tro, bụi chỉ có cách hạn chế cháy, nổ, nhưng xem ra không dễ.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google