Nhật Bản thiết lập trang web giúp giảm phí môi giới cho các thực tập sinh Việt Nam
Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đang lên kế hoạch thiết lập một trang web để người Việt Nam nộp đơn đăng ký tham gia chương trình thực tập sinh kỹ năng ở Nhật Bản, với mục đích cắt giảm các khoản phí mà các thực tập sinh Việt Nam phải trả cho các đơn vị môi giới trước khi sang nước này.
Thiết lập trang web để nộp đơn đăng ký tham gia chương trình thực tập sinh kỹ năng ở Nhật Bản
Tờ Nikkei Asia cho biết trang thông tin điện tử này sẽ cung cấp thông tin cho những người có nhu cầu đăng ký tham gia chương trình thực tập sinh kỹ năng ở Nhật Bản về các cơ hội tu nghiệp ở nước này, bao gồm cả các thông tin về nơi làm việc, mức lương và các ngày nghỉ trong năm. Sau khi có thông tin, những người có nhu cầu sẽ đăng ký trực tiếp với các công ty phái cử ở Việt Nam mà không cần thông qua các đơn vị môi giới.
Bên cạnh việc cung cấp thông tin về cơ hội tu nghiệp tại Nhật Bản, website trên sẽ cho phép các thực tập sinh ghi lại các khoản phí mà họ đã trả cho các công ty phái cử. Chính phủ Việt Nam sẽ giám sát các khoản phí mà các công ty phái cử đã thu và đảm bảo rằng các thực tập sinh sẽ không phải trả các khoản phí cao hơn so với quy định.
Ngoài ra, trang thông tin điện tử trên cũng được thiết kế để giải quyết các đơn kiện từ phía các thực tập sinh trong trường hợp họ phải làm việc theo các điều khoản khác với kỳ vọng. Hệ thống hứa hẹn sẽ tăng tính minh bạch.
Trang web cũng sẽ cho phép những người đã được cung cấp vị trí ghi lại các khoản phí mà họ đã trả cho tổ chức. Chính phủ Việt Nam sẽ giám sát các khoản phí do các cơ sở thu và đảm bảo thực tập sinh không bị trả quá mức. Theo Nikkei Asia, trang web trên dự kiến sẽ bắt đầu đi vào hoạt động thử nghiệm sau tháng 4/2023 và đi vào hoạt động đầy đủ vào năm 2024.
Theo chương trình thực tập sinh kỹ năng của Nhật Bản, các công ty phái cử được Chính phủ Việt Nam cấp phép sẽ chịu trách nhiệm tuyển các ứng cử viên và cung cấp cho họ các khóa học cơ bản về tiếng Nhật. Hiện nay, các ứng cử viên phải trả các khoản phí cho các công ty phái cử này và các đơn vị môi giới.
17% thực tập sinh Việt Nam tham gia chương trình thông qua môi giới
Nikkei Asia cho biết có khoảng 17% thực tập sinh Việt Nam tham gia chương trình thông qua các đơn vị môi giới và phải trả phí môi giới bình quân khoảng 446.000 yen/người (3.300 USD/người).
Theo Cục Quản lý Xuất nhập cảnh và lưu trú Nhật Bản (ISA), vào thời điểm cuối năm 2021, có 276.123 thực tập sinh kỹ thuật nước ngoài ở Nhật Bản, trong đó Việt Nam có 160.563 người, chiếm khoảng 58%.
Kết quả điều tra gần đây của ISA và Tổ chức Đào tạo thực tập sinh kỹ thuật (OTIT) cho thấy, có tới 54,7% thực tập sinh nước ngoài đã ở trong cảnh nợ nần trước khi tới Nhật Bản, với số tiền vay nợ bình quân lên tới 547.788 yen/người (4.111 USD/người). Số tiền vay nợ bình quân của các thực tập sinh Việt Nam là 674.480 yen/người (5.061 USD/người), cao nhất trong số các quốc gia cử thực tập sinh tới Nhật Bản. Tiếp đến là Campuchia và Trung Quốc với số tiền nợ bình quân tương ứng là 566.889 yen/người (4.254 USD/người) và 528.847 yen/người (3.969 USD/người).
Có tới 1.369 trong tổng số 2.184 thực tập sinh nước ngoài tham gia cuộc điều tra tiết lộ số tiền mà họ phải trả cho các công ty phái cử, hoặc những đơn vị môi giới, hoặc cả hai, với số tiền bình quân là 542.311 yen/người (4.069 USD).
Số tiền bình quân mà các thực tập sinh Việt Nam phải trả cho các công ty phái cử, hoặc những đơn vị môi giới, hoặc cả hai là cao nhất, lên tới 688.143 yen/người (5.164 USD/người). Tiếp đến là Trung Quốc và Campuchia với số tiền phải trả bình quân tương ứng là 591.777 yen/người (4.441 USD) và 573.607 yen/người (4.304 USD).
20% số thực tập sinh không có mức lương như mong đợi
Cục quản lý xuất nhập cảnh Nhật Bản đã khảo sát khoảng 2.100 thực tập sinh kỹ thuật, diễn ra từ tháng 12 năm 2021 đến tháng 4 năm 2022. Khoảng 20% những người được khảo sát nói rằng mức lương của họ sau khi đến Nhật Bản thấp hơn họ mong đợi. Kết quả cho thấy những người bỏ thực tập thường tìm công việc khác làm để trả nợ.
Về nguyên tắc, thực tập sinh trong hệ thống thực tập kỹ thuật không được thay đổi công việc trong ba năm đầu. Ngay cả khi họ không hài lòng với mức lương và quyền lợi của mình, họ cũng không thể chuyển sang chủ sử dụng lao động khác thông qua các thủ tục thông thường, và có nhiều trường hợp bỏ trốn để làm việc bất hợp pháp. Có 7.167 trường hợp như vậy được báo cáo vào năm ngoái, hơn 60% trong số đó liên quan đến thực tập sinh từ Việt Nam.
Lương không được trả là một trong những vấn đề đối với chương trình thực tập sinh kỹ thuật, và một số người tham gia đã "biến mất". Sở Di trú cũng đã điều tra các vụ mất tích và nói rằng "người ta nghi ngờ rằng học phí của các thực tập sinh đã bị tính một cách không công bằng".
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google