Nhật Bản loại bỏ một loạt biện pháp phòng tránh COVID-19

N.Cường
13:11 - 08/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

Nhật Bản chính thức hạ cấp độ pháp lý của cảnh báo dịch COVID-19 xuống mức ngang bằng với bệnh cúm mùa và loại bỏ một loạt biện pháp phòng chống virus corona, bắt đầu từ ngày 8/5.

COVID-19 được xếp vào nhóm bệnh truyền nhiễm như cúm mùa

Theo The Japan Times, tại Nhật Bản, theo Luật Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, các bệnh truyền nhiễm được phân thành 5 nhóm. Trong đó các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất được xếp vào nhóm 1 như dịch hạch và Ebola. Mức độ nguy hiểm sẽ giảm dần với các nhóm tiếp theo như bệnh lao và SARS thuộc nhóm 2, dịch tả thuộc nhóm 3, sốt vàng da thuộc nhóm 4 và cúm mùa thuộc nhóm 5. Việc xếp COVID-19 vào nhóm 5 tuân theo việc nới lỏng hướng dẫn đeo khẩu trang vào tháng 3, sau đó các quyết định về việc đeo khẩu trang cả trong nhà và ngoài trời phần lớn do các cá nhân quyết định.

Nhật Bản bước vào giai đoạn hậu đại dịch với việc loại bỏ các biện pháp phòng tránh COVID-19 - Ảnh 1.

Quận Asakusa ở Tokyo, Nhật Bản ngày 29/4/2023. Từ ngày 8/5/2023, những người bị nhiễm bệnh hoặc những người tiếp xúc gần với người mắc COVID-19 ở Nhật Bản sẽ không bắt buộc phải nhập viện, cách ly hay hạn chế di chuyển. Ảnh: KYODO

Ngày 29/4, chính phủ nước này cũng loại bỏ các hạn chế về biên giới trong việc kiểm soát dịch COVID-19. Những người nhập cảnh vào Nhật Bản, bao gồm cả công dân nước ngoài và công dân Nhật Bản sẽ không còn phải đưa ra chứng nhận về tình trạng tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 hoặc kết quả xét nghiệm PCR âm tính.

Động thái mới nhất này nhằm hạn chế các chính sách về COVID-19 của Nhật Bản diễn ra sau thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới rằng COVID-19 không còn là trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu từ ngày 5/5. Quyết định này cũng sẽ có tác động sâu rộng đến hệ thống chăm sóc sức khỏe của quốc gia này và sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung của Nhật Bản. 

Các biện pháp chống nhiễm trùng

Theo thiết lập hiện tại, chính phủ Nhật Bản có thể yêu cầu người dân mắc COVID-19 nhập viện và cách ly bắt buộc nếu cần thiết. Từ ngày 8/5, những người bị nhiễm bệnh hoặc những người tiếp xúc gần với người mắc COVID-19 sẽ không bắt buộc phải nhập viện, cách ly hay hạn chế di chuyển. Quyết định trên cũng làm mất cơ sở pháp lý để tuyên bố tình trạng khẩn cấp hoặc gần như tình trạng khẩn cấp về COVID-19.

Các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 phần lớn sẽ tùy thuộc vào mỗi cá nhân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, COVID-19 vẫn gây ra những rủi ro sức khỏe nghiêm trọng đối với người cao tuổi và những người mắc các bệnh nền từ trước. Đồng thời virus này còn lâu mới kết thúc, với số người mới nhiễm bệnh đã tăng nhẹ trong những tuần gần đây.

Các chuyên gia Nhật Bản cũng cho rằng, đợt lây nhiễm COVID-19 thứ chín ở nước này có khả năng xảy ra trong những tháng tới và có thể lớn hơn đợt thứ tám đã diễn ra trong mùa đông vừa qua. Nguyên nhân là do khả năng miễn dịch ở cấp độ dân số đạt được thông qua lây nhiễm tự nhiên ở Nhật Bản vẫn thấp hơn so với nhiều nước công nghiệp hóa khác.

Do đó, chính phủ Nhật Bản khuyến nghị rằng ngay cả sau ngày 8/5, những người có triệu chứng của COVID-19 không được ra ngoài trong 5 ngày - khoảng thời gian mà họ có nhiều khả năng lây nhiễm cho người khác nhất. Nếu sau 5 ngày vẫn chưa hết COVID-19, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản khuyến cáo mọi người nên ở nhà và đợi đến 24 giờ sau khi hết các triệu chứng như sốt, đau họng… trước khi ra ngoài.

Chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện và chi phí

Với việc hạ cấp độ dịch COVID-19, chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu làm cho căn bệnh này có thể được điều trị tại nhiều bệnh viện và phòng khám hơn.

Phần lớn chi phí xét nghiệm và chăm sóc bệnh nhân COVID-19 đã được chính phủ chi trả trong thời gian xảy ra đại dịch. Từ ngày 8/5, về cơ bản, bệnh nhân sẽ thanh toán từ 10-30% chi phí như thường lệ trong hệ thống bảo hiểm y tế công cộng. Tuy nhiên, để giảm bớt gánh nặng cho bệnh nhân, chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục gánh chi phí thuốc điều trị COVID-19, ít nhất là cho đến cuối tháng 9/2023.

Chính phủ Trung ương Nhật Bản cũng sẽ trợ cấp chi phí nhập viện, giảm giá viện phí điều trị COVID-19 lên tới 20.000 yên Nhật (tương đương khoảng 148 USD), ít nhất là đến tháng 9.

Từ ngày 8/5, các khoản phí mà người bệnh phải trả tại các phòng khám cho cùng một phương pháp điều trị sẽ là từ 1.240 - 1.390 yên Nhật nếu người bệnh trên 75 tuổi và 3.710 - 4.170 yên Nhật nếu người bệnh dưới 70 tuổi. Người bệnh cũng được kê thuốc Tamiflu và thuốc giảm đau Calonal.

Trong khi hỗ trợ của nhà nước cho các bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân mắc COVID-19 sẽ bị thu hẹp lại, chính phủ sẽ tạo ra các ưu đãi tài chính mới để khuyến khích các tổ chức y tế cung cấp dịch vụ chăm sóc cho người bệnh gặp phải tình trạng hậu COVID-19. Điều này được áp dụng nếu bệnh nhân được chẩn đoán mắc COVID-19 hơn 3 tháng trước và đã phải chống chọi với những di chứng của căn bệnh hơn 2 tháng nay. Mỗi chính quyền cấp tỉnh đều liệt kê tên của các tổ chức cung cấp dịch vụ chăm sóc cho tình trạng sau COVID-19 trên trang website của mình.

Tiêm vaccine phòng COVID-19

Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản có kế hoạch tiếp tục cung cấp miễn phí vaccine COVID-19 cho người dân trong ít nhất một năm nữa, mặc dù đợt tiêm chủng hiện tại ở nước này hướng đến đến tất cả các đối tượng từ 12 tuổi trở lên đã kết thúc vào ngày 7/5 vừa qua. Một đợt tăng cường tiêm vaccine phòng COVID-19 mới bắt đầu vào ngày 8/5 cho những người có nguy cơ cao, như những người từ 65 tuổi trở lên, những người mắc bệnh nền và nhân viên y tế, nhân viên tại các viện dưỡng lão và cơ sở dành cho người khuyết tật. Sau đó, một đợt tăng cường vaccine phòng COVID-19 khác cũng sẽ được triển khai vào mùa thu.

Đối với trẻ em trong độ tuổi từ 5 - 11 tuổi, chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục cung cấp các mũi tiêm cho đến mùa thu, do việc triển khai loại vaccine có tác dụng chống lại cả biến thể Omicron và chủng ban đầu của virus SARS-CoV-2 mới chỉ bắt đầu vào tháng 3/2023.

Nhật Bản bước vào giai đoạn hậu đại dịch với việc loại bỏ các biện pháp phòng tránh COVID-19 - Ảnh 2.

Từ ngày 8/5/2023, các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 phần lớn sẽ tùy thuộc vào mỗi cá nhân và doanh nghiệp. Ảnh: The Nikkei

Giám sát các trường hợp mắc COVID-19

Để theo dõi xu hướng lây nhiễm COVID-19, chính phủ Nhật Bản hiện yêu cầu các bệnh viện và thành phố báo cáo hàng ngày tất cả các trường hợp mắc mới, bệnh nhân bị bệnh nặng và những người đã chết vì COVID-19. Từ ngày 8/5, yêu cầu này sẽ được hủy bỏ. Chính phủ Nhật Bản sẽ không còn theo dõi và công bố số liệu hàng ngày các ca mắc COVID-19. Thay vào đó là yêu cầu thống kê hàng tuần các trường hợp mắc mới COVID-19 từ khoảng 5.000 bệnh viện và phòng khám được chỉ định từ trước, giống như việc theo dõi các trường hợp mắc cúm tại nước này.

Đối với những bệnh nhân bị bệnh nặng, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản tạm thời sẽ sử dụng cơ sở dữ liệu quản lý bệnh viện riêng để theo dõi các ca nhập viện, các trường hợp được đưa vào các đơn vị chăm sóc đặc biệt và những bệnh nhân phải sử dụng máy thở nhân tạo. Đối với các trường hợp tử vong bởi COVID-19, sẽ mất khoảng 2 tháng để tổng hợp số liệu và 5 tháng để tìm ra loại biến chứng nào (chẳng hạn như suy tim hoặc viêm phổi) dẫn đến các ca tử vong.

Bên cạnh đó, chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục thực hiện các cuộc điều tra huyết thanh học, trong đó tập hợp và phân tích các mẫu máu của một số lượng lớn người dân để kiểm tra xem họ có miễn dịch chống lại virus corona thông qua nhiễm trùng hoặc tiêm phòng vaccine COVID-19 trong quá khứ hay không…

Phòng chống dịch COVID-19 tại trường học và công sở

Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản đã sửa đổi sổ tay y tế cho các trường học, theo đó sẽ không còn yêu cầu những học sinh tiếp xúc gần với người nhiễm COVID-19 phải cách ly và không được đến trường. Học sinh bị nhiễm bệnh hiện có thể trở lại trường học sau 5 ngày khi các triệu chứng COVID-19 được phát hiện và 1 ngày sau khi các triệu chứng của bệnh biến mất. Cả hai điều kiện này phải được đáp ứng một cách đầy đủ.

Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ cũng đã thông báo với các trường học trong nước không cần phải kiểm tra nhiệt độ của học sinh và báo cáo cho giáo viên hàng ngày.

Trong khi đó, theo một cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 1 vừa qua với 400 nhân viên của Công ty dịch vụ lễ tân trực tuyến Receptionist, mặc dù chấp nhận làm việc từ xa trong thời kỳ đại dịch, hơn 70% nhân viên văn phòng hiện vẫn đến văn phòng ít nhất 3 ngày/tuần. Xu hướng này có thể sẽ thay đổi kể từ ngày 8/5 sau quyết định ứng phó với dịch bệnh COVID-19 của chính phủ. Nhiều nhà tuyển dụng có kế hoạch đưa nhân viên làm việc toàn thời gian tại văn phòng.