5 thanh niên Nhật tiên phong du học nước ngoài

PV
12:05 - 13/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Phải học tập nước ngoài mới có ngày thắng được nước ngoài - năm 1863, thanh niên Nhật bắt đầu du học phương Tây

Đến giữa thế kỷ XIX, Nhật Bản vẫn là một nước phong kiến thực hiện chính sách bế quan tỏa cảng, chịu ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo. Bên cạnh Nhật Hoàng có Mạc Phủ, một chế độ chính trị kéo dài từ năm 1192 cho đến năm 1867. Chính quyền Mạc Phủ đóng tại Edo (Tokyo ngày nay) do các tướng quân của dòng họ Tokugawa nối tiếp nhau lãnh đạo. Thiên Hoàng (đóng đô ở Kyoto) chỉ có vai trò tượng trưng.

Từ năm 1853, hạm đội Mỹ và các nước phương Tây Anh, Hà Lan, Pháp nhiều lần đến Nhật Bản tấn công, buộc chính quyền Mạc Phủ kí nhiều Hiệp ước bất lợi cho Nhật. Một số dòng họ đã tổ chức đánh lại chiến hạm của Mỹ và phương Tây, nhưng đều thất bại do kém cỏi về vũ khí và công nghệ

Người Nhật nhận ra rằng, không thể thắng phương Tây bằng quân sự. Dưới ảnh hưởng của các nhà tư tưởng như Yoshida Shoin và Takasugi Shinsaku, xã hội Nhật Bản bắt đầu có chuyển biến về nhận thức. Yoshida cho rằng, không biết người thì làm sao thắng được người trong các cuộc tranh chấp. Takasugi, người của phái Choshu, học trò của Yoshida triển khai ý ấy thành chính sách cụ thể "phải học tập nước ngoài mới có ngày thắng được nước ngoài".

Từ đó bắt đầu phong trào thanh niên Nhật Bản du học phương Tây.

Năm thanh niên Nhật tiên phong du học nước ngoài - Ảnh 1.

Năm anh em nhà Choshu. Ảnh: IT

Năm 1863, 5 anh em dòng họ Choshu, một dòng họ quý tộc lâu đời ở Tây Nam Nhật Bản, bất chấp lệnh tử hình những kẻ tự ý xuất cảnh, đã trốn lên tàu Jardine Matheson, tìm đường sang Phương Tây. Họ đã tới London, Thủ đô Vương quốc Anh sau hơn 130 ngày lênh đênh trên biển. Họ là những thanh niên Nhật Bản đầu tiên đến học tại College London với nhiều chuyên ngành khác nhau.

Đây là những người tiên phong tìm đường sang phương Tây du học để mang luồng gió tư duy mới trở về, làm cho Nhật Bản chuyển mình mạnh mẽ, trở thành quốc gia phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa dưới cái vỏ của nền quân chủ lâu đời.

Với chính sách duy tân, trọng dụng nhân tài của Thiên Hoàng Minh Trị, họ đều có đóng góp to lớn cho đất nước Mặt Trời Mọc quê hương họ, góp phần đưa Nhật Bản trở thành quốc gia hùng cường với một tốc độ kỳ diệu.

5 anh em nhà Choshu sau này trở thành những nhà lãnh đạo hàng đầu của Nhật Bản dưới thời Minh Trị.

Hirobumi Ito làm Thủ tướng đầu tiên của Nhật, người soạn thảo Hiến pháp Nhật Bản và có vai trò quan trọng trong việc thành lập Quốc hội Nhật.

Kaoru Inoue thành Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên.

Yozo Yamao thành người sáng lập ngành Công nghệ và Cơ khí Nhật Bản.

Masaru Inoue lập ra ngành Hỏa xa theo chuẩn Anh Quốc.

Kinsuke Endo nắm ngành Tài chính, tiền tệ.

5 anh em đều là võ sĩ đạo của dòng quý tộc Choshu có truyền thống chống ngoại bang.

Nguồn: Tổng hợp